Học từ xa: Khó thay thế học tập trung

Thu Hương 12/03/2020 08:00

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ vừa yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, đề xuất việc dạy học đại trà trên truyền hình cho học sinh (HS) phổ thông, đồng thời làm rõ hành lang pháp lý việc công nhận kết quả học trực tuyến của những nơi đã triển khai. Các đơn vị này phải có câu trả lời vào ngày 12/3.

Học từ xa: Khó thay thế học tập trung

Từ 9/3, học sinh lớp 9 và 12 của Hà Nội học một số môn qua truyền hình.

Hiệu quả nhưng còn nhược điểm

Trong thời gian 1 tháng HS, sinh viên của nhiều địa phương nghỉ học vì dịch Covid-19, nhiều phương án hỗ trợ ôn tập kiến thức đã được các nhà trường triển khai. Đơn cử như tại Hà Nội, việc học online đã được đẩy mạnh qua trang web http://study.hanoi.edu.vn do Sở GDĐT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Giải pháp công nghệ thông tin giáo dục thuộc Cục Công nghệ thông tin, Bộ GDĐT xây dựng. Đánh giá về hiệu quả của hình thức học online này, ông Kiều Văn Minh- Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GDĐT Hà Nội cho rằng sau 1 tháng triển khai học trực tuyến, Sở thu nhận được những phản hồi rất tích cực từ phía các HS, các thầy cô giáo và các cấp quản lý giáo dục.

Theo ông Minh: Trong vòng 1 tháng, có tới gần 1,5 triệu lượt truy cập. Có thể nói gần như tất cả các HS và thầy cô giáo đã tham gia vào hệ thống này. Đây vừa là một hình thức rèn luyện, vừa là các em có thể tự kiểm tra đánh giá được mình trong quá trình học tập và rèn luyện.

Bên cạnh đó, HS lớp 9 và lớp 12 của Hà Nội cũng được học qua truyền hình trong thời gian này với mục tiêu chủ yếu định hướng cho các em nắm được kiến thức cũ, đồng thời tiếp cận các kiến thức mới. Trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục tiến hành xây dựng nội dung giảng dạy đối với các khối lớp khác để phát sóng trên truyền hình.

Tuy nhiên, ông Kiều Văn Minh nhấn mạnh sau khi học sinh quay trở lại trường, các em sẽ tiếp tục việc học các chương trình theo đúng chuẩn của Bộ GDĐT. Theo chuẩn kiến thức kỹ năng và đúng nội dung chương trình, thời lượng, thời gian ở từng cấp học, môn học.

Như vậy, mặc dù việc học trực tuyến, học qua truyền hình, học từ xa… nhận được phản hồi tích cực nhưng với Hà Nội, phương án này không thể thay thế cho việc học tập trung. Đây cũng là quan điểm của nhiều địa phương khác. ÔngVõ Ngọc Thạch- Phó giám đốc Sở GDĐT Đồng Nai cho biết việc ghi hình để phát lại trên truyền hình chỉ là phương án tạm thời giúp các em ôn tập kiến thức chứ không phải chương trình dạy bắt buộc.

Dạy chữ phải gắn với dạy người

Trong bản kiến nghị lần thứ 3 gửi Chính phủ, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam dẫn thông tin: Báo chí các nước nêu rằng việc thay thế phương pháp dạy truyền thống trên lớp bằng các phương thức dạy học từ xa (bao gồm dạy qua truyền hình, dạy trực tuyến online…) đã được triển khai ở Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác.

Hiệp hội đã kiến nghị lên Thủ tướng sớm có quyết định chỉ thị cho Bộ GDĐT phối hợp cùng Bộ TTTT, Đài truyền hình Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố lên kế hoạch triển khai việc dạy học từ xa, trước hết là dạy học qua truyền hình cho khối giáo dục phổ thông trước ngày học sinh đến trường đại trà.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ thị cho Bộ GDĐT công nhận kết quả học trực tuyến của các trường đã chủ động triển khai nghiêm túc trong đợt dịch vừa qua. Trước đó, trong thư cầu cứu của 150 cơ sở giáo dục tư thục gửi Thủ tướng và các bộ ban ngành, ngoài những đề xuất về các chính sách tài chính, các tổ chức này cũng đề nghị xem xét công nhận giá trị pháp lý của hình thức học trực tuyến.

Trước đó, đối với bản kiến nghị lần 2 của hai Hiệp hội, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết việc học trực tuyến không phải hình thức mới đối với các trường ĐH. Nhiều trường hiện cũng đã công nhận kết quả học tập này. Tuy nhiên đối với cấp phổ thông, việc giáo dục còn mang tính chất giáo dục con người, do đó cần phải dạy học trực tiếp. Đối với kiến nghị về việc dạy học từ xa trong giai đoạn dịch Covid-19 của hai Hiệp hội từ cuối tháng 2, Thứ trưởng Độ cho biết sẽ tiếp thu và sẽ nghiên cứu. Tuy nhiên đây là một vấn đề mang tính khoa học, cho nên có thể sử dụng để bổ trợ chứ không thể thay thế việc dạy trực tiếp ở cấp phổ thông. Dạy chữ phải gắn với dạy người nên rất cần sự giao tiếp trực tiếp, từ đó hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh.

TS Trương Tiến Tùng- Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội – một cơ sở giáo dục tiên phong với loại hình đào tạo từ xa từ hơn 20 năm nay cũng thừa nhận, để dạy và học qua truyền hình, phát thanh đạt hiệu quả, ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ, cần phải có bài giảng, buổi phát sóng phù hợp. Thứ hai là đội ngũ giáo viên phải được tập huấn phương pháp giảng dạy trực tuyến, từ kỹ năng đứng trước ống kính, từ giọng nói qua micro và sự tương tác với hệ thống. Thứ ba là HS cũng cần có thời gian để tiếp cận và bồi dưỡng các kỹ năng cần có để theo kịp phương pháp học mới…

Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam về việc triển khai chuyển sang áp dụng đại trà các phương thức dạy học từ xa (mà trước tiên là dạy học qua truyền hình) ở quy mô toàn quốc ngay trong đợt dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo giao Bộ GDĐT xem xét và sớm có ý kiến về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học từ xa: Khó thay thế học tập trung

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO