Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa: Nhà khoa học kiệt xuất của Việt Nam

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ  Việt Nam) 30/08/2015 09:50

Ngày 6/3/1956 Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký Nghị định số 147/NĐ về việc thành lập trường đại học chuyên nghiệp Bách khoa Hà Nội và bổ nhiệm giáo sư Trần Đại Nghĩa làm giám đốc đầu tiên. Và chúng tôi, hầu hết là cán bộ giảng dạy trẻ được vinh dự làm lính của ông, được ông dẫn dắt vào con đường khoa học và có điều kiện để tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của ông. Riêng tôi, sau này khi Trung ương điều động lên giúp việc đồng chí Hoàng Quốc Việt – một trong bảy Ủy viên Trung ương lâm thời đầ

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa: Nhà khoa học kiệt xuất của Việt Nam

GS. Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Ảnh: T.L.

Thiếu tướng, giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nghèo tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Sớm mồ côi cha lúc ông mới tròn 6 tuổi, được mẹ và chị gái tần tảo làm ăn và nuôi dưỡng cho ăn học. Thông minh, chăm học, ông luôn luôn là học sinh giỏi từ lớp đồng ấu đến tú tài. Năm 1933, tròn 20 tuổi, ông đỗ đầu cả tú tài Việt lẫn tú tài Tây. Do nhà nghèo, không có tiền ra Hà Nội học tiếp đại học, ông quyết định nghỉ học đi làm lấy tiền giúp mẹ và chị. Mặc dù chính quyền Pháp đã có lần gợi ý muốn cấp học bổng cho ông ra Hà Nội học để sau này làm quan, song ông cương quyết chối từ.

Vào làm việc tại Sứ quán Mỹ, ông may mắn được gặp nhà báo Dương Quang Ngưu – người đã giúp ông có học bổng sang Pháp du học vào năm 1935.

Sau những năm tháng miệt mài học tập với những nghị lực phi thường, ông đã tốt nghiệp và cùng lúc nhận cả ba bằng đại học kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện và cử nhân toán học của những trường đại học danh tiếng nhất thời đó ở Paris. Sau đó, ông học tiếp và nhận thêm bằng kỹ sư hàng không và kỹ sư mỏ.

Tốt nghiệp các trường, ông ở lại Pháp làm việc đồng thời tiếp tục tự nghiên cứu kỹ thuật và công nghệ cũng như hệ thống tổ chức chế tạo vũ khí ngành và lĩnh vực mà chính quyền Pháp cấm tuyệt đối không dạy cho sinh viên nước ngoài, đặc biệt là các nước thuộc địa. Năm 1942, ông sang Đức làm việc tại xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí.

Tháng 5 năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp thương thuyết với Bộ trưởng thuộc địa Pháp. Với lòng yêu nước cháy bỏng, muốn đem tài sức của mình góp phần cùng đồng bào trong nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ông đã cùng kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân, bác sĩ Tai - Mũi - Họng Trần Hữu Tước, từ bỏ cuộc sống giàu sang, lương bổng lớn xin Bác cho phép được cùng Người trở về Tổ quốc để tham gia kháng chiến.

Hành trang ông mang theo là một tấn sách chuyên viết về vũ khí và chế tạo vũ khí. Cái tên Trần Đại Nghĩa ông mang hiện nay có từ lúc đó do Bác Hồ đặt cho.

Theo báo cáo đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua lần thứ nhất năm 1952 cho thấy:

Về nước, ông bắt tay ngay vào việc tổ chức, nghiên cứu, sản xuất vũ khí. Tháng 11-1946 ông và đồng nghiệp bắt tay nghiên cứu chế tạo súng chống tăng theo mẫu BAZOKA của Mỹ. Bị thất bại liên tiếp nhưng ông không nản chí. Với phương châm “Thất bại là mẹ thành công” ông và đồng nghiệp kiên trì, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Cuối cùng, đến tháng 2-1947 đã có kết quả. Chất lượng BAZOKA Việt Nam có chất lượng tương đương BAZOKA của Mỹ. Vũ khí mới của Việt Nam nhanh chóng được sử dụng trên chiến trường khiến quân Pháp hoang mang, lo sợ.

Ngày 3/3/1947 đã đánh dấu một mốc son cho ngành quân giới Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo khí tài khi BAZOKA đã góp phần bẻ gãy cuộc tấn công của địch vào Chương Mỹ - Hà Tây (nay là Hà Nội). BAZOKA cũng đã bắn chìm tàu chiến ở Sông Lô.

Sau BAZOKA, Trần Đại Nghĩa cùng đồng nghiệp chuyển sang nghiên cứu SKZ. Trong những năm 1947, 1948 ông dồn sức cho đề tài này. Đây là loại súng hiện đại, lần đầu tiên Mỹ sử dụng trong trận đổ bộ lên đảo OKINAWA của Nhật Bản vào những ngày cuối cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

SKZ là loại súng hạng nặng có trọng lượng 20kg đầu đạn lõm để phá hủy nhiều pháo đài kiên cố. SKZ lần đầu tiên được sử dụng ở Phố Lu, phá hủy nhiều boong-ke, lô cốt địch và sau đó được sử dụng rộng rãi trên các chiến trường.

Hoàn thành đề tài SKZ, ông và đồng nghiệp chuyển sang nghiên cứu và chế tạo bom – bay, loại vũ khí tương tự như V1, V2 của Đức. Kết quả là các loại bom bay của Việt Nam không kém V1, V2 của Đức về sức công phá.

Có thể khẳng định: Ông là người đầu tiên đưa đến cho cán bộ khoa học trẻ Việt Nam những kiến thức cơ bản về vũ khí, về cách chế tạo vũ khí và tính năng súng đạn.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, ông được Trung ương chuyển sang lĩnh vực dân sự và đặc trách các vấn đề khoa học.

Ông từng giữ chức Giám đốc đầu tiên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Ủy viên Ủy ban Khoa học Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Liên Hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam (nhiệm kỳ 1983 – 1988), đại biểu Quốc hội các khóa II và III.

Năm 1948 ông được phong hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên, được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lao động tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua lần thứ nhất năm 1952.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã có những đóng góp to lớn vào các cuộc chiến chống B52, phá hệ thống thủy lợi của địch và chế tạo những trang thiết bị đặc biệt cho bộ đội đặc công.

Năm 1966 ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô.

Năm 1996 ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về các công trình chế tạo vũ khí BAZOKA, SKZ, bom bay. Các công trình nghiên cứu của ông được các nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá cao, được quân đội nhân dân Việt Nam ứng dụng rộng rãi và là nỗi kinh hoàng cho quân đội đối phương.

Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là một nhà khoa học anh hùng, là tấm gương sáng của nền khoa học Việt Nam, con người trọn đời vì Đại Nghĩa, đúng như cái tên Bác Hồ đã đặt cho ông. Cả đời ông thể hiện tinh thần tận trung với nước, tận hiếu với dân, bằng sự lao động đầy sáng tạo và quên mình, sẵn sàng hy sinh tất cả cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Bằng những cống hiến mang tính nền móng cho nền khoa học nước nhà, sự nghiệp, tài năng, nhân cách của giáo sư còn sâu đậm mãi trong các thế hệ trẻ Việt Nam, trong lòng dân tộc Việt Nam.

Các nhà khoa học Việt Nam, cả dân tộc Việt Nam mãi mãi tự hào về những công trình khoa học mang tên ông, những sản phẩm ấy đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vào thời điểm đất nước phải đương đầu với biết bao khó khăn.

Ông ra đi vào 16 giờ 20 phút ngày 9/8/1997 tại TP Hồ Chí Minh, thọ 84 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa: Nhà khoa học kiệt xuất của Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO