Học lực giỏi lớp 12 mới được xét tuyển ngành sư phạm

Lam Nhi 15/02/2019 08:00

Theo Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng (CĐ) nhóm ngành đào tạo giáo viên 2019, ngoài ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, đối với những trường xét học sinh tốt nghiệp THPT vào nhóm ngành đào tạo giáo viên, thí sinh phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi với trình độ ĐH, loại khá với trình độ CĐ, trung cấp.

Theo Dự thảo, sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy 2019, đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ ĐH, CĐ, trung cấp; căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng quy định thêm yêu cầu ở trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.

Đối với trình độ CĐ, trình độ trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất (ngành CĐ), sư phạm thể dục thể thao (ngành trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.

Các năm trước, ngưỡng đầu vào dành cho bậc ĐH khi xét học bạ chỉ cần điểm trung bình từng môn trong tổ hợp hoặc điểm trung bình chung các môn xét tuyển đạt từ mức 6 điểm trở lên. Quy định mới này cho thấy Bộ GDĐT muốn siết chặt tuyển sinh ngành sư phạm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường sư phạm.

Năm 2018, việc có thêm điểm sàn riêng cho các trường đào tạo nhóm ngành giáo viên được dư luận ủng hộ. Về phía các trường sư phạm, đa số đều bày tỏ sự đồng tình với quy định này. Tuy nhiên, thực tế phát sinh là một số trường gặp khó khăn trong tuyển sinh. Vì vậy, các trường đã có những điều chỉnh trong phương thức tuyển sinh. Đáng lưu ý, một số trường sẽ bổ sung phương thức xét tuyển bằng học bạ cho các ngành này.

Đơn cử, Trường ĐH Đà Lạt năm nay sẽ có 3 hình thức tuyển sinh với nhóm ngành đào tạo giáo viên là xét kết quả thi và tuyển thẳng theo quy chế, xét tuyển học bạ. Trong đó, trường sẽ dành một phần chỉ tiêu để xét học bạ nhưng vẫn tuân theo quy định “điểm sàn” theo quy định chung của Bộ GDĐT.

Trước đó, Trường ĐH Sư phạm TP HCM đã triển khai hình thức xét tuyển học bạ cho 34/36 ngành đào tạo của trường này từ năm 2018. Năm nay trường sẽ tiếp tục duy trì hình thức xét tuyển học bạ bên cạnh kết quả thi THPT quốc gia và tuyển thẳng.

Bàn về quy định này, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, giáo viên là nghề đặc thù. Trường ông sẽ không bao giờ tuyển những sinh viên mà đầu vào chỉ 9 điểm 3 môn. Bởi thầy dốt không thể dạy trò giỏi. Các trường được tự chủ, tự lựa chọn phương thức tuyển sinh nhưng phải đảm bảo chất lượng của sinh viên nên việc Bộ GDĐT đặt ngưỡng như vậy là cần thiết để tránh việc các trường “vơ bèo vạt tép”. Tuy nhiên, để thu hút thí sinh giỏi vào sư phạm thì về lâu dài vẫn cần cải thiện vấn đề cơ hội việc làm, thu nhập, tôn vinh và cơ hội thăng tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học lực giỏi lớp 12 mới được xét tuyển ngành sư phạm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO