Giao thông và môi trường: Được không bù mất

Tuấn Việt 18/03/2017 09:05

Phát triển giao thông đường bộ và hoạt động giao thông đã và đang tạo sức ép lớn lên môi trường khi bụi, khói bụi, khí thải từ phương tiện ngày một lớn. Phát triển giao thông nói chung cần tính tới yếu tố môi trường, để người dân được hít thở trong lành. Đây là nội dung được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh tại cuộc họp mới đây với Bộ GTVT tại Hà Nội.

Ô nhiễm khói bụi trong các đô thị vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Ô nhiễm bụi chưa giảm nhiệt

Trong thời gian qua, hệ thông giao thông đường bộ phát triển với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, song hành với sự phát triển của giao thông, là một tình trạng ô nhiễm môi trường từ bụi đẩy vào không khí.

Có thể kể đến việc thi công nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A, từ 2 làn lên 4 làn. Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A qua Thừa Thiên-Huế, thi công ngổn ngang. Nhiều đoạn đường đào xong lại để thời gian dài không thi công gây ô nhiễm môi trường. Bụi tỏa vào nhiều khu dân cư gây bức xúc dư luận. Tương tự, Dự án mở rộng quốc lộ 1A tại Phú Yên, các đơn vị thi công thiếu trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường. Tường, trần, đồ dụng gia đình các hộ dân sống ven tuyến chỉ miết lên là thấy bụi. Cây cối hoa màu được “tắm” trong màu xám xịt. Hay như đoạn qua Khánh Hòa, người dân mắc bệnh về khí quản ngày một tăng. Bụi mờ mịt kể cả về đêm, dân kêu chính quyền nhưng cũng không giảm, “vì phát triển giao thông phải vậy”.

Không chỉ các tuyến đường, các công trình giao thông đang trong quá trình xây dựng cũng tạo nên những lớp bụi dày đặc vào không khí. Như khi xây dựng đường dẫn lên cầu Đồng Nai, cầu vượt Tân Vạn, cầu vượt ngã ba Cua Heo, hơn 2 năm trời người dân nơi đây khốn khổ vì bụi từ các công trình trong quá trình thi công thải ra. Nhiều đơn thư lên tỉnh, song mọi chuyện vẫn đâu vào đấy.

“Trách nhiệm thuộc về các đơn vị thi công. Tuy nhiên, do không chú trọng đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường nên tình trạng ô nhiễm bụi diễn ra ở nhiều tỉnh thành” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân. Bản thân Bộ GTVT đã có công văn khẩn đến tất cả các đơn vị, chủ đầu tư, ban quản lý dự án… Song, ô nhiễm bụi vẫn chưa bao giờ giảm nhiệt.

Phương tiện tăng mạnh

Tốc độ đô thị hóa nhanh và việc gia tăng dân số cơ học tại các đô thị là nguyên nhân dẫn đến sự gia chóng mặt số lượng phương tiện, cũng là nguồn cơn của ô nhiễm không khí. Số liệu chỉ ra, tại Hà Nội, xe con bình quân tăng 17,23%/năm, xe gắn máy là 11,02%. Tại TP HCM, xe con bình quân tăng 14,88%, xe gắn máy là 9,79%...

Bên cạnh đó, những con số về hạ tầng giao thông tại các đô thị lớn đang cho thấy lượng khí thải từ phương tiện rất “khủng bố” với môi trường. Cụ thể, diện tích đất giao thông tại Hà Nội chỉ khoảng 7,8%, mật độ đường khoảng 3,89km/km2. Tại TP.HCM, diện tích đất giao thông khoảng 7,5%, mật độ đường 3,88km/km2…

Có thể hiểu vì sao một tuyến đường có thời điểm chứa quá 300% lượng phương tiện. Khí thải CO2, SO2, NOx, VOCs, bụi TSP… thải tăng vào không khí. Đó là chưa kể đến trong số hàng chục triệu phương tiện hiện nay, khoảng 15% là phương tiện quá tuổi hoặc hạn chế.

Phát triển giao thông và hoạt động giao thông “buộc” phải quan tâm hơn nữa với tiêu chí môi trường. Con đường nghìn tỷ lại thêm nghìn tỷ nữa để giải quyết những hậu quả môi trường kèm theo khiến được không bù mất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giao thông và môi trường: Được không bù mất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO