Lựa chọn sách giáo khoa: Quan trọng là bám sát chương trình

Hàn Minh 11/02/2020 08:00

Nhiều chuyên gia và giáo viên bày tỏ mong muốn, trong thời gian này nếu các nhà xuất bản kịp phát hành các bản mẫu sách giáo khoa (SGK) lớp 1 để thầy cô có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, thậm chí là lựa chọn bài học để dạy thử khi học sinh trở lại trường học sau dịch nCoV thì sẽ rất phù hợp. Trước mắt, Bộ GDĐT nên phát hành cuốn Chương trình nội dung lớp 1 để giáo viên tham khảo trước nhằm bám sát chương trình, chuẩn kiến thức rồi tham khảo sách.

Lựa chọn sách giáo khoa: Quan trọng là bám sát chương trình

Một bộ sách giáo khoa lớp 1.

Vẫn mong SGK

So với lịch giảng dạy thông thường, hiện đang là thời gian nhiều giáo viên được thảnh thơi hơn khi không phải lên lớp hàng ngày mà tập trung xây dựng bài giảng điện tử, soạn đề cương ôn tập, tóm tắt bài giảng cho học sinh…Việc chủ động công việc trong ngày giúp giáo viên có nhiều thời gian để tham khảo các bản mẫu SGK đã được Bộ GDĐT phê duyệt. Trong 38 bản mẫu SGK, có những môn học chỉ có một bản mẫu SGK được phê duyệt như môn Giáo dục thể chất thì giáo viên không cần lựa chọn SGK mà chỉ phải trực tiếp nghiên cứu, tham khảo hướng dẫn, tập huấn để giảng dạy cho sát với chương trình. Tuy nhiên, các môn học khác đều có hơn một cuốn sách SGK để lựa chọn nên nói như thầy Nguyễn Xuân Khang- Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) thì “chưa có bột nên chưa thể gột nên hồ”.

“Hiện giờ nhà trường vẫn chưa có bất kỳ bản mẫu SGK của tất cả các môn học trong tổng số 38 bản mẫu SGK được phê duyệt nên dù rất muốn nhưng cũng chưa có cơ sở nào để chọn sách” - thầy Nguyễn Xuân Khang bày tỏ lo lắng khi thời gian không còn nhiều cho năm học 2020-2021 đã cận kề. Nếu giáo viên và các thành viên có trong Hội đồng chọn SGK không sớm được tiếp cận đầy đủ 5 bộ SGK thì sẽ gây ra những bất cập nhất định.

Trước đó, Bộ GDĐT đã có công văn yêu cầu các nhà xuất bản khẩn trương có phương án triển khai cung cấp SGK lớp 1 đến các địa phương kịp thời và báo cáo về Bộ GDĐT trước ngày 15/1/2020. Đồng thời, khẩn trương thực hiện các thủ tục để kịp thời công bố giá của mỗi cuốn SGK lớp 1 trước ngày 15/2/2020.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới có 2/5 bộ SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Bộ GDĐT phê duyệt công bố phiên bản điện tử. Trong đó, bộ sách “Cánh diều” của 2 NXB ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM và Công ty CP Đầu tư Xuất bản -Thiết bị giáo dục Việt Nam -VEPIC được đăng tải tại website sachcanhdieu.com và sachcanhdieu.vn.

Bộ sách “Vì sự bình đẳng dân chủ trong giáo dục” của Công ty Cổ phần phát hành sách giáo dục (NXB Giáo dục Việt Nam) được công bố tại địa chỉ sachthietbigiaoduc.vn.

Chia sẻ thêm, thầy Khang cho biết nhà trường xác định sẽ trang bị đủ tất cả 5 bộ SGK để giáo viên tìm hiểu và có thể chắt lọc, tham khảo giá trị của từng cuốn và tạo thành bài giảng của riêng mình. Như vậy, dù Hội đồng có chọn bộ sách nào để giảng dạy đi chăng nữa thì việc bám sát chương trình, chuẩn kiến thức mới là yếu tố cốt lõi nhất. Đặc biệt trong bối cảnh SGK không còn là pháp lệnh mà Chương trình mới là pháp lệnh thì việc chọn SGK đóng vai trò nhất định nhưng không phải quan trọng nhất.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, muốn chắt lọc những phần hay nhất, phù hợp nhất với học sinh trong từng bộ sách để đưa vào giảng dạy thì rõ ràng yếu tố tiên quyết là phải tiếp cận được với cả 5 bộ SGK này. “Để giảng dạy đảm bảo kiến thức đúng, đủ, hay của một bộ SGK mới đã khó. Nếu muốn tham khảo, kết hợp nhiều nội dung của các cuốn sách khác nhau trong cùng một bài giảng/một môn học… là điều không dễ, đòi hỏi giáo viên phải được tập huấn kỹ càng và có năng lực, trình độ sư phạm nhất định cũng như có thời gian nghiền ngẫm về từng bài học, từng chương mục…”- giảng viên Mai Tuyết Nhung (Trường CĐ Du lịch Hà Nội) chia sẻ.

Chủ động tập huấn trước khi tiếp cận SGK mới

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, quyết định cao nhất trong việc lựa chọn sách thuộc về giáo viên. Tuy nhiên, trên thực tế việc lựa chọn này chỉ diễn ra trong một năm, tức là nhà trường chỉ thành lập hội đồng chọn sách năm nay còn từ sang năm thì tỉnh, thành phố sẽ quyết định việc này nên quan trọng hơn cả là các giáo viên cần nắm được Chương trình nội dung lớp 1 như thế nào, từ đó tham khảo thêm SGK để giảng dạy trực tiếp.

Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất Bộ GDĐT nên phát hành cuốn Chương trình nội dung lớp 1 là cơ sở quan trọng để giáo viên nghiên cứu phục vụ giảng dạy. Có như vậy, dù sang năm có thay đổi sách thì trọng tâm chương trình vẫn không thay đổi, không có sự gián đoạn trong giảng dạy học sinh. Dù học sách nào, học sinh vẫn tiếp thu được kiến thức cần đạt được theo chuẩn chương trình đã ban hành.

Song song với đó là việc tập huấn giáo viên cần được triển khai hợp lý. Giám đốc Sở GĐĐT Nam Định Cao Xuân Hùng cho biết đến thời điểm này tỉnh đã lựa chọn ra những giáo viên giỏi nhất để tham gia tập huấn bồi dưỡng chương trình. Theo kế hoạch, Nam Định sẽ hoàn thành tập huấn toàn bộ giáo viên lớp 1 trước quý III/2020. Bên cạnh đó, ngành cũng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tiến hành tổng rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu đội ngũ, trên cơ sở đó sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả; đồng thời, ưu tiên việc tuyển dụng giáo viên các môn học mới ở các cấp học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, từ xưa đến nay giáo viên có tâm lý tuân thủ SGK nên chờ đợi SGK để tập huấn nhưng lần này khác, giáo viên phải hiểu rất rõ chương trình, vì vậy, tập huấn giáo viên phải theo từng module chương trình. Việc đánh giá cũng thay đổi, theo phẩm chất và năng lực của người học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lựa chọn sách giáo khoa: Quan trọng là bám sát chương trình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO