Gỡ khó cho ngành điều

Quốc Định 24/05/2016 09:10

Ngành điều Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây và liên tiếp 11 năm đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thị trường có nhiều bất ổn về giá cả và nguồn cung cấp điều thô. 

Trước tình hình đó, ngày 23/5, tại TP HCM, Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) phối hợp tổ chức Hội thảo “Ngành điều chuyển mình đón vận hội mới”. Tại đây, nhiều ý kiến đóng góp thiết thực cho ngành điều của các chuyên gia, các doanh nghiệp đã được đưa ra.

Ngành điều dẫn đầu thế giới nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn.

Lớn nhưng chưa mạnh

Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas cho biết, 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 128 ngàn tấn nhân điều, đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD, giá điều xuất khẩu cũng tăng, khoảng 12%. Năm nay, thị trường có sự thay đổi, nếu như trước đây Trung Quốc là thị trường quan trọng, luôn có kim ngạch cao, nhưng trong 5 tháng đầu năm nay, Mỹ đã vượt Trung Quốc, vươn lên là thị trường tiêu thụ hàng đầu về sản phẩm điều của nước ta.

Đánh giá về mức độ thuận lợi của thị trường Mỹ đối với sản phẩm điều của Việt Nam, ông Thanh nói: “Tình hình rất khả quan, vì ngoài chất lượng sản phẩm hàng đầu, ngành điều nước ta còn gặp thuận lợi lớn ở thị trường Mỹ là hầu như không có rào cản. Bàn về định hướng trong tương lai, ông Thanh cho rằng, ngành điều cần phải đầu tư hơn nữa để thoát ra tình trạng “lớn nhưng chưa mạnh”, xuất cũng số 1, nhập cũng số 1 nhưng hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn, và tình trạng các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh lẫn nhau, điều này có thể làm suy yếu ngành điều.

Tìm hướng phát triển bền vững

Là một doanh nghiệp có kinh nghiệm 25 năm hoạt động trong ngành điều, ông Nguyễn Thái Sơn – Công ty Long Sơn đánh giá: “Một trong những điểm yếu lớn nhất ngành điều là phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu khá nhiều, do vậy tiềm ẩn khó khăn, rủi ro cũng khá cao. Một khi các nước họ chủ động được việc sản xuất và chế biến thì xem như nguồn điều nguyên liệu sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Cũng vì thiếu nguyên liệu nên xảy ra tình trạng các doanh tranh mua tranh bán và cũng đã có trường hợp bên bán trộn lẫn sản phẩm, dẫn đến tình trạng chất lượng không đảm bảo”. Nguy cơ an toàn thực phẩm cao, tình trạng giám sát, quản lý không chặt chẽ. Gần đây các nước châu Âu, châu Mỹ…đưa ra các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất cao, dẫn đến các nhà xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Sơn kiến nghị, để ngành điều phát triển tốt, các nhà làm chính sách tạo ra các văn bản thông thoáng hơn, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp, thủ tục rườm rà, khó khăn. Vai trò của Vinacas là cực kỳ quan trọng. Đề nghị Vinacas cần tập hợp các doanh nghiệp để tạo thành sức mạnh cạnh tranh, không để như hiện cứ mạnh ai nấy làm.

Theo TS. Nguyễn Như Hiến - đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tổ chức sản xuất, liên kết giữa các nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp chưa được thiết lập; người trồng điều khó tiếp cận nguồn tín dụng. Doanh nghiệp chưa liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu; chưa hình thành hệ thống mua điều trực tiếp từ nông dân, giá cả thiếu ổn định, không mua theo tiêu chuẩn, dẫn đến chất lượng không đồng đều.

Một vấn đề không kém phần quan trọng được các đại biểu tại hội thảo quan tâm là thực tế các doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều vào các giao dịch thương mại quốc tế, nhưng vị thế của họ trong giao kết và thực hiện hợp đồng vẫn còn khá thấp. Lý do là kinh nghiệm đàm phán, ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài còn yếu.

Theo Luật sư Nguyễn Thị Hồng Ngân, để nâng cao lợi thế trong ký kết hợp đồng, hoặc giải quyết tranh chấp, các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt, cần tham khảo những đơn vị tư vấn luật và Hiệp hội để bảo vệ quyền lợi của mình. Song song với việc đó, chính doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình về chuyên môn, nghiệp vụ về đàm phản, giải quyết tranh chấp thì hoạt động của doanh nghiệp mới bền vững được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó cho ngành điều

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO