Học hòa nhập ở một ngôi trường đặc biệt

Thu Hương 18/12/2017 08:30

Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) hiện là trường duy nhất không chỉ ở Hà Nội mà trên cả nước dạy học sinh khiếm thị theo mô hình hòa nhập với học sinh không khuyết tật, một mô hình nhân văn với cả trẻ khuyết tật và các học sinh khác.

Học hòa nhập ở một ngôi trường đặc biệt

Một tiết học hòa nhập của học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.

Môi trường nhân văn

Chia sẻ về tính ưu việt của mô hình học hòa nhập so với mô hình chuyên biệt, cô giáo Trần Thị Phương Lan, hiệu phó nhà trường cho rằng không chỉ giao tiếp của học sinh khiếm thị được mở rộng hơn và các kỹ năng các em học được từ bạn bè xung quanh đồng tật và không khuyết tật cũng nhiều hơn. Ngược lại, những học sinh không khuyết tật cũng có cơ hội để tiếp cận và hiểu rõ hơn đời sống của những người bạn thiếu may mắn hơn mình.

Có 22 năm gắn bó với ngôi trường này, cô giáo Lan tâm sự sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, cô được phân công về dạy tại trường, phụ trách dạy học sinh khiếm thị chuyên biệt. Đây là một thách thức với giáo viên trẻ vì khi học trường không được đào tạo để dạy học sinh khiếm thị. Nhưng với lòng yêu nghề và yêu thương, sẻ chia với những số phận học sinh chịu thiệt thòi, các thầy cô luôn cố gắng tìm những phương pháp phù hợp nhất để hướng dẫn các con bắt kịp cùng với các bạn mắt sáng khác.

Ở trường, học sinh khiếm thị cũng học đủ các môn theo quy định của Bộ GD&ĐT, không thiếu môn nào. Tuy nhiên, theo Luật Người khuyết tật và quy định của Bộ thì Bộ khuyến khích học hết nhưng có giảm tải một số nội dung quá khó khăn đòi hỏi nhiều về thị giác như mỹ thuật, toán có liên quan đến vẽ hình…

Em Vũ Thị Hải Anh, học sinh của lớp 7A1 của trường chia sẻ, những khi chưa hiểu bài trên lớp, giờ ra chơi em phải nhờ các bạn mắt sáng đọc hộ bài. Ban đầu cũng có bạn tỏ ra không thoải mái nhưng khi nghe em chia sẻ những khó khăn của người khiếm thị, các bạn đã hết sức thông cảm và vui vẻ giúp đỡ. Ngược lại, Hải Anh cũng dạy cho những người bạn của mình cách đọc chữ nổi để các bạn hiểu thêm về cuộc sống của những người khuyết tật.

Tạo lối cho các em vào đời

Xác định các em đã thiệt thòi hơn các bạn khác, Ban Giám hiệu nhà trường cũng như mỗi thầy cô giáo, các thầy cô chăm sóc viên đều hết sức quan tâm chăm sóc các em không chỉ ở chuyện bài vở trên lớp mà còn trong cả cuộc sống thường ngày. Trong 181 học sinh khiếm thị của nhà trường, có 98 bạn ở nội trú do điều kiện gia đình ở xa. Nhà trường có 3 chăm sóc viên, trong đó 2 cô chịu trách nhiệm chăm sóc vào ban ngày, nhắc nhở đi học, quán xuyến nề nếp ăn ngủ nghỉ. Một chăm sóc viên trực đêm để chăm sóc vấn đề sức khỏe, giờ tự học và các công tác khác…

“Trước khi đến với nhà trường, nhiều em không đi học mẫu giáo nên thiếu hụt các kỹ năng lắm. Nhà trường chú trọng dạy các con rất nhiều các kỹ năng cần thiết như kỹ năng sử dụng thìa nĩa ăn uống đúng cánh, cách chăm sóc bản thân, tự giặt quần áo, dạy sử dụng bảng bút, học kỹ năng tương tác, hỗ trợ từ những người xung quanh,… Không một nhà trường sư phạm nào dạy, không có giáo trình hướng dẫn cụ thể, thậm chí cấp trên cũng không có văn bản chỉ đạo trực tiếp các cô phải làm như thế nào mà thực tế, mọi việc nhà trường làm đều xuất phát từ việc mình dạy, quan sát học sinh sinh hoạt học tập ra sao, con cần cái gì để kịp thời bổ sung hỗ trợ” – cô Lan tâm sự.

Dù không được giao trọng trách chính thức về hướng nghiệp dạy nghề nhưng Ban Giám hiệu nhà trường luôn xác định đây là việc làm cần thiết. Bởi thực tế, các em học sinh khiếm thị theo học được hết bậc THCS đã là một sự thành công rất lớn. Số lượng các em theo học được cấp 3, THPT không phải là đại đa số. Vì vậy, nhà trường luôn cố gắng tạo nhiều cơ hội để các em thử sức khám phá năng lực của mình trong các lĩnh vực khác nhau.

Chẳng hạn, nhà trường có câu lạc bộ dành cho học sinh khiếm thị học vẽ, làm đồ gốm… Với những bạn khiếm thị có năng khiếu về âm nhạc, nhà trường đang tổ chức 22 lớp nhạc. Ban đầu các con học để giải trí, sau đó những bạn có năng khiếu thì giáo viên có trách nhiệm tư vấn để các con có định hướng rõ ràng. Hiện trường có gần 50 em đã học, đã tốt nghiệp và đang học tại Học viện Âm nhạc quốc gia. Năm 2017, trường có 3 em đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia, khoa Đàn dân tộc với số điểm khá cao.

Ngoài ra, nhà trường còn định hướng một số nghề khác phù hợp với người khiếm thị như xoa bóp đấm huyệt, công nghệ thông tin,… Đặc biệt, nhà trường đang tiếp cận với xu hướng chung của thế giới và khu vực đó là đào tạo nghề công tác xã hội cho người khiếm thị.

Từ sự quan sát, thấu hiểu với khó khăn của học sinh khiếm thị, các thầy cô giáo ở trường Nguyễn Đình Chiểu mong muốn dạy các em những việc rất đơn giản như làm giá đỗ từ máy làm giá, trồng rau sạch… thậm chí là hướng dẫn các em biết làm sữa chua, muối dưa cà… là những việc cần thiết trong cuộc sống hàng ngày của các em. Hiện nhà trường đã tổ chức các lớp học kỹ năng giao tiếp – điều các em học sinh khiếm thị còn đang yếu, kỹ năng làm việc, trả lời phỏng vấn khi đi xin việc, hợp tác nhóm, nội trợ… Hiện nay nhà trường đang triển khai giáo dục giới tính, tư vấn tâm lý và phòng chống xâm hại với trẻ em, đặc biệt là với học sinh khiếm thị” – cô Lan cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học hòa nhập ở một ngôi trường đặc biệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO