Thi Trung học phổ thông: Lắng nghe để hoàn thiện

Thu Hương 06/08/2018 07:39

Sau những sai phạm liên tiếp được phát giác tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, dư luận không khỏi bức xúc và hoài nghi về độ chính xác, sự cần thiết của kỳ thi “2 trong 1”. Trước mối quan tâm lớn của xã hội về kỳ thi này, nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng đóng góp để kỳ thi “2 trong 1”sớm được hoàn thiện hơn.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp: Vẫn cao

Theo Quy chế của Bộ GD- ĐT, điểm xét tốt nghiệp được tính bằng điểm học lực lớp 12 cộng điểm trung bình của 4 bài thi THPT Quốc gia, chia đôi. Như vậy, nếu thí sinh có điểm học lực lớp 12 là 7 điểm thì điểm thi THPT Quốc gia chỉ chiếm 30% vai trò trong việc xét tốt nghiệp của thí sinh, nghĩa là số điểm bình quân của 4 bài thi của thí sinh chỉ cần đạt 3 điểm, và không có môn nào bị điểm liệt, là đủ cho việc đỗ tốt nghiệp.

Như vậy, thí sinh đỗ tốt nghiệp hay không phụ thuộc nhiều vào học bạ chứ không phải vào kết quả thi THPT Quốc gia. Chính vì vậy, dù đề thi năm nay được đánh giá là khó hơn các năm trước nhưng từ trước khi công bố kết quả thi, các chuyên gia giáo dục đã dự đoán tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp không có nhiều bất ngờ so với các năm trước. Thực tế đã chứng minh dự đoán này là đúng. Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp luôn ở mức cao: năm 2016 là 93,4%; năm 2017: hơn 97% và năm nay 97,56%.

Việc một kỳ thi “cõng” hai mục tiêu đã được nhiều chuyên gia lo lắng là bài toán khó cho ngành giáo dục. Nay với hàng loạt sai phạm được phát hiện ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và nhiều nghi vấn về kết quả bất thường ở một số địa phương khác cho thấy, đã đến lúc ngành Giáo dục phải xem lại việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” như hiện nay.

Thi để đánh giá học lực

Ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD- ĐT cho rằng trước hết cần phải hiểu rõ, đây không phải là kỳ thi 2 trong 1 vì thi tuyển và thi tốt nghiệp rất khác nhau về nguyên tắc. Yêu cầu cho đề thi cho thi tuyển khác với yêu cầu ra đề cho thi tốt nghiệp. Và cách làm như hiện không phải 2 trong 1 mà chỉ có 1 thôi,đó là thi tốt nghiệp THPT.

“Thi tuyển là dựa trên điểm thi, người ta xét tuyển từ trên xuống dưới và lấy đủ chỉ tiêu. Còn thi tốt nghiệp, học sinh chỉ cần vượt ngưỡng nào đó là tốt nghiệp” – ông Quân giải thích rõ. Đồng thời hiện nay, các trường ĐH được tự chủ phương thức tuyển sinh, họ có thể tham khảo điểm thi tốt nghiệp, tham khảo điểm học của 3 năm cấp 3, có thể tổ chức phỏng vấn, có thể tổ chức thi năng khiếu…thay vì chỉ lấy duy nhất điểm tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH.

Về quan điểm cho rằng việc duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT là điều không cần thiết, ông Trần Hồng Quân không đồng tình bởi đây dù không chủ trương học để thi nhưng không thể phủ nhận thi để đánh giá học lực. Thi tốt nghiệp chính là khâu cuối cùng để đánh giá học sinh nào đạt hay không đạt, không thể thiếu khâu đó được. Nếu thiếu khâu đó, việc học hành của học sinh sẽ loạng choạng, không nghiêm chỉnh. Chính vì vậy, ông Trần Hồng Quân cho rằng kỳ thi THPT Quốc gia như hiện nay là phương án tối ưu trong khi chưa có phương án nào tốt hơn.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phê - GĐ Sở GD&ĐT Hưng Yên cũng cho rằng trong giai đoạn chuẩn bị bước vào chương trình và sách giáo khoa mới thì việc ổn định kỳ thi THPT Quốc gia là cần thiết. Các trường ĐH cũng đang bước đầu xây dựng đề án tuyển sinh nên không thể vội vàng thay đổi kỳ thi. Dù các trường có đề án tuyển sinh riêng nhưng chưa phải mọi trường đều có thể tự tổ chức một kỳ thi riêng hoặc phỏng vấn, đánh giá năng lực thí sinh…

Đổi mới cần có lộ trình

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và năm 2016, Bộ GD- ĐT duy trì cụm thi ĐH do các trường ĐH tổ chức, chấm thi; còn cụm thi chỉ để xét tốt nghiệp do địa phương chủ trì, chấm thi. Tuy nhiên, 2 năm tiếp theo (2017 và 2018), tất cả công tác tổ chức, chấm thi đều giao về cho địa phương chủ trì.

Những mặt được của kỳ thi đã được các chuyên gia giáo dục nhìn nhận qua từng năm thực hiện như kỳ thi này đã giảm thiểu được chi phí rất lớn cho xã hội, học sinh được tạo thuận lợi hơn, thi nhẹ nhàng, giảm được áp lực. Không còn cảnh vất vả phụ huynh đưa thí sinh lên Hà Nội đi thi. Cũng không còn việc nháo nhào thay đổi nguyện vọng như chơi xổ số…

Kỳ thi qua từng năm đã có những thay đổi, cải tiến nhất định để tạo thuận lợi hơn cho thí sinh, giảm thiểu những sai sót, sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Đặc biệt, với các bài thi trắc nghiệm, kỳ thi năm nay đã có thay đổi rõ nét khi mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có 1 mã đề riêng. Việc này gần như chắc chắn loại trừ được hiện tượng thí sinh quay cóp, bảo bài nhau như lo ngại của nhiều người trước đó về việc thi trắc nghiệm….

Về công tác tổ chức coi thi, mỗi phòng thi có 1 cán bộ coi thi (CBCT) của sở tại địa phương và 1 CBCT của trường ĐH đã làm tăng thêm tính nghiêm túc và hạn chế tối đa tiêu cực trong phòng thi. Tuy nhiên, việc bảo mật ở các khâu chấm thi, quét bài thi trắc nghiệm,… và sai phạm do con người gây ra ở một số nơi khiến cho dư luận lo lắng về tính khách quan của kết quả thi được công bố.

Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2017-2018, không có giải pháp hoàn hảo trong quá trình đổi mới giáo dục. Luôn phải cân đối mặt lợi - hại của từng giải pháp.

“Đổi mới giáo dục cũng như xây cái nhà, làm cái đường, xây phòng học… phải bắt đầu từ những cái rất nhỏ. Ngay như việc thi THPT Quốc gia cũng phải có lộ trình. Từ năm 2015 bắt đầu làm, đến năm 2021 thì mới xong lộ trình thi, đổi mới mỗi năm từng bước… Vì đổi mới phải có lộ trình và trong quá trình ấy, không bao giờ có giải pháp nào là hoàn hảo hết. Do vậy, đã vạch ra rồi thì chúng ta phải rất khoa học, rất cầu thị nhưng phải kiên trì cái gì là đúng” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi Trung học phổ thông: Lắng nghe để hoàn thiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO