Minh bạch thi THPT quốc gia: Cần một cuộc rà soát tổng thể

Minh Quang 21/04/2019 08:00

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng với Bộ GDĐT, Bộ Công an sẽ có cuộc họp để nghe giải trình về những tiêu cực, gian lận trong thi cử thời gian qua vào đầu tuần tới. Đây là thông tin vừa được ông Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Ủy ban này cho hay. Dẫu thế, nhiều băn khoăn cũng đang được đặt ra, sau giải trình, những chuyện xảy ra có được minh bạch, công khai hay không?

Minh bạch thi THPT quốc gia: Cần một cuộc rà soát tổng thể

Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Theo phân tích từ các chuyên gia giáo dục, việc phanh phui và xử lý vi phạm gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La thời gian qua, đã thể hiện cố gắng của những cơ quan có trách nhiệm trong việc đưa các mảng tối trong giáo dục ra ánh sáng. Đây chính là một cơ hội để tất cả chúng ta nhìn thẳng vào thực trạng giáo dục hiện nay, cũng như sự gian dối trong xã hội nói chung. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội tốt nhất để ngành giáo dục sửa sai. Vì lẽ đó, rất cần một cuộc rà soát tổng thể lại điểm thi THPT quốc gia từ các năm trước nữa.

Cán bộ sai phạm, cần xử lý nghiêm

Theo dự kiến, vào ngày 23/4 tới đây, Ủy ban VHGDTTN&NĐ sẽ tổ chức cuộc làm việc nói trên xung quanh vấn đề tiêu cực, gian lận thi cử tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Cụ thể, tại tỉnh Sơn La, kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Sơn La và kết quả chấm thẩm định khẳng định, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố ban đầu. Một số cơ quan báo chí công bố danh sách nghề nghiệp và công việc của phụ huynh 21 thí sinh Sơn La được nâng khống điểm thi cho thấy, nhiều người trong số họ nắm giữ các chức vụ quan trọng trong tỉnh.

Ngoài Sơn La, tiêu cực trong thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình cũng thu hút nhiều sự chú ý. Đặc biệt, việc gian lận điểm thi lần này lại liên quan đến nhiều phụ huynh, đều giữ cương vị lãnh đạo ở các địa phương này. Theo Bộ GDĐT, đến nay, đã có 108 thí sinh thuộc 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình được xác định là được nâng điểm so với điểm thực.

Hầu hết thí sinh gian lận, nâng điểm đều nộp hồ sơ vào các trường công an và quân đội. Tính đến ngày 17/4, có 53 học viên trường công an nhân dân bị trả về địa phương do bị phát hiện có gian lận, bao gồm cả 28 trường hợp là thí sinh Hòa Bình, 25 trường hợp tại Sơn La.

Mặc dù các cơ quan chức năng đang vào cuộc, tuy nhiên hướng xử lý ra sao đối với phụ huynh các thí sinh được nâng/ mua điểm lần này đang là vấn đề làm nóng dư luận. Bởi nó không còn là câu chuyện gian lận điểm thi, mà đang trở thành vấn nạn tiêu cực học đường đáng báo động. Các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc như thế nào để chống lại nạn gian lận thi cử mang tầm quốc gia- đây là vấn đề đang được người dân cả nước hết sức quan tâm.

Trao đổi với báo chí, nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) cùng có chung quan điểm: thí sinh/phụ huynh gian lận điểm thi, dù là ai, giữ chức gì cũng phải công khai danh tính. ĐBQH Mong Văn Tình (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẳng thắn cho rằng: Phải công khai để đảm bảo tính răn đe dù bố mẹ các thí sinh này là ai, làm chức vụ gì, như thế mới đảm bảo công bằng cho các thí sinh học thật thi thật. Nếu những trường hợp chạy điểm, gian lận kỳ thi vừa qua là con của “ông to bà lớn” thì càng phải công khai để có hình thức xử lý thật nghiêm minh. Đó là vì một nền giáo dục văn minh.

Minh bạch thi THPT quốc gia: Cần một cuộc rà soát tổng thể - 1

Rất cần những giải pháp hữu hiệu để có những kỳ thi an toàn, công bằng. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Điều tra đến bao giờ?

Kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GDĐT cùng cơ quan công an đã phát hiện 3 tỉnh có gian lận thi cử là Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La. Nhưng cho đến giờ, vụ việc tại các địa phương vẫn đang trong quá trình điều tra.

Từ bản danh sách phụ huynh có con được nâng điểm tại Sơn La, dư luận đang trông chờ danh sách phụ huynh tại các tỉnh Hòa Bình và Hà Giang được công bố. Trước đó, Hà Giang chính là địa phương đầu tiên mà những tiêu cực điểm thi THPT quốc gia 2018 được phát hiện.

Ngay thời điểm đó những nghi vấn về trường hợp thí sinh được nâng điểm là con em các lãnh đạo địa phương Hà Giang cũng đã được đặt ra. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này những khoảng tối trong kỳ thi THPT quốc gia ở Hà Giang 2018 vẫn chưa được giải quyết sáng tỏ, khiến dư luận còn nhiều bất bình.

Trước đó, ở vào thời điểm tháng 7/2018, Bộ GDĐT đã công bố thông tin: tại Hà Giang, sau khi chấm thẩm định, rà soát lại có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

So với gian lận thi cử được phát hiện tại 3 địa phương nói trên, xét về số điểm nâng tuyệt đối thì Hà Giang vẫn đứng đầu, có những thí sinh của tỉnh này tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với trước đó. Tức là mức điểm được nâng gần như tuyệt đối với 3 bài thi. Tiếp đến là Sơn La 26,55 điểm/3 môn, Hòa Bình là 26,45 điểm/3 môn.

Nhưng tại sao những thí sinh/phụ huynh ở Hà Giang cho đến thời điểm này vẫn “vô can”? Theo phân tích của các chuyên gia, vụ việc tại Hà Giang được phanh phui trước khi thí sinh được thay đổi nguyện vọng một lần nữa để xét tuyển ĐH. Còn Sơn La và Hòa Bình đến giờ mới có kết quả chấm thẩm định. Trong khi phần lớn các thí sinh được nâng điểm trúng tuyển vào khối trường công an, quân đội- những khối ngành đang “hot”, nên có thể đã làm mất đi cơ hội của những thí sinh đủ điểm đỗ ĐH.

Thời điểm này, khi mà dư luận đang hướng sự chú ý vào danh sách các phụ huynh chạy điểm cho con, thì không ít phụ huynh có chức quyền ở Hà Giang vẫn khẳng định không hề can thiệp vào việc nâng điểm bài thi của người nhà. Vậy quá trình điều tra sẽ kéo dài trong bao lâu nữa để danh tính phụ huynh được công khai, để họ không còn bao biện?

Minh bạch thi THPT quốc gia: Cần một cuộc rà soát tổng thể - 2

Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Sớm rà soát điểm thi THPT của các năm trước

Sau gian lận thi cử THPT quốc gia 2018 tại các địa phương miền núi phía Bắc, hàng loạt tỉnh, thành khác bị nghi ngờ có dấu hiệu bất thường về điểm thi. Bộ GDĐT cũng đã chỉ đạo rà soát toàn bộ kết quả thi THPT quốc gia 2018 trên cả nước. Tuy nhiên kể từ ngày 20/7/2018 đến hết 31/7/2018, kết thúc thời gian tự rà soát điểm thi THPT quốc gia của các sở GDĐT, theo báo cáo, nhiều địa phương không phát hiện tiêu cực.

Thời điểm này, bản danh sách gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 đã lộ diện. Bộ GDĐT cũng cho hay, riêng tại Hòa Bình có 63 thí sinh thi năm 2018 và một thí sinh năm 2017 có điểm chấm thẩm định giảm so với điểm đã công bố. Điều này khiến cho nhiều câu hỏi đang được đặt ra dồn dập: liệu có chắc kết quả rà soát điểm thi THPT quốc gia của các địa phương khác là trung thực? Liệu có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp THPT năm 2018 và các năm trước nữa đang “chiếm chỗ” của những người khác, khi họ bước chân vào trường ĐH bằng con đường gian lận điểm thi? Liệu Bộ GDĐT có đảm bảo rằng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 chỉ có 3 địa phương Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La phát hiện gian lận điểm thi?!

Do đó, yêu cầu mà dư luận đang đặt ra lúc này là cần thiết có một cuộc rà soát tổng thể điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia, từ các năm trước nữa (từ năm 2015- tới 2018, sau 4 năm Bộ GDĐT tổ chức thi THPT quốc gia, hay còn gọi là kỳ thi “2 trong 1”. Đặc biệt là rà soát điểm thi thật các thủ khoa, á khoa năm 2017 của thí sinh ở 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang thi vào một số trường khối công an, quân đội, y, dược…để hi vọng có thể tìm ra hệ thống việc gian lận thi trong một thời gian dài. Từ đó thấy được thực chất việc xuống cấp thi cử trong ngành giáo dục, nhằm sớm tìm ra phương thuốc chữa. Đơn cử gần nhất năm 2017, điểm thi THPT quốc gia trên toàn quốc đều cao với những “cơn mưa điểm 10” ở tất cả các môn thi. Liệu đây có phải những điểm 10 thực lực? Vấn đề này cần được lưu tâm và sớm được xem xét.

Thời điểm này chính là cơ hội tốt nhất để ngành GDĐT sửa sai và lấy lại niềm tin của người dân, minh bạch hóa, công khai hóa một kỳ thi mang tầm quốc gia theo đúng nghĩa: Vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH- CĐ. Vì lẽ đó, một cuộc rà soát tổng thể là cần thiết, không nên chậm trễ. Kẻo những lứa sinh viên – nếu có vướng án gian lận điểm thi THPT sẽ ra trường. Lúc đó mọi chuyện càng trở nên khó xử!

Bày tỏ những bức xúc về vấn nạn gian lận điểm thi, ĐBQH Lê Thanh Vân- Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội nhấn mạnh: Gian lận thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài, bởi nó cung cấp đầu vào cho quá trình đào tạo và đầu ra cho sử dụng nhân sự phục vụ cho Nhà nước và xã hội. Nếu như sự dối trá này bị che giấu sẽ gây hậu quả khôn lường, làm tha hóa nền giáo dục. Đặc biệt, theo ông Vân, từ việc gian dối sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém, tác động đến đạo đức xã hội, chi phối những hành vi đúng đắn trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch thi THPT quốc gia: Cần một cuộc rà soát tổng thể

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO