Sự học đâu chỉ có môn Văn, môn Toán…

Vi Cầm 18/03/2019 08:00

Cuối tuần vừa rồi, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) đã phối hợp cùng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm năm 2018, triển khai nhiệm vụ 2019 các tỉnh, thành phía Nam.

Thông tin đưa ra tại hội nghị này cho hay: Thời gian qua, có nhiều trường cam kết với HS, SV sau khi ra trường không có việc làm như mong đợi thì sẽ hoàn trả học phí. Người tốt nghiệp được ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp ngay sau lễ tốt nghiệp. Do đó, thời gian qua công tác tuyển sinh, đào tạo nghề phía Nam đã khả quan hơn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: Hiện vẫn còn những tồn tại bất cập như cơ sở vật chất đào tạo nghề chưa hiện đại, nhất là tâm lý bằng cấp của phụ huynh và học sinh còn khá nặng nề.

Từ nhiều mùa tuyển sinh trước, thực trạng nhiều trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp khó tuyển HS, SV đã khiến dư luận quan tâm tới công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông. Đơn cử là câu chuyện phân luồng HS sau THCS- trước mỗi kỳ tuyển sinh vào lớp 10; hoặc định hướng chọn nghề cho HS THPT trước mỗi mùa tuyển sinh ra sao để các em thấy vào ĐH không phải là cánh cửa duy nhất.

Trong những lần trò chuyện với TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, chúng tôi thực ấn tượng với cách mà thày phân tích: Công tác hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay chưa bài bản, mới chủ yếu là giới thiệu các trường ĐH, CĐ làm như vậy là làm ngược. Cái làm đúng của hướng nghiệp là phải giúp cho học sinh tự đánh giá năng lực, sở trường, sở thích, hoài bão ước mơ của mỗi HS để phát huy. Thực tế, có nhiều em HS cá tính nhưng chọn nghề lại không phù hợp với mình.

Đặc biệt, hướng nghiệp để còn tạo thêm động lực học và trách nhiệm của HS với gia đình, xã hội và chính bản thân HS. Điều mà hiện nay chúng ta vẫn chú trọng là lo cho HS học văn, học toán chứ chưa rèn HS phải ý thức trách nhiệm với cuộc sống. Bởi hiện nay đa số HS cứ thích thì làm chứ chưa hiểu được quyết định của mình sẽ ảnh hưởng đến gia đình, bản thân và xã hội như thế nào…

Thực tế cuộc sống cũng chứng minh, sau này ra lập nghiệp, có nhiều người được mệnh danh là “học giỏi” vẫn loay hoay với cách tổ chức cuộc sống. Bởi không ít người học giỏi trong số họ chính là nạn nhân của căn bệnh thành tích. Họ đã học như một cái máy mà thiếu hẳn kỹ năng sống. Có những bạn học không quá xuất sắc nhưng lại thực sự thành công trong cuộc sống, sự nghiệp của mình. Âu cũng bởi họ chọn được ngành nghề theo đúng năng lực và sở trường; biết nghề nào thực sự hợp với mình, với điều kiện và khả năng của gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự học đâu chỉ có môn Văn, môn Toán…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO