Trông giữ trẻ 6-18 tháng: Cần hỗ trợ để đi được 'đường dài'

Thu Hương 05/11/2018 09:00

Sở GDĐT Đà Nẵng cho biết, 17 trường mầm non công lập trên địa bàn sẽ được đầu tư thêm cơ sở vật chất để thí điểm nhận giữ trẻ 6-18 tháng tuổi. Theo Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng, sau khi “làm mẫu” mà thấy ổn, được phụ huynh tiếp nhận và có nhu cầu thì Sở GDĐT sẽ tiếp tục báo cáo lãnh đạo TP để triển khai nhân rộng và bàn giao cho các quận, huyện chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý.

Trông giữ trẻ 6-18 tháng:  Cần hỗ trợ để đi được 'đường dài'

Hoạt động học tập của trẻ mầm non.

Lấp “lỗ hổng”

Thông tin từ Sở GDĐT tỉnh Đà Nẵng, từ ngày 1/11, Sở đã bắt đầu tiến hành các hoạt động để xây dựng, đồng thời mời 17 trường thí điểm lên lựa chọn danh mục thiết bị để mua sắm tùy theo điều kiện cụ thể của từng trường. Trong tháng 11 cũng sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên nuôi dạy trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi. Khi xây dựng xong sẽ thông báo nhận trẻ ngay chứ không chờ đợi tới năm học mới.

Cụ thể, 17 trường mầm non công lập ở 7 quận, huyện của Đà Nẵng được phê duyệt đầu tư xây dựng để thí điểm nhận giữ trẻ trong độ tuổi trên. Mức kinh phí đầu tư cho mỗi trường từ 3,4 - 5 tỷ đồng; chủ yếu đầu tư xây dựng thêm các khối nhà, phòng học, trang thiết bị dạy học và sân chơi cho trẻ. Dự án do Sở GDĐT Đà Nẵng làm chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 75 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP. Thời gian thực hiện dự án năm 2018 - 2019.

Chia sẻ về chủ trương này, ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng cho hay các trường mầm non thường ngại giữ trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi vì trẻ còn quá nhỏ, dễ đau ốm, chưa tự ăn uống được, yêu cầu tỉ lệ giáo viên giữ trẻ cao, trách nhiệm cũng cao hơn. Trong khi đó, lâu nay ngành giáo dục mầm non công lập thường chỉ lo nhiệm vụ đối với trẻ từ 18 tháng tuổi tuổi trở lên mà vẫn còn “lổ hổng” đối với trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi.

Với trẻ ở độ tuổi này, nếu các trường mầm non công lập không nhận thì phụ huynh sẽ tập trung gửi vào các nhóm trẻ gia đình, trong khi trẻ càng nhỏ thì khả năng phản vệ càng kém, có bị bạo hành thì cũng không biết nói lại với cha mẹ. Nếu mỗi cơ sở công lập giữ trẻ 6 – 18 tháng tuổi ra đời ở các quận, huyện, xã, phường thì sẽ có hàng chục nhóm trẻ gia đình giữ trẻ ở độ tuổi này trên địa bàn dân cư tự động mất. Phụ huynh có các cơ sở công lập tại các địa bàn dân cư để gửi trẻ 6 – 18 tháng tuổi đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn, điều kiện nuôi dạy trẻ tốt hơn thì họ sẽ không gửi con em vào các nhóm trẻ gia đình nữa.

Kiến nghị tăng đãi ngộ

Trên thực tế, chương trình giáo dục mầm non (GDMN) ban hành năm 2009 cho phép cơ sở GDMN nhận trẻ từ 3 tháng tuổi nhưng do thiếu trường lớp nên chủ yếu các trường mầm non công lập mới chỉ đảm bảo chính sách cho trẻ em từ 3-5 tuổi (thông qua chương trình phổ cập cho trẻ em 5 tuổi, bắt đầu từ năm 2010).

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu GDMN (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) năm 2015 cho thấy hệ thống các cơ sở GDMN công lập hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ dưới 36 tháng tuổi, sự ra đời của các nhóm trẻ độc lập tư thục là tất yếu và phù hợp. Tuy nhiên, chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục của các nhóm trẻ này còn nhiều hạn chế. Nhiều vụ bạo hành trẻ ở các cơ sở giữ trẻ gia đình, nhóm trẻ độc lập tư thục được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng đặt ra yêu cầu đối với ngành giáo dục cần lấp “lỗ hổng” này.

Với định hướng của lãnh đạo TP Đà Nẵng là cái gì cần thiết nhưng khó làm, tư nhân không làm hoặc làm không được thì Nhà nước phải làm, hướng sắp tới là giáo dục mầm non công lập phải lo giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi; còn với trẻ mầm non từ 3 tuổi trở lên mà tư nhân làm được thì Nhà nước buông ra bớt cho họ làm. Trẻ 3 tuổi trở lên đã nói được, chạy được rồi thì mình cũng yên tâm hơn về khả năng phản vệ của các cháu so với trẻ 6 - 18 tháng tuổi.

Trước đó, TP HCM cũng thực hiện đề án thí điểm nhận giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi. Hàng loạt khó khăn đã được ghi nhận như tâm lý của các bậc phụ huynh vẫn còn nhiều lo ngại khi gửi trẻ đến các lớp này, dẫn đến số lượng trẻ nhập học không đồng đều giữa các trường, giữa các nhóm tuổi dẫn đến trường phải triển khai theo hình thức lớp ghép, gộp chung trẻ ở các nhóm tuổi thành một lớp.

Ngoài ra, tất cả khoản thu như học phí, vệ sinh phí và phí quản lý, phục vụ bán trú đều bằng các lớp ở độ tuổi lớn hơn. Trong khi đó, sĩ số học sinh/lớp của các lớp 6 - 18 tháng tuổi chưa bằng 1/8 sĩ số các lớp lớn hơn dẫn đến tổng khoản thu bị sụt giảm, trường phải lấy nguồn thu từ các lớp lớn san sẻ qua lớp 6 - 18 tháng tuổi. Mức lương cho giáo viên, nhân viên phục vụ tại các lớp giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi cũng vất vả mà không có thêm phụ cấp nào khác.

Trước thực tế đó, đại diện nhiều trường mầm non đã kiến nghị UBND TP xem xét việc mở rộng thêm đối tượng và tăng tiền hỗ trợ đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên phục vụ tại các lớp giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi.

Đồng tình với kiến nghị này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, so với giáo viên các bậc học khác, thậm chí ngay trong hệ thống giáo viên mầm non thì giáo viên được phân công chăm sóc trẻ dưới 36 tháng phải làm việc vất vả hơn, yêu cầu cao hơn nhưng đánh giá, ghi nhận và đãi ngộ của ngành học, gia đình và nhà trường và xã hội thì không có sự khác biệt. Vì vậy, khi triển khai thí điểm này, ngành giáo dục TP Đà Nẵng cần xem xét tăng thêm chế độ phụ cấp cho các giáo viên nhận trông giữ nhóm trẻ này, hoặc các trường linh hoạt trong việc phân công giáo viên chăm sóc trẻ từ 6-18 tháng...

* Năm học 2018-2019, cả nước có 15.256 trường mầm non, tăng 375 trường so với cùng kỳ năm học trước với gần 195.762 nhóm/lớp. Đáng chú ý, có tới 307 trường tăng thêm này là trường ngoài công lập, tăng 13,42% so với năm học trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trông giữ trẻ 6-18 tháng: Cần hỗ trợ để đi được 'đường dài'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO