Sách giáo khoa: Chọn sao cho phù hợp với học sinh

Thu Hương 03/12/2019 08:00

Bộ GDĐT đã công bố Dự thảo thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông và lấy ý kiến đến ngày 30/1/2020. Theo đó, các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ tự chọn SGK để sử dụng trong năm học 2020-2021 thay vì UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK theo quy định tại Điểm C Khoản 1 Điều 32 của Luật Giáo dục 2019.

Sách giáo khoa: Chọn sao cho phù hợp với học sinh

Ảnh minh họa.

Nhà trường chọn sách xong trước 31/3/2020

Theo Dự thảo thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ GDĐT, Luật Giáo dục 2019 quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 32: “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở GDPT trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT”.

Tuy nhiên, ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 mới có hiệu lực thi hành, trong khi SGK phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trước tháng 31/3/2020 để kịp thời cung cấp SGK năm học 2020 - 2021.

Bộ GDĐT đã dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định tại Điểm G Khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đổi mới chương trình, SGK GDPT: “Các cơ sở GDPT lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GDĐT”.

Như vậy, trong năm học 2020-2021, việc lựa chọn dạy SGK nào trong nhà trường sẽ do chính giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh trực tiếp chọn. Mặc dù đây là nguyện vọng của rất nhiều giáo viên và những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà, tuy nhiên chọn sao cho đúng, cho phù hợp với học sinh thì lại là một câu trả lời không dễ. Bởi đến thời điểm này, danh mục 32 cuốn SGK đã được Bộ GDĐT công bố song sách vẫn chưa chính thức có mặt trên thị trường, cụ thể là trong các nhà sách lớn chưa có bày bán thì người dân chưa có cơ sở để tìm hiểu, tham khảo.

Lấy học sinh làm trung tâm

Theo Dự thảo thông tư mới, cơ sở GDPT sẽ quyết định việc lựa chọn SGK, như vậy hiệu trưởng các trường sẽ là người quyết định cùng tập thể đội ngũ giáo viên sau khi tham khảo ý kiến của học sinh và phụ huynh học sinh để áp dụng vào trường. Cụ thể, Hội đồng lựa chọn SGK do người đứng đầu cơ sở GDPT thành lập, giúp cho việc tổ chức lựa chọn SGK. Mỗi trường tiểu học, THCS, THPT thành lập 1 hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.

Hội đồng lựa chọn SGK gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có SGK lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên.

Lo lắng đặt ra ở đây là, không phải thầy cô nào cũng đã được tập huấn về Chương trình GDPT mới. Nay, đưa ra danh mục, thậm chí bản chính thức của các cuốn sách này thì tiêu chí lựa chọn SGK này là phù hợp hơn cuốn SGK kia sẽ căn cứ vào đâu? Bởi dù đã được Bộ GDĐT thẩm định là đạt nhưng chắc chắn mỗi bộ sách, mỗi cuốn sách sẽ hướng đến đối tượng không giống nhau, có cách trình bày, thông tin khác nhau… Việc lựa chọn không thể chỉ là cảm tính mà cần căn cứ vào các tiêu chí cụ thể.

Ngoài 3 nguyên tắc lựa chọn SGK đã được quy định, 2 tiêu chí lựa chọn SGK bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở GDPT.

Muốn vậy, vai trò của các Sở GD&ĐT trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT thuộc thẩm quyền quản lý phải được đặt lên hàng đầu đồng thời cùng với các cấp quản lý của địa phương đề ra hướng dẫn cụ thể tiêu chí lựa chọn SGK phù hợp với địa phương. Thông tư cũng đề cập cụ thể Giám đốc Sở GDĐT hướng dẫn cụ thể tiêu chí để lựa chọn SGK phù hợp với địa phương.

Nhìn nhận vấn đề này, GS.TS Phạm Hồng Tung -Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, dù ai là người lựa chọn SGK cho người dạy và học cũng cần tuân thủ đảm bảo đáp ứng nhu cầu học sinh. Đó là yếu tố then chốt.

Riêng về vấn đề nhóm lợi ích, GS.TS Phạm Hồng Tung cho rằng cần nhìn theo cả khía cạnh tiêu cực và tích cực. Cụ thể, nhóm lợi ích nếu can thiệp vào để tài trợ những học liệu điện tử, tài trợ để các trường mua sách cho thư viện để học sinh không phải cõng sách đến trường thì quá tốt. Chúng ta đang khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chung tay với giáo dục.

Để ngăn chặn những mặt tiêu cực, cần có “luật chơi” rõ ràng. Ông lấy ví dụ hiện nay, các Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng chuyên môn có thể họp công khai, có thể truyền hình trực tiếp, livestream… “Quốc hội bàn bao nhiêu vấn đề quan trọng còn có thể truyền hình trực tiếp thì tại sao SGK lại không thể truyền hình trực tiếp? Bất kỳ Hội đồng nào cũng nên truyền hình trực tiếp để thấy việc lựa chọn xuất phát từ trách nhiệm của thầy cô. Những nhóm lợi ích muốn can thiệp phải có sự đồng ý của địa phương” - GS.TS Phạm Hồng Tung đặt vấn đề.

Theo Dự thảo thông tư, quy trình lựa chọn SGK được thực hiện theo 4 bước: Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK, đề xuất với Hội đồng bằng văn bản danh mục lựa chọn SGK. Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá đề xuất danh mục lựa chọn SGK của các tổ chuyên môn theo các nguyên tắc... Hội đồng tổng hợp kết quả thành biên bản. Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục SGK được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông ban hành quyết định danh mục SGK được lựa chọn sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách giáo khoa: Chọn sao cho phù hợp với học sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO