Thu hút FDI trong giáo dục: Khoảng trống và cơ hội

Minh Quang 01/06/2018 08:15

Mỗi năm, người Việt phải bỏ ra khoảng  3 tỷ USD để du học nước ngoài, với mong muốn được nghiên cứu, học tập tại môi trường giáo dục quốc tế tốt nhất. Song, điều đáng nói là Việt Nam hoàn toàn có thể giữ được phần lớn số tiền này ở lại trong nước nếu thu hút được doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đầu tư vào giáo dục.

Nhiều cơ hội thu hút đầu tư FDI trong giáo dục

Tính đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 320 dự án FDI trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chiếm 1,3% tổng số dự án và chiếm 0,2% tổng số vốn FDI tại Việt Nam. Con số nói trên cho thấy khoảng trống trong đầu tư giáo dục đào tạo, nhưng cũng là cơ hội đầu tư rất lớn vào lĩnh vực này. Trong khi đó, lượng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài có chiều hướng gia tăng theo từng năm.

Liên quan tới lượng học sinh (HS) Việt Nam đang du học nước ngoài, nhất là ở các nước nói tiếng Anh, ông Trần Thắng- Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Mỹ cho hay: Trong những năm qua, Mỹ là đất nước thu hút HS Việt Nam nhiều nhất. Bình quân hàng năm, người Việt Nam chi gần 2 tỷ USD để du học các nước phương Tây.

Theo ông Thắng, trung bình mỗi năm số lượng HS Việt Nam du học nước ngoài tăng 8% trong thời gian 2010-2017. Ước tính số HS Việt Nam hiện tại ở nước ngoài trong năm 2017 là 80,000 người bao gồm 60,000 người đến các nước nói tiếng Anh.

Những cơ hội thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực giáo dục cũng được ông Thắng chỉ ra: Mỗi năm có 1.7 triệu HS Việt Nam tốt nghiệp PTTH, trong đó có khoảng 400 nghìn HS vào trường ĐH. Số lượng HS du học nước ngoài mỗi năm không quá 15,000 người. Vì thế số lượng lớn HS không vào ĐH còn rất nhiều. Đáng lưu ý là chỉ số đầu tư FDI của các công ty nước ngoài tăng mạnh, trong năm 2017 đạt 36 tỷ USD, tăng 44% so với năm 2016, có nghĩa nhu cầu tuyển dụng sinh viên chất lượng cao và nói tiếng Anh cũng tăng. Do đó, đầu tư FDI cho lãnh vực giáo dục tại Việt Nam chắc chắn tạo ra lợi nhuận trong việc đầu tư dài hạn.

Thay đổi cơ chế cho phù hợp

Cho đến nay, một trong những vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu đó chính là khung khổ hành lang pháp lý. Những quy định như cơ sở mầm non FDI không được nhận HS Việt Nam, cấp tiểu học chỉ được nhận 10% còn cấp trung học thì chỉ 20% HS Việt Nam trong tổng số HS của trường… là những rào cản làm nản lòng nhà đầu tư. Hay yêu cầu các dự án mở trường ĐH của các nhà đầu tư phải có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ, khoảng 50 triệu USD cũng có thể là rào cản đối với các nhà đầu tư giáo dục nước ngoài và không khuyến khích đầu tư thành lập các cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài tại các địa phương không phải là thành phố lớn của Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nắm bắt nhu cầu thực tế để tạo ra một môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn, thuận lợi không chỉ là mong muốn của các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là yêu cầu cấp thiết về phát triển dịch vụ giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Khi đón làn sóng FDI vào giáo dục cũng có nghĩa là nền giáo dục trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, chính sự cạnh tranh này buộc nền giáo dục trong nước sẽ phải có những thay đổi nhất định để không bị tụt hậu như chuyển qua chế độ học tín chỉ, cải tổ toàn bộ cách dạy ngoại ngữ trong trường... Theo đó, cần phải sớm thay đổi tư duy, bắt đầu từ việc xin giấy phép thành lập trường.

Phân tích về cơ hội thu hút FDI cho lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam, ông Trần Thắng nhận định: Ðầu tư FDI vào lãnh vực giáo dục ở Việt Nam là khó khăn vì mức học phí như thế nào để tuyển sinh tốt. Nếu học phí cao thì HS chọn lựa du học ở nước ngoài. Nếu mức học phí thấp thì nhà đầu tư sẽ lỗ. Chính vì thế muốn kêu gọi đầu tư FDI vào Việt Nam, cần phải có chính sách đặc biệt cho đầu tư giáo dục như miễn thuế dài hạn và cho sử dụng đất miễn phí. Có như thế thì giá học phí thấp xuống và các gia đình Việt Nam có khả năng trang trải chi phí cho HS.

Theo ông Trần Thắng, những văn bản pháp luật quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục cũng phải luôn thay đổi để kêu gọi đầu tư cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Nghị định 73 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục) đã lỗi thời và nhiều điểm không thiết thực cho giáo dục quốc tế. Tại sao không mở ra những “Ðặc khu khoa học công nghệ”, kêu gọi nhà đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học, xây dựng nhà máy công nghệ tiên tiến (như Intel, Samsung, Ford, GE…) chúng ta đang có ở trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hút FDI trong giáo dục: Khoảng trống và cơ hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO