Giữ uy tín

Lê Anh Đức 20/04/2019 09:00

Sau vải, nhãn, thanh long..., xoài là loại quả tươi thứ 6 đã “đặt chân” tới Mỹ - thị trường vốn được xem là khó tính bậc nhất thế giới.

Để 8 tấn xoài mang thương hiệu Việt Nam vào được thị trường Mỹ là kết quả của gần 10 năm cố gắng, nỗ lực bền bỉ không mệt mỏi của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả người nông dân. Gần 10 năm để thay đổi lối sản xuất, kinh doanh, đàm phán... là một chặng đường dài, bởi vậy các doanh nghiệp cần biết trân trọng để có thể giữ được thị trường.

Giữ uy tín

Xoài Việt Nam đã bước chân vào thị trường Mỹ.

Lô xoài đầu tiên nhập khẩu vào Mỹ mở ra tiềm năng to lớn từ chính thế mạnh nông nghiệp của Việt Nam đối với các thị trường trên thế giới. Với việc thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh, quản lý nhà nước... để có thể tập trung sản xuất xoài nói riêng và các loại quả nói chung theo tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu khắt khe về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, côn trùng gây hại, truy xuất nguồn gốc thì tin rằng không chỉ quả xoài, nhãn, vải, thanh long... mà còn nhiều loại quả đặc sản khác của Việt Nam cũng có thể thâm nhập vào những thị trường khó tính nhất.

Song, trong sản xuất kinh doanh, chinh phục thị trường đã khó nhưng giữ được thị trường lại càng khó hơn. Chính quy luật khắc nghiệt ấy từng “loại khỏi vòng chiến đấu” biết bao doanh nghiệp không biết trân trọng, giữ gìn thương hiệu mà họ đã phải dày công vun đắp trong nhiều năm mới gây dựng được, thiếu tôn trọng khách hàng, vì cái lợi trước mắt mà bỏ đi cái lợi lâu dài... Chính vì thói quen “ăn xổi” mà nhiều doanh nghiệp lớn, không ít thương hiệu nổi tiếng đã đánh mất thị trường bởi bị người tiêu dùng quay lưng lại. Đâu phải bỗng nhiên có câu “khách hàng là thượng đế”.

Từng có dịp làm việc với một số tham tán thương mại Việt Nam tại các nước, được biết không ít doanh nghiệp Việt Nam sau khi chiếm lĩnh được thị trường nước bạn lại nhanh chóng để mất bởi thiếu chữ tín. Có doanh nghiệp thì sau vài chuyến hàng đầu tiên đảm bảo yêu cầu thì bắt đầu “độn” thêm hàng kém chất lượng, có doanh nghiệp thì ngay sau chuyến hàng đầu tiên trót lọt đã lập tức nhồi nhét “hàng dởm” ở chuyến hàng thứ hai với mong muốn nhanh chóng kiếm lợi thật nhiều... Đó là lý do mà không ít doanh nghiệp Việt đã không thể “trụ” được lâu tại các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản...

Một số tham tán thương mại than phiền về việc họ đã phải mất khá nhiều thời gian để quảng bá, đàm phán, thuyết phục đối tác tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường nước bạn, nhưng rồi chính cung cách làm ăn “thấy lợi quên nghĩa” của một số doanh nghiệp thiếu uy tín đã đánh mất thị trường, tước đi cơ hội của các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng khác. Ở thị trường các nước EU, Mỹ, Nhật Bản... khi doanh nghiệp vi phạm các điều khoản hợp đồng, không đảm bảo an toàn thực phẩm... cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó, mặt hàng đó sẽ bị “cấm cửa” tại thị trường này.

Việc EU “rút thẻ vàng cảnh cáo” đối với thủy sản xuất khẩu Việt Nam chẳng phải là một ví dụ điển hình về việc không đảm bảo tiêu chí truy xuất nguồn gốc xuất xứ theo yêu cầu của họ hay sao? Cũng may là đó mới là động thái “cảnh cáo” chứ chưa phải là “thẻ đỏ” khiến hải sản Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào thị trường EU. Tất nhiên, để đảm bảo được các yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính thì cần có sự vào cuộc đồng bộ, thay đổi tư duy từ người sản xuất, đơn vị kinh doanh cho tới cơ quan quản lý nhà nước, mới có thể đảm bảo duy trì bền vững, lâu dài thị trường.

Trở lại câu chuyện xuất khẩu 8 tấn xoài vào thị trường Mỹ. Trước tiên phải chúc mừng nông dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Đồng Tháp cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Song, việc xuất khẩu xoài vào Mỹ sẽ không phải là “vĩnh viễn” nếu như người nông dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước không nâng cao năng lực, đảm bảo các tiêu chí khắt khe của thị trường khó tính này. Khi mà từ người nông dân tới doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước đều đã thay đổi tư duy, tiếp cận tới cách sản xuất kinh doanh an toàn, đảm bảo quy chuẩn yêu cầu thì chẳng có lý do gì lại bị thị trường từ chối.

Từ câu chuyện vui về việc quả xoài du nhập vào Mỹ, cũng như những hiện trạng bấp bênh mà một số tham tán thương mại có tâm huyết đã cảnh báo, hy vọng cả nông dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm, nhằm đảm bảo giữ vững thị trường. Khi mà thương hiệu các loại quả nói riêng và hàng hóa nói chung của Việt Nam luôn giữ được sự tín nhiệm của người tiêu dùng, thì cho dù các thị trường có khó tính đến đâu thì nông sản của chúng ta vẫn có thể chiếm lĩnh được thị trường. Muốn giữ được thị trường thì không gì khác hơn là phải giữ uy tín thương hiệu, làm ăn đàng hoàng tránh thói “ăn xổi”, “tham bát bỏ mâm”, vì cái lợi trước mắt mà quên đi cái lợi lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ uy tín

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO