Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn - Chuyên gia về chiến lược năng lượng: Thế giới đã chuyển sang năng lượng tái tạo

PV (ghi) 11/11/2016 09:35

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn - Chủ tịch Chi hội Bordeaux của Hội người Việt Nam tại Pháp, nguyên Cố vấn của Nha Năng lượng Quốc gia Pháp (EDF), nguyên Giáo sư Viện Kinh tế, Chính sách Năng lượng và Đại học Bách khoa Grenoble cho biết ông không đồng tình với việc xây dựng điện hạt nhân (ĐHN) tại Việt Nam.

Nhà máy điện gió đóng tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận thuộc Công ty Cổ phần Năng lượng Tái tạo Việt Nam (REVN) là nhà máy điện gió đầu tiên tại Việt Nam.

ĐHN đã lỗi thời, không an toàn, rất nguy hiểm cho hàng chục thế hệ con cháu sau này. ĐHN không kinh tế như người ta tuyên truyền, nó sẽ đắt hơn năng lượng tái tạo, khi ta xây cất xong các nhà máy. Hiện nay giá thành điện gió ở Âu châu đã cạnh tranh được rồi.

Cách đây vài năm tôi từng nghe lãnh đạo Bộ Khoa học-Công nghệ Việt Nam phát biểu là chúng ta đang thiếu nhân lực là cán bộ năng lượng nguyên tử, cán bộ giỏi về ĐHN. Cho nên đang gặp khó khăn trong việc thẩm định kết quả tư vấn cho 2 nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận do chúng ta đang rất thiếu chuyên gia, thiếu đội ngũ làm việc để đảm bảo an toàn an ninh cho hạt nhân, thiếu đội ngũ cán bộ xây dựng nhà máy ĐHN.

Việc quản lý chất thải nhà máy ĐHN cũng đang là vấn đề quan trọng đang tranh cãi chưa đưa ra được hướng đi. Như thế thì tại sao ta phải xây dựng nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận? Rồi xây tiếp một loạt 14 lò đến năm 2030?

Nên biết rằng trước khi EDF bắt đầu xây cất các nhà máy ĐHN vào năm 1957, Pháp đã có lò Zoe – EL1 (1948), EL2 (1952). Sau đó, liên tiếp từ 1956 trở đi đến 1978, Pháp không ngừng xây cất gần 30 lò nghiên cứu và đào tạo, rải rác ở nhiều Trung tâm điện hạt nhân (CEA). Hiện nay chỉ 15 lò nghiên cứu còn hoạt động.

Như thế có nghĩa là, nếu ta quyết tâm chọn con đường hạt nhân, đầy chông gai hiểm trở, theo tôi, hoàn toàn bế tắc, thì ta sẽ phung phí hàng chục, rồi hàng trăm tỷ USD. Nó sẽ thu hút tất cả nguồn sinh lực và tài chính quốc gia, không cho phép ta đầu tư vào những lĩnh vực then chốt khác: Năng lượng tái tạo, tiết kiệm và tăng gia hiệu suất năng lượng, chưa kể các lĩnh vực ưu tiên, như giáo dục, nghiên cứu, y tế , xã hội ...

Và ta sẽ càng khó đuổi kịp các nước biết nhìn xa ngó rộng, biết đầu tư đúng nhịp tiến bộ khoa học kĩ thuật ngày nay. Nước Đức rất khôn ngoan, đã tiên phong đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo từ hơn 20 năm nay! Trung tâm hạt nhân của Pháp CEA nổi tiếng trên thế giới, có cả thảy 5 cơ sở dân sự và 5 cơ sở quân sự. Với một ngân sách lên đến 4,7 tỷ Euros và 16.000 nhân viên có trình độ rất cao, phục vụ ở 53 đơn vị, CEA hợp tác chặt chẽ với 500 xí nghiệp.

Từ năm 2002 đến năm 2012, CEA Grenoble đã phá gỡ 3 lò hạt nhân và chuyển sang 4 hướng nghiên cứu chính là công nghệ micro-nano, năng lượng mới, công nghệ sinh học và nghiên cứu cơ bản. Sự chuyển hướng hợp thời hợp lý của CENG cho phép tôi nói rằng Việt Nam, nếu đầu tư vào lĩnh vực ĐHN, sẽ đi lùi hơn nửa thế kỉ mà không biết!

Công suất điện lò Ninh Thuận là 1.000 MW, tức gần 3.000 MW nhiệt! Rủi ro về ô nhiễm phóng xạ phần lớn là do sự cẩu thả hay sai lầm của nhân viên khai thác. Thảm họa Tchernobyl hay Fukushima là do ở con người chứ không phải ở thiết bị.

Timothy Mitchell, Giáo sư Đại học Columbia (New York), trong cuốn sách Carbon Democracy vừa xuất bản, đã chứng minh các tập đoàn, xí nghiệp, lobby, giàu mạnh trên thế giới, đã lợi dụng đồng tiền, uy tín và quyền lực của họ, gây áp lực và ảnh hưởng lớn trong cơ cấu chính quyền, các tổ chức xã hội, nghiệp đoàn, để khai thác và phát triển công nghiệp than, dầu, khí, rồi ĐHN.

Sau thảm họa Fukushima, họ thừa biết rằng thời kỳ oanh liệt của hạt nhân đã qua rồi, nên đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư sang năng lượng tái tạo. Sau thảm họa Fukushima, tỷ lệ số dân Áo chống ĐHN vọt lên 80% và người cầm đầu nước này, Werner Faymann, đã long trọng đề nghị Cộng đồng Âu châu nên từ bỏ ĐHN và đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo. Theo tôi, chỉ có năng lượng tái tạo (không tốn tiền nhiên liệu - đừng bao giờ quên !) mới đem lại độc lập, hòa bình và dân chủ cho thế giới.

Mỗi lò hạt nhân sẽ làm ta kẹt ít nhất 50 năm để khai thác và 50 năm để tháo gỡ. Đó là chưa kể phải tiếp tục quản lý chất thải phóng xạ suốt hàng trăm thế kỉ liên tiếp! Nếu một tai nạn lớn như thảm họa Tchernobyl hay Fukushima, xẩy ra trong số 14 lò, thì lãnh thổ ta sẽ lâm nguy và bị cắt làm đôi, do phóng xạ bao trùm cả miền Trung. Dân chúng sẽ di tản đi đâu?

Vì vận mệnh thiêng liêng của Tổ quốc và sự sống còn của đồng bào, một lần nữa, tôi thiết tha đề nghị Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc kỹ về việc có nên làm điện hạt nhân hay không?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn - Chuyên gia về chiến lược năng lượng: Thế giới đã chuyển sang năng lượng tái tạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO