Những điều học trò mong muốn

Nhị Hà 17/03/2018 09:30

Chúng ta đang bàn nhiều về nghệ thuật ứng xử học đường, trong đó có ứng xử giữa thầy và trò trong các nhà trường. Mục đích cũng là để tìm ra những giải pháp tốt nhất nâng cao chất lượng toàn diện của giáo dục.

Hãy nghe tiếng nói của học trò, những người trong cuộc, để thấy được một góc nhìn khác khi đánh giá tình trạng có nhiều học sinh phản ứng lại thầy cô một cách gay gắt thậm chí là thiếu văn hóa như hiện nay.

Và cũng hi vọng những người làm công tác giáo dục có thêm nghệ thuật ứng xử sư phạm.

Em Nguyễn Ngọc Diệp (Hưng Yên) chia sẻ: “Thật ra, khi học sinh phản ứng với thầy cô đều có những nguyên nhân nhất định. Chúng em mong thầy cô tìm hiểu nguyên nhân chúng em mắc lỗi hoặc cho phép chúng em được giãi bày trước khi tiến hành trách phạt sẽ có hiệu quả hơn”.

Em Diệp lấy một ví dụ về một tình huống sư phạm của một thầy dạy môn Hóa trong trường THCS mà em từng học khi em nói chuyện đầu giờ, trước khi thầy phát đề kiểm tra.

Thầy giáo không trách mắng mà gọi em lên, giao cho một đề riêng (không liên quan gì đến môn Hóa): Em hãy cho biết khi em nói chuyện sẽ ảnh hưởng thế nào đến bản thân, bạn bè, gia đình và thầy cô giáo (100 dòng).

Đề bài “độc nhất vô nhị” này khiến em loay hoay mất khoảng mươi phút.

Nhưng rồi em cũng hiểu đây là cơ hội hiếm hoi em được chia sẻ với thầy về những căn bệnh cố hữu của học trò muôn thế hệ.

Trong bài viết của mình, đầu tiên Diệp đã nhận lỗi rất thành khẩn: Nói chuyện là sai, làm ảnh hưởng tới cá nhân, tập thể, gây ức chế cho giáo viên.

Nhưng em cũng đưa ra vô vàn những lí do mong thầy thấu hiểu: các em trao đổi về những sự vụ bị cha mẹ mắng ở nhà mà không biết bày tỏ cùng ai; kể cho nhau nghe về bộ phim mình xem, cuốn truyện mình đọc mà với thời gian đi học chính khóa, học thêm triền miên như hiện nay, các em chẳng có nhiều thời gian để bàn luận nên đành “tận dụng tối đa khoảng thời gian quý báu ở lớp”.

Em còn cho biết nói chuyện đầu giờ đôi khi là bàn về bộ quần áo thầy cô mặc, nét mặt thầy cô khi tới lớp, những thứ mới trên trang phục của thầy cô như cái đồng hồ đeo tay, cái điện thoại đời mới (với sự thích thú, ngưỡng mộ) hay đơn giản chỉ là cái dây buộc tóc có hợp với bộ quần áo cô đang mặc không.

Tất cả chỉ có vậy… dù có hơi ồn ào nhưng Diệp nghĩ đó giống như phần khởi động của một tiết học.

Tạo tâm thế cho học sinh bởi đã nói được tất cả những gì mình nghĩ, mình quan tâm. Khi được hỏi bài kiểm tra của em được bao nhiêu điểm, Diệp cười rất tươi: Thầy em chỉ phê vào bài làm “Bài viết thiên về bao biện, có yếu tố tình cảm nhiều. Trong giờ học cần đặc biệt chú ý đến nội quy (về lý). Hi vọng thầy không phải ra thêm một đề nào cho em nữa”.

Diệp chia sẻ rất thoải mái và tỏ vẻ rất ấn tượng với cách xử lý tình huống của thầy. Vừa không làm mất thể diện của một nữ học sinh lớp 9.

Vừa khiến em phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Cách này không gây ra sự nặng nề trong tiết học mà vẫn tác động đến nhiều học sinh hay nói chuyện khác trong lớp.

Và đúng như mong mỏi của thầy, những giờ Hóa sau đó cả lớp học rất nghiêm túc mà vẫn không thiếu những tiếng cười do cách truyền đạt dí dỏm của thấy tạo ra.

Em Hoàng Khánh Nguyên (Hải Dương) lại cho biết, mình rất tâm phục khẩu phục cách giải quyết tình huống của cô giáo chủ nhiệm khi học trò mắc lỗi.

Em kể: là học sinh nam nên em rất mê bóng đá. Dù nhà trường cấm và cho vào nội quy hẳn hoi nhưng những giờ học buổi chiều em cùng các bạn vẫn lén lút mang bóng tới trường đá và không may đá vào cửa kính làm vỡ cửa. Em đứng trước nguy cơ: hạ hạnh kiểm, mời bố mẹ đến trường, và phải đền một khoản tiền không nhỏ nữa. Em cũng sợ nhất là nhà trường báo về cho gia đình, và bố rất dữ đòn.

Giờ sinh hoạt em thót tim chờ cô giáo điều tra (vì chưa ai nhận lỗi). Nhưng cô đã mở đầu rất khéo: ham thể thao không xấu, không đáng trách. Đó là một cách giải trí và rèn luyện sức khỏe lành mạnh.

Nhưng chơi thế nào và chơi ở đâu lại là mọt chuyện khác. Cô biết các em trai lớp mình không cố ý, có ai lại cố ý phá hại tài sản của chính lớp mình bao giờ…

Cô mới nói đến đây thôi, Nguyên đã đứng lên lí nhí nhận lỗi. Cô giáo ân cần: Các em ra ngoài gây sự đánh nhau, chủ định phá tài sản cô sẽ phạt nghiêm khắc.

Nhưng đây là lỗi ngoài ý muốn, cô sẽ hỗ trợ khắc phục hậu quả. Nhưng các em phải hứa là không tái phạm.

Rõ ràng, thầy cô trong hai câu chuyện trên không hề phải quát mắng hay trách phạt học trò.

Cũng không dung túng, bao che hay cho qua những việc trò làm nhưng vẫn đủ để học trò nhận ra những khuyết điểm của mình.

Khi để học trò nói lên nguyện vọng của mình, chúng ta nhận thấy một điều các em rất mong thầy cô hiểu tâm lí của chúng, biết cảm thông cho những lỗi lầm mà các trò gây ra. Biết đặt mình vào học sinh để lí giải và kết luận vấn đề. Có lý và có tình.

Học sinh dẫu có cá biệt đến đâu cũng vẫn là những đứa trẻ. Chúng rất dễ bị tổn thương. Cá biệt hay cá tính cũng đều có thuốc chữa.

Chữa sao cho trò phải tâm phục khẩu phục, tự giác nhận ra khuyết điểm của mình để sửa chữa mà mối quan hệ thầy trò vẫn không bị ảnh hưởng, đó là cái tài của mỗi thày cô giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những điều học trò mong muốn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO