Gỡ điểm nghẽn để phát triển trí tuệ nhân tạo

Phương Linh 18/08/2019 08:00

Tuần qua, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã diễn ra ngày hội mở với chủ đề “Đẩy mạnh hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo”. Tại đây, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đã chia sẻ quan điểm của mình về cơ hội, thách thức, cũng như đưa ra giải pháp cho Việt Nam trên đà phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn nữa các dự án, sản phẩm trí tuệ nhân tạo.

Gỡ điểm nghẽn để phát triển trí tuệ nhân tạo

Tại Việt Nam, công nghệ AI được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp…

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Viettinbank - chia sẻ: Về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên ngân hàng, Viettinbank đã thực hiện và đang có nhiều kế hoạch cụ thể. Ví dụ chúng tôi muốn ứng dụng công nghệ sinh trắc học để nhận diện khách hàng đến tại quầy của Viettinbank, từ đó phân loại được khách hàng VIP, khách hàng thường, phân loại luồng xếp hàng và thực hiện tự động một số giao dịch… Sắp tới Viettinbank cũng muốn hợp tác với một số công ty công nghệ hướng tới thực hiện các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện những hành vi bất thường, từ đó cảnh báo rủi ro trong ngân hàng…

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh- Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel - cũng cho hay: Ở Viettel trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rất đa dạng trong các hệ sinh thái khác nhau từ y tế, giáo dục, giao thông, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngân hàng số, thương mại điện tử… Bản thân Viettel xác định trí tuệ nhân tạo là công nghệ chính và rất đầu tư.

Còn ông Bùi Hải Hưng- Viện trưởng Viện nghiên cứu AI, Tập đoàn VinGroup nói rằng: Trí tuệ nhân tạo không phải ngành công nghệ đứng yên một chỗ, trí tuệ nhân tạo là ngành phát triển rất nhanh, chúng ta cần có những con người có thể nắm bắt được trào lưu mới nhất. Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, rất quan trọng trong phát triển AI Việt Nam là đào tạo nhân lực đi cùng việc nghiên cứu.

Về điều này, ông Lê Hồng Việt- Giám đốc Công nghệ, Tập đoàn FPT cho biết, việc tuyển nguồn nhân lực AI là rất khó, vì vô cùng thiếu. Người xuất sắc thì đã đi học ở nước ngoài và ở lại bên đó. “Chúng ta phải hỏi là tại sao các bạn ấy lại đi học nước ngoài? Và đi học rồi tại sao lại không về?”- ông Việt đặt vấn đề.

Còn TS Nguyễn Quang Vinh (Viettel) chia sẻ, qua nhiều năm tìm hiểu chiến lược AI, nghiên cứu khoảng 14 quốc gia có nền AI phát triển như nước Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản... thấy một điểm chung của các quốc gia này là họ đầu tư trước tiên cho nguồn nhân lực và hướng đến việc chia sẻ dữ liệu. “Ngày làm TS về trí tuệ nhân tạo ở Pháp, tôi làm việc trong một công ty với công việc thực hiện một dự án. Sau dự án đó thì nhận bằng TS. Đấy cũng là thực tế doanh nghiệp kết hợp với trường đại học tuyển sinh và làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, trong đó có hội đồng của trường đại học, của doanh nghiệp. Như vậy đã giải quyết được 2 vấn đề. Thứ nhất - doanh nghiệp có thể sử dụng được nhân sự quen việc được đào tạo một cách bài bản. Thứ hai - trường đại học cũng không phải lãng phí việc đào tạo TS, ThS mà đi vào thực tế. Đây là hướng mà Viettel cũng muốn đề xuất phát triển với các trường đại học.

Ngoài ra không thể quên nhiệm vụ phát triển cộng đồng, làm sao để cho một cộng đồng mạnh mẽ, chia sẻ dữ liệu một cách tốt hơn, hỗ trợ các doanh nghiệp, các startup, đặc biệt là các nhóm nghiên cứu nhỏ lẻ một cách tốt nhất. Tôi nghĩ đó là những viên gạch để chúng ta có thể phát triển với cộng đồng về nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, chúng ta dần dần mở những ngành phát triển mới về khoa học dữ liệu, bản thân khoa học dữ liệu là ngành chính của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để chuẩn bị cho nguồn nhân lực trong tương lai”- theo TS Vinh.

Mặc dù có những giải pháp được đưa ra, nhưng các chuyên gia AI Việt Nam vẫn cho rằng, mấu chốt nằm ở bản thân mỗi con người. Các nhà trường có sẵn sàng lấy chất lượng làm đầu hay không? Bên cạnh đó là việc làm sao để thúc đẩy được sự đam mê của chính mỗi cá nhân trong việc nghiên cứu khoa học, thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo. Theo ông Bùi Hải Hưng các trường đại học vẫn là cơ sở nòng cốt trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực AI, và đặc biệt là các thầy cô giảng dạy trên lớp. Ông Hưng cho rằng, đào tạo con người là mấu chốt trong vấn đề làm sao giải quyết được vấn đề nhân lực. “Chúng ta cũng nên quan tâm đến vấn đề con người. Chính là thầy cô giảng dạy truyền đạt kiến thức cho thế hệ tương lai. Theo tôi đây cũng là vấn đề tương đối nhức nhối, bởi vì chúng ta muốn đào tạo vừa chất lượng vừa có số lượng. Và việc đào tạo này có lẽ chúng ta cũng chưa nhìn nhận thấu đáo”- ông Hưng nói.

Là một người cũng đi học ở nước ngoài về, đồng thời là người quản lý, TS Nguyễn Quang Vinh đồng tình với ý kiến con người là mấu chốt của vấn đề. Và quan trọng là làm sao thúc đẩy được sự sáng tạo của từng cá nhân: “Tôi từng làm việc tại Thụy Sỹ, Pháp… và mới về Việt Nam được 1 năm. Thực ra khi làm việc trong tập đoàn Viettel tôi thấy, về trí tuệ nhân tạo có rất nhiều những việc làm, mà đó là những việc làm khiến cho mình có mục đích, có tham vọng, mong muốn để đạt được. Suy ra, nếu các bạn khác cũng như mình khi được trao cơ hội, được tạo điều kiện với tâm thế rất mong muốn cống hiến thì tất nhiên sẽ có sức mạnh. Người Việt Nam nói chung là yêu nước, mong muốn đóng góp trí tuệ, nặng lực vào sự phát triển của doanh nghiệp, đất nước, chia sẻ cho cộng đồng… Nên tôi nghĩ, cái quan trọng nhất là tạo một con đường, tạo cơ hội cho các bạn (có thể là có cơ chế) để các bạn có thể phát triển một cách tốt nhất. Đương nhiên, khi có đam mê, có cống hiến sẽ có kết quả. Đứng trên góc độ quản lý thì tôi luôn làm điều đó”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ điểm nghẽn để phát triển trí tuệ nhân tạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO