Giữ rừng!

Nguyễn Hải 07/01/2016 16:35

Mỗi vùng miền, mỗi địa phương luôn có những tập tục riêng. Đó là những nét văn hóa đẹp được chắt lọc từ cuộc sống từ bao đời nay.  Xã hội phát triển, cuộc sống thay đổi, có những tập tục dần mai một theo thời gian hoặc thay đổi ít nhiều để phù hợp với cuộc sống mới nhưng cũng có không ít tập tục được gìn giữ cho đến hôm nay. Sự bảo lưu, gìn giữ đó  đã chứng minh rằng, đó là một tục lệ đẹp, đầy tính nhân văn. Trong đó, không thể không kể đến tục giữ rừng của người Cơtu.

Thời gian qua, trong khi nhiều cánh rừng ở miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đang bị tàn phá nặng nề, đất lâm nghiệp bị xẻ thịt không thương tiếc gây ra ô nhiễm môi trường, bão lụt, lũ quét, lở đất... thì nhiều cánh rừng ở Quảng Nam, nơi có người Cơtu sinh sống vẫn được gìn giữ như báu vật với những nguyên tắc giữ rừng đã truyền qua nhiều thế hệ.

Bà con người Cơtu luôn lý giải rằng, rừng ưu ái ban tặng cho họ rất nhiều thứ như cho cây gỗ to để dựng nhà, cho củi để đổi lấy muối, dầu, gạo và đặc biệt rừng mang về cho người Cơtu dòng nước suối mát lành để tưới những ruộng lúa, nương ngô. Rừng còn là còn cuộc sống ấm no, bình yên cho mỗi mái nhà. Bởi vậy, bà con dân làng bảo vệ rừng bằng những quy định ghi rõ trong hương ước như tuyệt đối không chặt phá cây lấy gỗ. Nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt. Nhẹ thì có thể là cảnh cáo, nghiêm trọng hơn thì đuổi ra khỏi làng…Chẳng thế mà có những cánh rừng như rừng pơmu trùng điệp ở thôn Ganil (thuộc xã AXan, Tây Giang), gần như bảo tồn nguyên vẹn.

Trong làng, mỗi người được phân định một vạt rừng riêng (chơrơđiêt) để dễ dàng quản lý, chăm sóc và bảo vệ. Theo một già làng người Cơtu thì do sống dựa chủ yếu vào rừng, nên họ không cấm việc khai thác, săn bắt trong rừng nhưng ra quy định không được khai thác rừng bừa bãi, không được phá rừng.

Trong chuyến công tác vào Quảng Nam, về xã Bhalêê, huyện Tây Giang tôi có gặp già Alăng Avel. Hỏi ông về tập tục giữ rừng của người Cơtu được gìn giữ từ bao đời nay, già Alăng Avel tự hào bảo, phải giữ rừng chứ vì rừng là nguồn sống không chỉ cho một thế hệ mà còn đời con, đời cháu sau này nên phải giữ để cái rừng bảo bọc, che chở cho người Cơ tu mãi mãi. Phá rừng hay để cho người khác phá rừng, tức là tự phá đi cuộc sống của mình đấy, người Cơtu mình không muốn như thế đâu.

Trong các luật tục của người Cơtu có luật cấm đốt phá rừng đầu nguồn, bởi với họ rừng quan trọng nhưng rừng đầu nguồn còn quan trọng hơn vì là mạch nguồn nuôi sống con người, nếu phá thì trong làng dễ xảy ra dịch bệnh, lũ lụt và những tai ương khác. Do vậy, ai phá rừng đầu nguồn phải chịu một khoản chi phí cho làng cúng, ít nhất phải có 1 con heo to, 1 con dê và gộc rượu. Nhưng ít khi có người nào trong làng phải chịu phạt vì họ cũng rất rất coi trọng việc giữ rừng.

Nếu ở một số địa phương tài nguyên rừng đang bị cạn kiệt do sự tàn phá của con người thì mừng thay, nhờ những tập tục giữ rừng được gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, rất nhiều khu rừng nơi người Cơtu sinh sống vẫn xanh mát. Cuộc sống của người CơTu cũng nhờ đó mà bình yên qua bao thế hệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ rừng!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO