Giữ 'lòng bản' là bảo tồn được quan họ

Từ Khôi 11/03/2021 09:00

TS Trần Minh Chính là người nghiên cứu sâu về quan họ. Đến nay, công trình “Sinh hoạt văn hóa quan họ làng, qua trường hợp làng quan họ Viêm Xá” có lẽ vẫn là công trình duy nhất mà giới nghiên cứu nước ta tìm hiểu về một làng quan họ đầy đủ và sâu sắc…

TS Trần Minh Chính.

Vậy là mùa xuân thứ 2 hội Lim không được tổ chức để phòng chống dịch Covid-19. Nhớ hội Lim, nhớ tiếng hát quan họ, người viết lại nhớ tới TS Trần Minh Chính (Trần Chính).

Phải tới 11 năm, từ dịp Tết Xuân Canh Dần (2010) tới nay chúng tôi mới trò chuyện lâu mấy tiếng đồng hồ chỉ riêng về quan họ Kinh Bắc (có 49 làng quan họ gốc thuộc xứ Kinh Bắc, bao gồm cả Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay). Nếu như 11 năm trước cuộc trò chuyện thi thoảng bị cắt ngang bởi điện thoại giải quyết công việc – vì khi đó ông đang là Phó Cục trưởng phụ trách Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) thì nay ông đã nghỉ hưu. Cuộc trò chuyện không bị ngắt quãng nên trao đổi được khá nhiều.

- Một số nhà nghiên cứu đều biết có bài vè 36 giọng quan họ cổ. Thế nhưng, hiện nay, ở vùng quan họ chỉ hát khoảng 10 tới 15 giọng. Cứ lâu dần lại thất truyền một giọng. Tôi nói.

Trần Chính nhấc ly rượu, nhấp giọng rồi nói:

- Đó cũng là do sự vận động của cuộc sống thôi.

- Theo anh làm sao để giữ được nguyên gốc quan họ cổ? Tôi hỏi.

Trần Chính đáp:

- Nhiều bảo tàng của ta muốn phục chế trang phục của các triều đại Lý, Trần, Lê trong lịch sử của nước ta nhưng đành bất lực vì không có tài liệu. Một ngôi chùa, ngôi đền có lịch sử từ thời Lý nhưng được trùng tu và dựng lại thời Lê, Nguyễn thì bây giờ chúng ta làm sao trùng tu trở lại kiến trúc thời Lý được nữa. Quan họ cũng vậy. Cho đến mãi những năm 1928 mới có cuốn sách mỏng “Hát quan họ” của Chu Ngọc Chi, và dăm bảy bài báo của Việt Sinh, Nguyễn Duy Kiện, Vũ Bằng, Mạnh Quỳnh... Bản thân tên gọi “quan họ” trước thế kỷ 20 cũng chưa thấy được viết trong văn bản, văn bia hay sắc phong nào. Thế thì có phải đến đầu thế kỷ 20 người ta mới gọi lối hát giàu văn hóa này là quan họ không? Chỉ một việc xuất hiện tên gọi “quan họ” đã khó xác định như thế thì làm sao biết được quan họ thế nào là cổ? Thế nên chỉ nên gọi là quan họ cổ truyền mà thôi.

Thông tin trong các bài báo, bài nghiên cứu đầu thế kỷ 20 cũng chỉ cho chúng ta biết rằng: Liền chị quan họ mặc quần áo tứ thân và đeo xà tích. Thế nhưng bây giờ về vùng quan họ mà tìm được bộ xà tích cách đây 50 năm cũng đã khó lắm. Nhiều cuộc khảo cổ cho chúng ta biết rằng xà tích đã có từ hàng trăm, hàng ngàn năm nay. Vậy thì bộ xà tích nào đúng là của quan họ? Thế nào là bộ xà tích của chị em hát cò lả hay hát chèo xưa ở Thái Bình? Ai cũng nghĩ liền anh quan họ mặc áo the khăn xếp, tay thì khoác ô. Nhưng nếu ngẫm nghĩ lại thì ta biết rằng đến mãi đầu thế kỷ 20, khi Pháp sang thì chúng ta mới dùng ô. Có lẽ hình ảnh chiếc ô được nhắc đến sớm trong thơ văn Việt Nam là bài “Đi hát mất ô” của Trần Tế Xương: “Đêm qua anh đến chơi đây; Giày chân anh dận, ô tay anh cầm; Rạng ngày sang trống canh năm; Anh dậy, em hãy còn nằm trơ trơ; Hỏi ô, ô mất bao giờ; Hỏi em, em cứ ậm ờ không thưa; Chỉ e rày gió mai mưa; Lấy gì đi sớm về trưa với tình?”. Hình ảnh chiếc nón quai thao thì có lẽ còn chấp nhận được có yếu tố nguyên gốc...

Khi tìm hiểu về làng quan họ gốc Viêm Xá hay còn gọi là Viêm Ấp, tên nôm là làng Diềm (trước thuộc huyện Yên Phong, nhưng nay thuộc phường Hòa Long, TP Bắc Ninh) tôi (Trần Chính) được nghe các cụ nói: quan họ hát không nhạc đệm. Quan họ do các cụ xưa đặt lời theo ngũ cung. Sau này khi dùng nhạc đệm thì phải “tòng” (theo) lời. Tức là: Người chơi nhạc phải nhìn miệng của liền anh liền chị mà chơi theo. Khác hẳn âm nhạc phương Tây là ca sĩ phải hát cho đúng nhạc...

Nhiều thế hệ khán giả bây giờ đã quen với quan họ có nhạc. Nếu nghe quan họ “mộc” không nhạc đệm có lẽ nhiều người buồn ngủ. Trong hơn 200 làn điệu quan họ, người ta cũng chỉ lựa chọn chừng 20 làn điệu để đưa lên sóng truyền hình, phát thanh. Những bài hát thờ “ê a ề à” thì cực kỳ khó nghe...
Về vấn đề bảo tồn quan họ, bây giờ Nhà nước có quan điểm bảo tồn như thế này: Vào mùng 10 tháng giêng hàng năm có hội thi hát quan họ lựa chọn ra những nghệ nhân và những bài hát hay nhất đưa xuống Hội Lim vào ngày 13 tháng giêng. Tại trung tâm quan họ thì người ta tổ chức chia ra hai khu vực sân khấu. Một sân khấu ngồi dưới gốc đa do liền anh liền chị mặc áo tứ thân hát không có nhạc đệm, ta cứ gọi đây là theo kiểu cổ. Còn sân khấu kia thì trong nhà và có ban giám khảo riêng và hát ca nhạc quan họ. Và hầu như lúc nào sân khấu trong nhà cũng đông người hơn, nhất là đám thanh niên. Họ cổ vũ cho cả những bài quan họ cổ cũng như quan họ cải biên được đệm “tạp pí lù” không chỉ bằng nhạc cụ dân tộc mà có khi cả đàn organ, ghi ta điện tử...

Cũng lại thường thấy hiện tượng ở nhiều nhà hàng bây giờ: Nữ mặc mini juyp cắt ngắn ba phân, tóc nhuộm xanh đỏ, mắt nâu môi trầm lên bục hát “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Người ơi người ở đừng về”. Vậy mà nếu ai đó hỏi: “Cô kia đang hát cái gì” chắc ai cũng nói ngay: Quan họ. Hay như nghệ sĩ Thúy Cải mặc áo tứ thân về đình Viêm Xá “ê a ề à” hát không nhạc đệm nửa tiếng mới xong một bài thì người ta vẫn nói là quan họ. Người ta cũng nói Thúy Cải hát quan họ khi cô diện “đờ mi” hát nhạc đệm vài phút một bài trong quầy bar khách sạn 5 sao. Nếu người ta hát như thế mà không vi phạm luật thì làm sao cấm được người ta. Đấy là quan họ cách tân. Nó có đất sống thậm chí còn lộng lẫy và mãnh liệt hơn quan họ không nhạc đệm mà nhiều người cho là gốc. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm làng Viêm Xá tâm sự với tôi: “Bác T. (nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian) nói bài của em là quan họ cổ. Thế thì tội gì mà em chẳng nhận. Nhưng thú thực với bác là lời bài này do mẹ em mới đặt ra cách đây 30 chục năm”. Lại cũng có nhà báo nói: “Tôi về tận làng Viêm Xá nghe cụ 70-80 tuổi hát. Tôi có ghi được cả lời vào đĩa đây này”. Nhưng nhà báo đâu có biết khi trẻ thì ông nghệ nhân đó đi bộ đội. Ông ở trong quân ngũ 20 - 30 chục năm mới quay về làng học quan họ. Tính ra thời gian đã vào những năm 1970 - 1980. Luật di sản quy định ngoài 100 năm mới được coi là cổ. Vậy thì quan họ ở vào quãng thời gian mới được vài ba chục năm sao đã coi là cổ?

Qua những ví dụ trên ta thấy rằng: Quan họ cũng như các loại hình nghệ thuật khác là phải thích nghi với cuộc sống đương đại thì mới tồn tại. Quan họ cách tân đáp ứng rất nhiều người nghe thì sao ta có thể “vứt đi” vì nó không cổ? Mà như trên đã phân tích thì chúng ta cũng chỉ có thể chấp nhận với nhau rằng: Quan họ nguyên gốc của năm nào? Năm 1940, 1950 hay 1970 mà thôi. Tìm hiểu sự phát triển của quan họ có lẽ nhiều người cùng thống nhất rằng: Quan họ của thế kỷ 19 là để phục vụ cho người dân ở thế kỷ 19. Quan họ ở thế kỷ 20 là để phục vụ cho người dân ở thế kỷ 20. Và tất nhiên sang thế kỷ 21 thì quan họ cũng sẽ có những cải tiến của nó để phục vụ con người thời nay. Không ai sáng tác quan họ ở thế kỷ 19 là để cho thế kỷ 20 hay 21. Một bài quan họ thế kỷ 19 có thể “dài dòng văn tự” hát trong hàng tiếng đồng hồ. Nhưng cũng vẫn bài ấy, sang thế kỷ 20 – thế kỷ công nghiệp thì chỉ có thể hát trong 5-10 phút mới thu hút được người nghe. Cũng giống như vở chèo “Quan Âm Thị Kính” xưa diễn trong 6 tiếng thì nay chỉ có thể diễn trong tiếng rưỡi. Tôi thấy có khán giả đi xem chèo hỏi người bán vé: “Vở này diễn trong bao lâu?”. Người bán vé đáp: “Tiếng rưỡi”. Thế là người khán giả gật đầu và sẵn sàng bỏ hàng trăm ngàn ra mua vé xem. Tò mò hỏi khán giả lý do thì anh ta cho biết: Hơn hai tiếng nữa thì anh ta còn một cuộc hẹn để bàn việc ký hợp đồng kinh tế. Và anh ta chỉ cần xem nội dung thông tin của vở diễn “Quan Âm Thị Kính” là cái gì mà thôi. Quan họ cách tân của thế kỷ 20 không vì thế mà không phải là quan họ. Tiếp sang thế kỷ 21, quan họ cũng sẽ phải tiếp tục đổi mới nếu muốn tồn tại. Có không ít những dân ca trên thế giới đã chỉ còn tồn tại trong các bảo tàng...

Từ thực tế kể trên, cho tôi một suy nghĩ thế này: Điều cốt yếu nhất để bảo tồn và phát huy dân ca quan họ là phải giữ được cái “Lòng bản”. “Lòng bản” là thuật ngữ của chuyên môn âm nhạc. Lòng bản là cái “lõi”. Chính vì giữ được cái “lõi – lòng bản” này nên quan họ cách tân hát ở quán bar vẫn khiến cho khán giả nhận biết được quan họ. Nếu không giữ được cái “lòng bản” này thì khi ca sĩ cất tiếng hát lên khán thính giả sẽ không thể biết được đó là quan họ.

- Anh sẽ trả lời sao nếu có ý kiến cho rằng: Anh cổ vũ cho quan họ cách tân là để phá quan họ? Tôi cắt ngang lời Trần Chính.

Trần Chính bật cười và tiếp tục mạch chuyện: Như đã nói, đến bây giờ chúng ta không thể xác định được các yếu tố quan họ gốc thì làm sao biết bảo tồn cái gì là đúng. Chúng ta chỉ có thể bảo tồn quan họ theo thời điểm 1940, 1950, 1980 hay 1990... mà thôi. Còn nếu không cách tân thì có ai áp đặt được người dân nghe quan họ không nhạc đệm không?...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ 'lòng bản' là bảo tồn được quan họ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO