Giao hưởng loay hoay tìm lối ra

Minh Quân (ghi) 04/01/2018 08:35

Từ năm 1960, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Cát đã viết cho Dàn nhạc Giao hưởng.  Tuy nhiên, gần 60 năm qua ông vẫn trăn trở tìm lối tới công chúng cho giao hưởng Việt Nam. Những tắc nghẽn nào cản trở giao hưởng Việt Nam đến với công chúng?

Giao hưởng loay hoay tìm lối ra

Giao hưởng công phu nhưng kén khán giả.

Lý giải băn khoăn

Theo nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Cát, giao hưởng Việt Nam ra đời sau cuộc kháng chiến chống Pháp. Thời kỳ này các tác phẩm giao hưởng Việt Nam thời kỳ đầu hầu hết là đề tài cách mạng và kháng chiến. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, đội ngũ tác giả giao hưởng Việt Nam đã nhiều hơn, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam có điều kiện phát triển, nâng cao tay nghề hơn, đã mời được các nhạc trưởng nước ngoài tham gia trình diễn, đã có tài trợ nước ngoài cho các chương trình giao hưởng thính phòng Hennessy, Toyota hàng năm, dàn nhạc giao hưởng lại nhận được sự trợ giúp của Nhật Bản... Nhưng hầu như theo yêu cầu của nhà tài trợ, tất cả đều chỉ dàn dựng biểu diễn tác phẩm giao hưởng cổ điển, cận hiện đại thế giới, may mắn lắm mới có giao hưởng Việt Nam được ghé chân vào… Thế thì lấy đâu lối ra tới công chúng của tác giả giao hưởng Việt Nam khác?.

Cản trở thứ hai là từ thói quen thưởng thức âm nhạc của quảng đại công chúng Việt Nam, chỉ biết đến ca khúc, ham mê hưởng thụ ca khúc và những ngôi sao ca nhạc đương thời. Đành rằng ở bất cứ đất nước nào, cả phương Đông và phương Tây thì nhạc thính phòng, giao hưởng chỉ thuộc về số ít, nhưng số đông kia ở các nước phương Tây, người ta vẫn biết đến giá trị của nhạc giao hưởng, thính phòng, biết tên tuổi của nhiều nhà soạn nhạc danh tiếng. Biết thưởng thức và trân trọng nhạc giao hưởng, thính phòng vì đã được giáo dục âm nhạc từ tấm bé trong nhà trường, ở gia đình và ngoài xã hội. Người ta chỉ có khái niệm thích hoặc không thích, thích nhiều hoặc ít, chứ không ai xa lánh nhạc giao hưởng vì không hiểu biết gì.

Cản trở thứ ba lại đến chính từ vai trò hoạt động của các tổ chức âm nhạc như Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhà hát giao hưởng Việt Nam và các dàn nhạc giao hưởng khác. Ở đó, Học viện Âm nhạc Quốc gia và các trường nhạc tuy đã có nhiều cố gắng, đạt nhiều thành tựu nâng tầm giao hưởng Việt Nam ở trong khu vực và bước đầu ra thế giới, nhưng làm thế nào để đến được với công chúng Việt Nam nhiều hơn thì còn nhiều bất cập. Thực tế những hành động đôi khi lời nói chưa đi đôi với việc làm, chưa có nhiều sáng kiến, sáng tạo để tôn vinh những giá trị âm nhạc đích thực. Trong đó có nhạc giao hưởng và những tác giả của nó, cũng chưa nhận thức sâu sắc nên chưa tích cực, mạnh dạn tuyên truyền vận động thực hiện xã hội hóa nhạc giao hưởng, chưa tìm được mạnh thường quân xứng tầm cho giao hưởng Việt Nam.

Cản trở nữa không đáng có, nhưng không thể không nói ra là từ tâm lý không thực sự coi trọng tác giả và tác phẩm giao hưởng Việt Nam. Không ít diễn viên, nghệ sĩ trong dàn nhạc khi tập luyện biểu diễn, chỉ đại khái qua loa cho xong mà không cố gắng nắn nót khổ luyện như chơi giao hưởng nước ngoài. Trong khi đó, nhiều nhạc trưởng Việt Nam không đủ uy tín để lôi cuốn, hấp dẫn, buộc dàn nhạc phải thực hiện đúng yêu cầu của tác phẩm. Cho nên chất lượng giao hưởng Việt Nam nhìn chung không bằng giao hưởng nước ngoài, qua biểu diễn thực tiễn lại càng tệ hơn, càng khó đến với công chúng sành điệu hơn.

Tìm giải pháp

Trước tiên là nâng cao tài năng không ngừng cho các chủ thể giao hưởng Việt Nam từ các nhà soạn nhạc giao hưởng, chỉ huy dàn nhạc đến các nghệ sĩ biểu diễn giao hưởng như trong hai đề án đã được Thủ tướng phê duyệt “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030” và “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa - nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”.

Các tổ chức âm nhạc như Học viện Âm nhạc Quốc gia, các nhà hát và dàn nhạc giao hưởng, Hội Nhạc sĩ Việt Nam... cần nắm vững và năng động, sáng tạo đề xuất thực hiện để các đề án trên sớm có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải tạo thành thói quen thưởng thức nhạc không lời nói chung, trong đó có nhạc giao hưởng Việt Nam từ lớp mẫu giáo đến tiểu học, trung học và đại học qua giảng dạy chính khóa, ngoại khóa, qua các loại hình CLB âm nhạc...

Ngoài ra, giao hưởng Việt Nam cần kiến nghị, mạnh dạn sử dụng nhạc giao hưởng Việt Nam trong các chương trình lễ hội, các dịp kỷ niệm trọng thể. Đài phát thanh, Đài truyền hình có thêm giờ vàng cho giao hưởng Việt Nam để đề cao vai trò của âm nhạc không lời, khuyến khích công chúng thưởng thức nhạc không lời, tạo sự cân bằng trong đời sống âm nhạc của đất nước, đồng thời cũng là động viên, khích lệ các nhà soạn nhạc, các dàn nhạc giao hưởng không ngừng sáng tạo và nâng cao tay nghề vì đã có thêm một lối ra tới công chúng.

Bên cạnh đó là đề nghị Bộ VHTTDL cần đưa vào tài khóa 2018-2020 giao cho Viện Âm nhạc in ấn xong số tác phẩm giao hưởng của các tác giả Việt Nam đang bị dừng lại do hết kinh phí (dù mỗi người chỉ được chọn 1 tác phẩm). Có kế hoạch lâu dài giao cho NXB Âm nhạc chọn in thành sách và làm đĩa nhạc các tác giả giao hưởng Việt Nam có giá trị để giao lưu trong và ngoài nước. Tìm lối ra tới công chúng không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, trước hết qua mạng internet và các loại công nghệ thông tin khác.

Tranh thủ mọi cơ hội, điều kiện giao lưu hợp tác cho giao hưởng Việt Nam được trình diễn giới thiệu liveshow ở nước ngoài. Ở trong nước giao kế hoạch cho Nhà hát Giao hưởng Việt Nam, dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có chương trình biểu diễn giao hưởng Việt Nam hàng tháng, tiến tới hàng tuần với giá vé phù hợp cho số đông.

Cuối cùng là kiến nghị với Nhà nước và các tổ chức xã hội cần mạnh dạn khuyến khích và có chính sách, chế tài thực hiện xã hội hóa nhạc giao hưởng Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giao hưởng loay hoay tìm lối ra

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO