Quản trị trường học: Phát huy vai trò của hiệu trưởng

Thu Hương 29/11/2019 08:00

Trước bối cảnh giáo dục hiện đại, quản trị trường học được xem là chiến lược quan trọng của các trường học. Thực hiện tốt việc quản trị trường học sẽ giúp các trường có thể điều hành, quản lý nguồn nhân lực, cơ sở vật chất tốt hơn cũng như tiến tới thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong bối cảnh hiện nay.

Quản trị trường học: Phát huy vai trò của hiệu trưởng

Ảnh minh họa.

Cần thiết thực hiện quản trị trường phổ thông

Từ năm 2013, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn 791 khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động, sáng tạo trong phát triển chương trình dạy và học. Đây được xem là tiền đề mấu chốt để các trường có thể chủ động, linh hoạt trong cách quản lý, giảng dạy, từ đó góp phần quan trọng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ với nhiều kết quả đáng khích lệ thì vấn đề quản trị trường học lại càng được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Quản trị trường học có thể hiểu là quá trình xây dựng và tập hợp các quy tắc, hệ thống nhằm quản lý và kiểm soát toàn bộ hoạt động của một trường học. Như vậy, hiệu trưởng các trường học sẽ có vai trò rất lớn trong thực hiện quản trị trường học.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Quản trị trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục” do Học viện Quản lý Giáo dục vừa tổ chức, nhiều vấn đề liên quan đến quản trị trường phổ thông đã được đề cập. Trong đó các đại biểu đều tán thành quan điểm của GS.TS Thái Văn Thành- Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nghệ An về vai trò của công tác quản trị là đặc biệt quan trọng đối với “vận mệnh” nhà trường. Thậm chí, sự thành công hay thất bại của một trường phụ thuộc vào việc trường đó được quản trị thế nào? Quản trị là “đòn bẩy” cho sự cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Sự đổi mới về công tác quản trị của các hiệu trưởng có thể đem lại những giá trị to lớn cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cụ thể, Chương trình GDPT mới trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện địa phương. Điều đó đòi hỏi hiệu trưởng phải chủ động, linh hoạt, vận dụng sáng tạo chương trình quốc gia, chương trình địa phương cho phù hợp để phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Để nâng cao hiệu quả quản lý trong các trường phổ thông hiện nay, GS.TS Thái Văn Thành cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế chính sách cho các hoạt động quản trị nhà trường. Bên cạnh đó cần bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý cho hiệu trưởng; tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các trường phổ thông.

Về vai trò của hiệu trưởng, đại biểu Lê Thị Bình (TPHCM) cho rằng, năng lực quản trị của hiệu trưởng là tổ hợp những đặc điểm tâm lý của hiệu trưởng, đáp ứng các yêu cầu của hoạt động quản trị và quyết định sự thành công của nhà trường. Vì vậy, cần phải bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cho hiệu trưởng trước những đòi hỏi cấp bách của thời cuộc. Bà Bình đề xuất quy trình gồm 4 bước: Xác định mục tiêu và chuẩn đầu ra chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hiệu trưởng; tổ chức bồi dưỡng cho hiệu trưởng; đánh giá nội dung bồi dưỡng năng lực quản trị cho hiệu trưởng.

Không chỉ là cam kết

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về phát triển năng lực quản trị nhà trường của cán bộ quản lý; quản trị nhà trường cần tập trung vào các nội dung như quản trị chiến lược nhà trường, quản trị hoạt động giáo dục học sinh, quản trị tổ chức hành chính, chất lượng nhân sự trong các trường phổ thông…

Về cơ chế và điều kiện để nâng cao chất lượng quản trị phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục, ông Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, tự chủ giáo dục phổ thông và giáo dục đại học đã được tạo cơ chế thuận lợi từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, dưới 3 góc độ tự chủ cơ bản đó là chuyên môn, tài chính và nhân sự nhằm tạo hành lang pháp lý cho giáo dục phổ thông vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, các trường phổ thông công lập tự chủ chưa cao trong việc quyết định việc cung cấp dịch vụ giáo dục cho người học. Chưa có khung chương trình, nội dung dạy học mở để các trường có điều kiện lựa chọn nội dung phù hợp với đặc thù của trường.

“Cơ chế vận hành, hành lang pháp lý chưa rõ ràng dẫn đến những hạn chế trong việc vận dụng và phát huy những nguồn lực sẵn có về cơ sở vật chất hay phát huy tối đa sự năng động nhiệt huyết của đội ngũ giáo viên”- ông Hà Xuân Nhâm nêu quan điểm.

Thực tế hiện nay các trường phổ thông chịu giám sát quá chặt chẽ của nhiều cơ quan quản lý, can thiệp sâu vào hoạt động từ phân bố tài chính, chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển dụng nhân sự. Vì vậy, các trường chỉ có thể tự chủ một phần kinh phí sau khi tiết kiệm các khoản chi thường xuyên.

Chia sẻ câu chuyện quản trị trường học ở nước mình, ông Henrik Hjorth- Đại sứ quán Đan Mạch cho biết, vào những năm 90 ngành giáo dục Đan Mạch đã gặp phải khủng hoảng khi bắt đầu chuyển sang nền giáo dục tự chủ. Lúc đó, trong mỗi trường đều có một hội đồng trường, tuân thủ theo những quy định của ngành giáo dục, nhưng không phải chịu những áp lực từ các cơ quan quản lý. Họ hoạt động một cách khách quan, tham gia vào hoạt động của nhà trường. Hội đồng trường có quyền tuyển dụng và sa thải hiệu trưởng. Lúc này những nhà quản lý giáo dục tại Đan Mạch rất sốc, nhất là những người đã được đào tạo theo cách truyền thống và thăng tiến theo thâm niên.

Vượt qua giai đoạn khủng hoảng, đến nay hầu hết các trường học tại Đan Mạch đều phát triển theo hướng tự chủ. Tại đây, học sinh không chỉ tuân theo những quan điểm của thầy cô, hiệu trưởng, mà chính các hiệu trưởng phải chủ động tìm hiểu quan điểm của học sinh. Bằng nhiều cách khác nhau, năng lực quản lý của các nhà quản lý giáo dục đã được nâng lên rõ rệt.

Từ câu chuyện này, có thể thấy vai trò của hiệu trưởng và hội đồng trường là hết sức quan trọng để quản trị nhà trường thành công. Họ không chỉ đưa ra cam kết mà còn phải trực tiếp tham gia vào các hoạt động về chất lượng qua các bằng chứng cụ thể. Có như vậy, mới góp phần tạo ra diện mạo mới về chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản trị trường học: Phát huy vai trò của hiệu trưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO