Giới hạn nghệ thuật

Đinh Quang Tốn 02/08/2017 16:31

Có thể, cơ chế thị trường sản sinh ra những văn nghệ sĩ thị trường. Nhưng những tài năng thực sự thì thường có nhân cách Dĩ bất biến ứng vạn biến chứ không bị hoàn cảnh nhuốm màu.

1. Khi còn dạy học ở trường cán bộ quản lý của Bộ Mỏ - Địa chất (nay nằm trong Bộ Công thương), tôi là bí thư đoàn thanh niên trường. Làm công tác đoàn là gắn liền với phong trào văn nghệ. Tôi không biết hát, nhưng biết nhận xét, góp ý những người hát. Có lẽ đây là khởi nguồn cho con người làm phê bình của tôi chăng? Tôi nhớ, trong những người hát có một chị tên là Mai. Khi hát chị thường chú ý để hát thật rõ lời. Tôi góp ý là chị hát rõ lời quá.

Chị không hiểu, bảo lại: “Thế sao anh Đông lại bảo tôi là phải hát rõ lời!”. “Vâng đúng rồi, chị phải hát rõ lời, nhưng chỉ vừa rõ thôi, chứ không được rõ quá”. Rõ quá thì còn gì là nghệ thuật nữa, nó làm sao còn chứa được chất giọng, sự luyến láy, sự mượt mà duyên dáng của lời hát. Ngược lại, hát không rõ lời thì làm sao người nghe hiểu được ý nghĩa của câu hát. Nghệ thuật là khoảng giữa rõ và không rõ, giữa mờ và tỏ, giữa thực và hư. Người nghệ sĩ múa là không phải đi và cũng không phải là chạy. Những âm thanh trong bản nhạc cũng không phải là những âm thanh như ở ngoài đời, nhưng người nghe vẫn nhận ra là mưa, gió, sấm chớp... Tranh vẽ cũng không phải giống hoàn toàn như thực, kể cả vẽ chân dung.

Khi còn rất trẻ, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết cho cháu nhỏ:

Nước cháu gọi là núc
Quả dừa thành quả dù
Lời cháu bi bô nói
Thực thực lại hư hư...

Và vô tình cháu đã
Dạy chú cách làm thơ.

Nhà thơ lớn N.Nê-van (Cộng hòa Séc) cũng viết: Nắng vờn mèo hay mèo vờn ánh nắng/ Ai vờn ai kể cũng khó phân minh/ Nhưng hư ảo diệu kỳ kia vụt biến/ Thì thơ ơi, còn chi lại, hỡi em?. Vâng, cái phút thực thực, hư hư, hư ảo diệu kỳ ấy chính là nghệ thuật. Nghệ thuật là cái vừa tới. Non một tý thì dở, già một tý thì hỏng. Thế mới là tài năng, ít người làm được. Nếu không thì tất cả mọi người đều có thể là nghệ sĩ. Vì vậy, nền thơ chống Mỹ cứu nước, để phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị đã phải chạy theo cuộc sống, đưa vào thơ nhiều chất liệu hiện thực, đành hy sinh mất một phần tiêu chí nghệ thuật, chứ không phải các nhà thơ thời ấy không hiểu điều này, và cũng không thiếu tài năng. Bởi vì Cao hơn trang thơ, hơn cả cuộc đời - Là Tổ quốc đang một còn một mất như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết. Hiểu cái còn non của một số bài thơ giai đoạn 1965-1975 là phải hiểu như thế. Ngược lại, sau 1975, lại có một số tác giả làm phu chữ một cách thái quá. Viết quá cô đúc đến mức khó hiểu, phải suy luận cũng không hiểu được. Như thế là quá già. Hơi non và quá già đều ở ngoài vòng của nghệ thuật

2. Trong cuộc sống, những người phụ nữ duyên dáng là những người có điệu đi nhẹ nhành thanh thoát, có lời ăn tiếng nói dịu dàng nhỏ nhẹ, có nụ cười tươi tắn hồn nhiên… Người duyên dáng tôn thêm vẻ đẹp của mình, được mọi người yêu mến. Còn những cô gái õng ẹo thì cố ý làm điệu một cách quá đáng, dáng đi thì ưỡn à ưỡn ẹo, ăn nói thì nũng nà nũng nịu làm cho mọi người khó chịu. Trong văn chương nghệ thuật cũng vậy, có người duyên dáng và có người õng ẹo. Cũng có người lúc thì duyên dáng, lúc thì õng ẹo.

M.Gorơki, đại văn hào của nước Nga có kể lại câu chuyện ông gặp một nhà văn trẻ. Khi nhà văn trẻ và ông chưa biết nhau, tình cờ gặp nhau, nói chuyện tự nhiên, nhà văn trẻ đã để lại ấn tượng đặc biệt đối với ông, là một người thông minh và lịch lãm. Nhưng những lần sau đó, nhà văn trẻ kia quá ý thức về mình thì M.Gorơki chỉ thấy anh ta là một người khoe mẽ, giả tạo, trống rỗng và ngô nghê. Phải chăng nhà văn trẻ nọ đã chuyển từ duyên dáng sang õng ẹo?

Tình trạng chuyển từ duyên dáng đến õng ẹo không thiếu trong văn chương nghệ thuật. Có những tác giả khởi đầu viết một cách tự phát đã có được những bài thơ, những truyện ngắn hay. Đó là do tất cả những vẻ đẹp tự nhiên của trí tuệ và cảm xúc đọng lại. Sau khi được tung hô, các cây bút đó đã tưởng mình là thiên tài. Đây là bệnh vĩ cuồng (chữ dùng của M.Gorơki) thường có của những người trẻ. Họ làm điệu lên, cố tình thế này, cố tình thế nọ cho khác người. Thế là hỏng cả, những bài thơ làm xiếc chữ, những truyện ngắn phù phiếm ra đời. Tình trạng này đặc biệt rõ đối với một số ca sĩ, nghệ sĩ hài. Sau khi được mọi người khen ngợi đối với những phong cách biểu diễn ban đầu, họ bắt đầu biến đổi. Ca sĩ thì nhảy múa loạn xạ, nhăn mặt gào thét. Nghệ sĩ hài thì phùng mang trợn mắt, hoặc nói tục tĩu cù khán giả. Tất nhiên đó chỉ là những cây bút, những nghệ sĩ thiếu bản lĩnh.

Rất tiếc là trong những văn nghệ sĩ này lại có những người nổi tiếng. Và đáng tiếc hơn nữa, sự õng ẹo trong sáng tác và biểu diễn ấy lại được một lực lượng độc giả và khán giả cổ vũ. Làm cho họ tưởng thế là hay và từng bước trượt dài, dần dần tự giết chết mình, dẫu rằng họ vẫn có một lực lượng hâm mộ. Nói như cách nói của người xưa: người sáng tác ấy, người biểu diễn ấy thì tất có những độc giả và khán giả ấy; và ngược lại. Còn những người có bản lĩnh thì khi ý thức được về mình họ càng vững vàng hơn, tài năng phát triển rực rỡ hơn.

Làm sao giữ mãi được sự duyên dáng là một thử thách đối với người phụ nữ đẹp. Trong văn chương nghệ thuật, giữ được phong cách trước dư luận, trước sự cổ vũ và chê bai, trước mọi thành công và thất bại, thật khó lắm thay! Phải là người có bản lĩnh.

3. Kiêu hãnh và khiêm tốn là những đức tính tốt đẹp. Nó khác hẳn với kiêu căng và tự ti là hai tính xấu thường làm tàn lụi con người. Kiêu hãnh và khiêm tốn nâng con người lên thể hiện giá trị thực có, từ đó mà thúc đẩy sự phát triển. Kiêu hãnh và kiêu căng nghe có vẻ gần nhau nhưng lại khác hẳn nhau. Khiêm tốn và tự ti cũng vậy. Trong thực tế cuộc sống và trong văn chương phân biệt điều này cũng không khó.

Thi tiên Lý Bạch (Trung Quốc) ngồi ngắm núi Kính Đình và kiêu hãnh thốt lên: Bao nhiêu mây nổi bay đi hết/ Chỉ còn núi Kính Đình và ta. Nhà thơ Maiacốpxki (Nga) thì nói: Ta từ trên một trời thơ bước xuống. Và thi sĩ Xuân Diệu gửi tâm sự qua lời của dãy núi Hymalaya: Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta… Thì ta chỉ thấy đó là sự kiêu hãnh của những tài năng lớn.

Đức khiêm tốn cũng có những giá trị tương tự. Đại thi hào Nguyễn Du viết xong kiệt tác Truyện Kiều trước khi dừng bút đã hạ giọng: Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh. Nhà thơ Hồ Chí Minh khi nói về Lép Tônxtôi (Nga) đã tự nhận mình là người học trò nhỏ của nhà văn lớn. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi đã nổi tiếng thần đồng làm thơ gửi bác Mạnh Sinh vẫn rất khiêm tốn: Cháu làm đã được gì đâu/ Cuộc đời còn cả đằng sau rất dài…

Kiêu hãnh hay khiêm tốn cũng là cá tính của mỗi người. Kiêu hãnh cũng hay mà khiêm tốn cũng tốt, nếu đấy là những đức tính thực sự của mình, không phải vì vấn đề này khác mà cố ý. Xưa nay các tài năng lớn thường đi liền với nhân cách lớn. Các tài năng lớn thường để hữu xạ tự nhiên hương, ít người tự đề cao mình, mà thường để người khác và đời tiến cử. Bây giờ thì khác, đời sống văn chương nghệ thuật sao mà ồn ã thế, không mấy ai còn như những cây nấm hương của Nguyễn Duy: Sống im lặng, đến tận cùng im lặng/ Mà tiếng thơm đi góc bể chân trời. Mà người ta cứ nhảy lên hét toáng: “Tôi là một người nổi tiếng khá sớm!”, “Khi vào học trường viết văn thì chưa biết Nguyễn Du là ai, khi ra trường thì không coi Nguyễn Du ra gì”.

Có thể, cơ chế thị trường sản sinh ra những văn nghệ sĩ thị trường. Nhưng những tài năng thực sự thì thường có nhân cách Dĩ bất biến ứng vạn biến chứ không bị hoàn cảnh nhuốm màu. Ngày nay, các văn nghệ sĩ tài năng không cần phải ở ẩn giấu mình đi. Hãy cứ thể hiện hết mình bằng việc sáng tạo tác phẩm. Đời nào thì thước đo vẫn là hành động chứ không phải lời nói. Xã hội có hàng triệu triệu con mắt, công nghệ lăng xê dù có giỏi giang đến đâu thì cũng chỉ đánh lừa được một bộ phận trong khoảng một thời gian mà thôi. Còn những giá trị đích thực thì mới là mãi mãi.

Đừng tự ti để tài năng dần dần thui chột, nhưng cũng đừng kiêu căng đốt cháy làm cho năng khiếu của mình tàn lụi nhanh hơn. Quy luật khách quan là phải để mọi sự tự nhiên phát triển. Đợi đến khi nào đã trở thành những nhà văn nhà thơ lớn thì hãy kiêu hãnh hỡi các nhà văn nhà thơ trẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giới hạn nghệ thuật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO