Gieo chữ cho con em kiều bào và học sinh Lào

Theo Tinhuyquangtri 01/06/2017 17:04

Đến tỉnh Savannakhet, nước CHDCND Lào, nhiều người rất bất ngờ khi được giới thiệu về ba ngôi trường mang cái tên thuần Việt: Mầm non Lạc Hồng, Tiểu học Nguyễn Trãi và Tiểu học Thống Nhất. Đây là nơi các cô giáo trẻ người Quảng Trị đang ngày ngày tình nguyện gieo chữ cho con em kiều bào và học sinh Lào.

Giờ ra chơi của các học sinh Trường Tiểu học Thống Nhất.

Savannakhet là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của nước CHDCND Lào. Giáp Việt Nam về phía Đông, mảnh đất này nổi tiếng với các đền đài Khmer như That Inghang, Vat Sây Phoum… “Đất lành, chim đậu”, nhiều người Việt Nam đã sang Savannakhet làm ăn, rồi dựng nhà, lập vườn. Năm tháng đầu sống trên đất bạn, điều khiến kiều bào trăn trở nhất là chuyện học hành của con em. Ai cũng mong lũ trẻ sẽ được học con chữ, văn hóa dân tộc mình. Nỗi niềm ấy sớm được xoa dịu khi trường Mầm non Lạc Hồng, Tiểu học Nguyễn Trãi và Tiểu học Thống Nhất ra đời. Đặc biệt, nhiều giáo viên người Quảng Trị đã không quản ngại khó khăn, lặn lội sang Savannakhet trồng người.

Cách đây gần 3 năm, tôi gặp Hoàng Thị Huệ trong chuyến công tác ở huyện Hải Lăng. Bấy giờ, Huệ là một cán bộ đoàn năng động, tâm huyết, được mọi người quý trọng. Đồng chí Bí thư huyện Đoàn bật mí với tôi, Huệ tốt nghiệp Sư phạm Tiểu học nhưng lại “bén duyên” với màu áo xanh tình nguyện. Hôm nay vô tình gặp lại, Huệ không thay đổi gì nhiều, vẫn gương mặt sáng và nụ cười ấm áp. Tôi khá bất ngờ khi biết Huệ hiện là trưởng đoàn giáo viên tình nguyện sang Savannakhet giảng dạy.

“Năm 2014, khi đang làm việc tại huyện Đoàn Hải Lăng, em nghe thông tin về việc cử giáo viên sang Savannakhet dạy Tiếng Việt cho con em kiều bào. Ước mơ phấn trắng, bảng đen bỗng thức dậy trong em. Khi hỏi ý kiến gia đình, bố em bảo: “Con còn trẻ, hãy cứ đi khi đôi chân đang khỏe”. Thế là, em làm hồ sơ, đi tập huấn, rồi trở thành giáo viên Trường Tiểu học Thống Nhất. Ngoài giảng dạy, em còn là Tổng phụ trách Đội”.

Qua lời chia sẻ của Huệ, tôi được biết ngoài cô gái Hải Lăng này, đoàn giáo viên Quảng Trị tình nguyện sang Savannakhet giảng dạy còn 9 gương mặt khác. Họ đều ở độ tuổi đôi mươi, đến từ nhiều miền quê khác nhau. Trước 10 cô giáo trẻ này, có nhiều đoàn giáo viên Quảng Trị khác cũng đã tình nguyện vượt qua rào cản biên giới, ngôn ngữ, phong tục - tập quán… để đến với học sinh Savannakhet.

Trở về sau ba năm công tác ở nước bạn, các thế hệ giáo viên tình nguyện đã để thương, để nhớ trong lòng không chỉ học sinh mà cả người dân bản địa. Vì thế, những người tiếp nối như cô Huệ và 9 cô giáo trẻ hôm nay hiểu trọng trách lớn lao mà mình đang mang. Trong tháng ngày gieo chữ trên đất Savannakhet, các giáo viên tình nguyện được phân công về giảng dạy ở ba ngôi trường do kiều bào chung tay xây dựng. Điều khiến các cô rất ngạc nhiên là học trò của mình không chỉ có con em kiều bào mà còn nhiều bạn nhỏ Lào.

Trường Tiểu học Thống Nhất - nơi cô Huệ và 4 đồng nghiệp khác gắn bó có bề dày lịch sử 41 năm. Từ chiếc nôi này, nhiều học sinh đã trưởng thành, tiếp tục đèn sách và trở về cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

“Đất lạ hóa quê hương”

Các cô giáo tình nguyện chụp ảnh lưu niệm với học trò và giáo viên.

Đến giờ, tỉnh Savannakhet, mái trường và học trò đã trở thành một phần thân thương trong trái tim các giáo viên tình nguyện. Ngày đầu đặt chân đến mảnh đất này gắn liền với những kỷ niệm mà có lẽ các cô không bao giờ quên.

Cô giáo Lê Thị Bảo Vy (giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi) chia sẻ: “Đó là một ngày mưa tầm tã. Chúng em sang Savannakhet mà trong lòng trộn lẫn nhiều cảm xúc. Trong đoàn, em và một cô giáo khác dừng chân đầu tiên ở thị trấn Sê Nô. Khi mọi người rời đi, hai chị em thu dọn đồ đạc vào căn phòng nhỏ. Nhìn sân trường không một bóng người, mà mưa thì dường như không dứt, nước mắt em cứ chảy dài. Những ngày sau đó, em mới lấy lại tinh thần khi gặp gỡ phụ huynh đến đăng ký cho con đi học. Rất nhiều người trong số họ là bộ đội Lào, hầu như ai cũng biết Tiếng Việt. Đến khi gặp học trò, mọi nỗi buồn trong em đã vơi đi hết”.

Về phần mình, cô giáo Huệ gặp một tình huống dở khóc, dở cười khi bị lạc trên đường đi chợ. May sao Huệ gặp và được một kiều bào đưa về. Từ đó, Huệ quyết tâm học tiếng Lào để giao tiếp với người dân nước bạn tốt hơn. Những năm qua, ngày có càng nhiều phụ huynh Lào tin tưởng, xin cho con em theo học ở các ngôi trường mà các cô giáo tình nguyện gắn bó. Trong khi đó, vốn tiếng Việt của một số con em kiều bào đang theo học tại trường còn khiêm tốn. Để giảng dạy thuận lợi, các cô giáo người Quảng Trị quyết tâm học tiếng nước bạn. Và, người thầy của các cô không ai xa lạ chính là… học trò.

Thành thông lệ, cứ ngoài giờ lên lớp, các cô lại cắp cặp đi học. Điều đáng mừng là vốn liếng tiếng Lào của các giáo viên tình nguyện ngày càng dày lên tỷ lệ thuận với hiệu quả giảng dạy. Thậm chí, nhiều cô nhiệt tình tìm sách giáo khoa nước bạn để học, rồi truyền đạt lại cho một số học sinh nghe, hiểu nhưng không viết được tiếng Lào.

Ngoài gieo chữ, các giáo viên Quảng Trị tình nguyện sang Savannakhet giảng dạy còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại trường. Thấy học sinh thích học múa, hát, vẽ, thể dục… nhưng trường lại thiếu giáo viên bộ môn, một số cô không ngại đứng ra đảm nhiệm vị trí. Cứ mỗi dịp lễ tết, cả cô lẫn trò đều háo hức bởi có cơ hội trưng trổ thành quả sau những giờ học tập, rèn luyện.

Giáo viên âm nhạc Trường Tiểu học Thống Nhất - Trần Thị Thanh Huyền chia sẻ: “Một số học sinh kiều bào không biết đến nón lá, hoa đào, hoa mai, khăn the, áo đóng… nhưng chỉ qua một câu hát, điệu múa, những thứ xa lạ ấy lại trở nên gần gũi đối với các em. Nhiều em bảo rất yêu và tự hào về đất nước Việt Nam”.

Không dừng lại ở hoạt động văn nghệ, cùng giáo viên trong trường, các cô giáo tình nguyện còn tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như: Hội thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu lịch sử Việt Nam; kể chuyện về Bác Hồ; ủng hộ đồng bào lũ lụt…

Giờ lên lớp của cô giáo Hoàng Thị Huệ.

Ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi và Tiểu học Thống Nhất, hàng năm, các đội viên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh đều đặn được kết nạp. Các em đều hiểu mình chính là mầm xanh của Đoàn, của Đảng. Cuộc sống xa quê hương, đất nước không phải bao giờ cũng thuận lợi đối với các giáo viên tuổi đôi mươi nhưng điều đáng ngạc nhiên là những câu chuyện mà các cô kể hiếm có dòng buồn. Đối với họ, đây là quãng thời gian đẹp, ý nghĩa nhất trong cuộc đời tuổi trẻ của mình. Các cô đã cho đi để rồi nhận lại được rất nhiều niềm vui.

Vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa rồi, cô Huệ rưng rưng xúc động khi nhận được món quà nhỏ của cậu học sinh lớp 4A có tên Bạch Long. Đó là một bức tranh vẽ chân dung cô đang nhận một bó hoa điểm 9, điểm 10. Đối với cô Bảo Vy, niềm hạnh phúc giản đơn chính là mỗi ngày được nghe câu nói: “Cháu chào cô giáo Vy”. Ít ai biết rằng, chính lời chào ấy cùng nụ cười của các em nhỏ đã giúp cô Bảo Vy không còn cảm giác chông chênh như khi mới sang Savannakhet.

Về phần mình, cô Thanh Huyền cảm thấy như được tiếp thêm động lực mỗi lần nghe học trò hát những bản nhạc thuần Việt như: “Cô và mẹ”, “Bụi phấn”, “Những bông hoa, những bài ca”… Tôi tự nhận mình là người may mắn khi được gặp khá nhiều giáo viên từng sang Savannakhet trồng người. Trong những cuộc trò chuyện chân tình, họ tâm sự rằng, trở về quê hương sau tháng ngày tình nguyện, ai cũng mất một thời gian để lấy lại sự thăng bằng trong cuộc sống. Bởi, đi đâu, gặp bất cứ ai, nhìn thấy thứ gì, họ cũng bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ở Savannakhet.

Thế mới hiểu câu thơ của thi sĩ Chế Lan Viên: “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”. Và, tôi tin Huệ, Bảo Vy, Thanh Huyền cũng như các cô giáo trẻ mang trái tim tình nguyện khác đều biết rõ điều này. Vì thế, họ luôn trân quý từng phút giây ở Savannakhet và không ngừng cống hiến cho sự nghiệp trồng người nơi xa xứ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gieo chữ cho con em kiều bào và học sinh Lào

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO