Nâng tầm môn Giáo dục công dân

Văn Minh 04/02/2018 09:00

Những năm qua người ta thường đặt câu hỏi: Giáo viên dạy gì và học sinh học thế nào trong các tiết học môn giáo dục công dân? Bởi môn học này lâu nay thường bị xem nhẹ và chưa thực sự khơi dậy được hứng thú với người học.

Thậm chí, các giáo viên còn thường xin giờ của tiết giáo dục công dân để phụ đạo thêm các môn chính như toán, văn, ngoại ngữ… Song từ năm 2017, môn học này đã được đưa vào chương trình thi tốt nghiệp, quan điểm dạy và học về môn này đã phần nào thay đổi.

Dự thảo các chương trình môn học, trong đó môn Giáo dục công dân đã cải tiến căn bản, nhằm giáo dục cho học sinh giá trị yêu nước, lòng nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm... Theo các chuyên gia giáo dục, đó là những phẩm chất cần có của một công dân hiện đại.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Công Hoàn, giảng viên cao cấp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: Chương trình bộ môn Giáo dục công dân đã được soạn thảo công phu, tâm huyết, trí tuệ. Ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp quý báu của nhiều nhà khoa học, chuyên gia tư vấn trong nước, quốc tế, các giáo viên nhà quản lý giáo dục trên cả nước.

Dự thảo chương trình môn học Giáo dục công dân chú trọng nội dung tổ chức, hướng dẫn cho học sinh hoạt động khám phá, phân tích, khai thác các thông tin, xử lý tình huống thực tiễn, các sự việc, vấn đề, hiện tượng, trường hợp điển hình của thực tế cuộc sống xung quanh, gần gũi với đời sống học sinh.

Mặt khác, môn học này cũng coi trọng tổ chức, hướng dẫn các hoạt động trải nghiệm của người học để học sinh tự phát hiện kiến thức mới, phát triển kỹ năng, thái độ tích cực, trên cơ sơ đó tự hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người công dân tương lai…

Đặc biệt, chương trình môn học này cũng thể hiện rõ các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam và những giá trị chung của nhân loại, đồng thời cũng xét đến thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện kinh tế và truyền thống văn hóa, sự đa dạng của các đối tượng học sinh xét theo phương diện vùng miền, điều kiện và khả năng học tập.

Giáo sư, Viện sỹ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cho rằng mục tiêu và nội dung dạy học của môn học sẽ góp phần giáo dục cho học sinh giá trị yêu nước, lòng nhân ái, chăm chỉ trung thực, trách nhiệm và nhiều năng lực khác.

Chương trình được đổi mới hình thức dạy học theo hướng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả: Dạy học theo lớp, theo nhóm và cá nhân, ở trong lớp, ngoài lớp và ngoài trường; tăng cường các sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, công tác đoàn, đội của học sinh; tăng cường thực hành, rèn luyện kỹ năng trong các tình huống cụ thể của đời sống, tạo ra sự hứng thú cho học sinh…

Đổi mới từ nội dung, chương trình; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo… là những nỗ lực của ngành giáo dục. Tuy nhiên, với học sinh thì phần đông các em cho rằng môn học lôi cuốn được hay không phụ thuộc nhiều vào chất lượng giảng dạy chứ chưa hẳn là áp lực thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng tầm môn Giáo dục công dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO