Học trò rất cô đơn

Lam Nhi 06/04/2019 07:00

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường”  vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nhiếp- Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy chia sẻ: Qua các giờ lên lớp, qua trao đổi với các em, cô thấy học trò rất cô đơn. Các em luôn cần được chia sẻ cả với gia đình và thầy cô. Gia đình, nhà trường cần phối hợp nhuần nhuyễn hơn để các em được trang bị kỹ năng sống đầy đủ hơn, được dạy đạo đức nhiều hơn.

Về phía nhà trường, bà Nhiếp cho rằng việc kết nối giữa nhà trường và gia đình rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chỉ quan tâm đến thành tích học tập của các con. Nhà trường phải tổ chức được các buổi tọa đàm 3 bên (gia đình - nhà trường - học sinh), để giữa gia đình và nhà trường có 1 mục tiêu chung, 1 cách làm chung. Mặc dù chủ động đề xuất phụ huynh gọi điện, nhắn tin cho mình để chia sẻ vấn đề trong giáo dục con và cùng giải quyết, nhưng bà Nhiếp cũng thừa nhận không nhiều phụ huynh trao đổi với bà các vấn đề trong giáo dục con.

Từ thực tế hiện nay, bà Nhiếp kiến nghị ngành giáo dục có những chính sách rõ ràng với người làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong nhà trường. Cụ thể, người làm công tác này phải chuyên trách, không phải kiêm nhiệm. Đối với các trường ĐH Sư phạm cũng cần đào tạo về kỹ năng tư vấn, điều chỉnh tâm lý cho sinh viên nhiều hơn để khi đi giảng dạy, các thầy cô có đủ kiến thức kỹ năng hướng dẫn cho học sinh.

Bà Nhiếp cũng bày tỏ trăn trở, đuổi học thì rất dễ, giúp học trò thay đổi được nhận thức, những vấn đề tận sâu bên trong mới khó. Vì thế mỗi nhà trường phải chủ động nắm được tình hình, tâm lý của học sinh ở mỗi giai đoạn để có những phương pháp, biện pháp giúp đỡ các em.. Chẳng hạn, cần tạo ra những hoạt động ngoại khóa hấp dẫn, tươi mới, nhằm kéo học sinh tham gia các hoạt động này và tránh xa tệ nạn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học trò rất cô đơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO