Giúp bà con thoát nghèo

Lê Phương 22/06/2021 10:30

Mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Iaka đã thành lập câu lạc bộ Phụ nữ nói không với tín dụng đen, Tổ đổi công, Quỹ xoay vòng...

Chị Rơ Châm H’Ken, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Iaka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai kể: “Do cần tiền đáo hạn ngân hàng, tôi đã vay nợ 350 triệu đồng. Vì nghĩ chỉ ít ngày đến vụ thu hoạch sẽ có tiền trả nên dù lãi nặng đến 3.000 đồng/triệu/ngày tôi vẫn chấp nhận”. Nhưng thực tế lại không như mong muốn, không thể thu xếp trả nợ đúng hạn, số tiền vay lãi cao cứ nhân lên mỗi ngày. Chủ nợ liên tục gọi điện thoại hối thúc, thậm chí còn đến tận nhà đe dọa gia đình, tung ảnh cùng những lời lẽ bôi nhọ lên mạng.

“Chỉ những ai đã từng vướng vào vòng xoáy của tín dụng đen mới có thể hiểu được những hệ lụy của nó khủng khiếp đến thế nào. Nó không chỉ khiến người ta kiệt quệ vốn liếng làm ăn, tài sản trong gia đình mà còn kiệt quệ cả về tinh thần”, chị Ken chia sẻ.

Theo chân chị Ken, chúng tôi đến thăm nhà chị Rơ Châm H’Kunh tại Làng Mrong Yố 1, Xã Iaka. Đôi tay đang thoăn thoắt thu hoạch những hạt cà phê chín mọng, chị Kunh cất lời chào từ xa không quên gửi kèm một nụ cười rạng rỡ “được mùa”.

Nhìn thoáng qua người phụ nữ khỏe mạnh, chất phác này, cùng với ngôi nhà đơn sơ chị đang ở, chắc chẳng ai nghĩ rằng chị đã nhiều lần phải tìm đến những người cho vay nặng lãi.

“Tôi vay lần đầu 30 triệu với lãi 3.000 đồng/triệu/ngày, sau đó vay thêm hơn 400 triệu nữa. Vậy mà đến lúc trả, cả gốc cả lãi tính ra gần cả tỷ đồng. Tôi sợ quá. Ngày nào họ cũng đến đòi nợ, nói có, hành động có, còn dọa giết nữa. Rất đáng sợ”, chị Kunh nghĩ lại.

Vay thì phải trả, số tiền quá lớn, chỉ còn cách bán đất đi để trả nợ. Nhưng không đơn giản như vậy. Chị Kunh bị chủ nợ ép giá, thậm chí khi có người muốn mua đất, chủ nợ cũng kiếm chuyện để người mua ép giá đất xuống thậm tệ. Tiền không có, bao nhiêu đất bán cũng không đủ trả, ruộng vườn chẳng còn bao nhiêu để canh tác, nhà cửa cũng chẳng còn gì giá trị.

Tội phạm hoạt động “tín dụng đen” vùng nào cũng có, nhưng riêng tại Gia Lai, tình trạng này càng trở nên phức tạp hơn ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chia sẻ từ Đại tá Dương Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai được biết, nhu cầu vay vốn, mua nợ hàng hóa, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nhân dân rất lớn. Nhưng việc tiếp cận với nguồn vốn từ các hệ thống ngân hàng, tín dụng còn gặp khó khăn về thủ tục vay vốn, gia hạn, đáo hạn, những yêu cầu về thế chấp, thời gian giải ngân....

Trong khi đó, các đối tượng hoạt động tín dụng đen cho vay nhanh gọn, không cần thế chấp tài sản đã thu hút một bộ phận không nhỏ người dân tham gia, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số không có tài sản thế chấp, tư liệu sản suất, nên phải vay mượn, mua nợ hàng hóa lãi suất cao.

“Cái khó nhất hiện nay của chúng tôi là nạn nhân chỉ tố giác tội phạm khi không còn khả năng trả nợ. Một số nạn nhân không dám khai báo, hợp tác với lực lượng chức năng do sợ liên lụy, rắc rối cho bản thân, sợ bị trả thù...”, Đại tá Dương Văn Long nhấn mạnh.

Mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã thành lập câu lạc bộ Phụ nữ nói không với tín dụng đen, Tổ đổi công, Quỹ xoay vòng... vừa giúp tuyên truyền cho hội viên nhận biết các thủ đoạn cho vay nặng lãi để tránh xa “bẫy” tín dụng đen vừa hỗ trợ nguồn vốn cho các hội viên có nhu cầu cấp thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giúp bà con thoát nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO