Gỡ gánh nặng cho bưu điện văn hóa xã

Minh Quân 23/10/2020 09:00

Ngày 22/10, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ TTTT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình phối hợp công tác số 430 giữa 2 đơn vị giai đoạn 2013 - 2020.

Chương trình phối hợp công tác số 430 được lãnh đạo 2 Bộ ký kết ngày 4/2/2013 với mục tiêu chung tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện văn hóa xã; phát huy hiệu quả nguồn lực hiện có của hai ngành bưu điện và thư viện, tăng cường tổ chức các hoạt động phục vụ sách báo tại điểm bưu điện văn hóa xã; phát triển điểm bưu điện văn hóa xã trở thành điểm cung cấp thông tin, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin, văn hóa và giải trí của cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thiết thực phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.

Kết thúc giai đoạn 2013 - 2020, Chương trình phối hợp công tác 430 đã đạt được những mục tiêu đề ra. Trong đó, một số chỉ tiêu đáng chú ý như các thư viện cấp tỉnh và huyện đã thực hiện hơn 11 nghìn lượt luân chuyển sách báo đến bưu điện văn hóa xã với tổng số sách báo đạt gần 2 triệu bản, phục vụ ước khoảng 13 triệu lượt người dân đến đọc.

Tuy nhiên, tại Hội nghị, đại biểu đại diện các địa phương cũng thừa nhận công tác triển khai vẫn còn nhiều bất cập, vai trò phát triển văn hóa đọc tại bưu điện văn xã vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Việc phát huy văn hóa đọc ở bưu điện văn hóa xã vẫn chưa thực sự hiệu quả (ảnh minh họa).

Thực tế cho thấy đến nay một số địa phương việc phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ. Hệ thống bưu điện một số nơi chưa chú trọng đến phục vụ thông tin cho người dân trên địa bàn nên chưa nghiêm túc triển khai thực hiện Chương trình.

Đơn cử như tại Lâm Đồng, hệ thống bưu điện văn hóa xã được thành lập từ năm 1998 nên hầu hết cơ sở vật chất, cũng như trang thiết bị đã cũ và hỏng, vì vậy giá kệ để lưu trữ tài liệu bị hạn chế (chỉ có 1 tủ kính để trưng bày sách).

Bên cạnh đó, mặc dù kho sách luân chuyển tại các thư viện được bổ sung nhưng số lượng bản sách luân chuyển chưa nhiều, nội dung sách còn nghèo nàn, cũ và thực sự chưa phù hợp, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đặc biệt là nguồn sách dành cho thiếu nhi và sách thiết yếu khác.

Như tại Thừa Thiên - Huế, từ năm 2014 đến 2016 không được bổ sung sách theo chương trình mục tiêu quốc gia nên việc triển khai nhiều điểm không đáp ứng được cả về số lượng lẫn chất lượng hưởng thụ sách báo của người dân.

Chưa kể, việc triển khai nhiều Chương trình phối hợp với nhiều hệ thống khác nhau cũng tạo thêm áp lực cho thư viện khiến cho lượng sách báo dành luân chuyển khó đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, chưa có quy định về tỷ lệ hao hụt sách trong quá trình luân chuyển cũng như phục vụ đọc, nhiều nhân viên đã phải tự bỏ tiền túi ra đền bù sách mất, thất lạc hoặc khi nhận sách về, nhân viên không trưng bày, phục vụ do sợ mất, hư hỏng phải đền bù dẫn đến hiệu quả chương trình thấp.

Hiện tại ở một số tỉnh, quy định về đền bù mất sách là khá cao không phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã dẫn đến việc triển khai chương trình trở thành gánh nặng cho nhân viên.

Cơ chế hỗ trợ, phụ cấp thêm của địa phương cho nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã cho việc kiêm nhiệm thêm hoạt động phục vụ sách báo cũng hầu như chưa được chính quyền địa phương các cấp quan tâm.

Có rất ít địa phương có cơ chế hỗ trợ bưu điện trong phục vụ thông tin, văn hóa đọc cho người dân. Hoạt động phục vụ sách báo tại điểm bưu điện văn hóa xã chưa thu hút, số lượng phục vụ sách báo nhìn chung còn thấp.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết: Trong thời gian tới sẽ tiến hành rà soát, đánh giá, quy hoạch lại mạng lưới điểm bưu điện văn hóa xã trong cả nước, trên cơ sở đó có kế hoạch ưu tiên đầu tư nâng cấp cho những điểm có khả năng triển khai các chương trình, đề án, dự án của Chính phủ, của các Bộ, ngành đạt hiệu quả.

Trong quá trình chọn điểm triển khai Chương trình phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành ở địa phương, tránh sự chồng chéo, lãng phí.

Cũng theo bà Ngà, các địa phương cần đánh giá nghiêm túc về công tác phối hợp, khả năng phối hợp từ đó xây dựng Chương trình phối hợp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh thực tế địa phương, tránh tình trạng ký kết phối hợp nhưng sau đó không thể triển khai được.

Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số vào công tác phục vụ tra cứu thông tin dưới dạng số hóa tại các điểm bưu điện văn hóa xã chưa có kết nối internet. Các điểm bưu điện văn hóa xã có thể tạo kết nối tới trang thông tin điện tử thư viện tỉnh hoặc nhận chuyển giao các tài liệu số để phục vụ người dân…

“Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, xem việc phục vụ đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân ở cộng đồng tại các điểm bưu điện văn hóa xã cũng là trách nhiệm của chính quyền địa phương, đồng thời đảm bảo kinh phí cho các thư viện trong việc xây dựng, bổ sung vốn sách báo, đáp ứng yêu cầu luân chuyển”, bà Ngà nói.

Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2020. Từ ngày 7 đến 22/11, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam phối hợp với Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam sẽ tổ chức Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2020. Liên hoan được tổ chức với ý nghĩa tôn vinh tinh thần sáng tạo Việt thông qua một chuỗi các hoạt động trực tuyến và trực tiếp.

Liên hoan có sự đồng hành và hỗ trợ của khoảng 25 tổ chức khác hoạt động trong các lĩnh vực như nghề thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim, ẩm thực, văn học, truyền thông, âm nhạc và giáo dục sáng tạo. Khách tham dự liên hoan có thể tham gia vào hàng loạt triển lãm, lớp học, hội thảo, tọa đàm và các cuộc thi tài khác nhau, mà phần lớn trong số đó đều có thể truy cập trực tuyến.

Liên hoan sẽ khai mạc bằng triển lãm các tác phẩm tiêu biểu từ bộ sưu tập nghệ thuật đương đại của RMIT - một trong những bộ sưu tập uy tín nhất thế giới về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Triển lãm sẽ mở cửa đón khách tham quan tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội và trên nền tảng trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ gánh nặng cho bưu điện văn hóa xã

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO