Gỡ khó cho ngành y

H.Vũ 24/02/2023 06:37

Cần cải cách chính sách tiền lương ngành y tế để có thể giữ chân được các y, bác sĩ, nếu không tình trạng “chảy máu chất xám” sẽ còn tiếp diễn. Đó là nhận định được các giới chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đưa ra tại cuộc tọa đàm “Ngành y vượt khó” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 23/2.

Sớm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Liên quan đến những vướng mắc mà ngành y gặp phải trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ đang tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn trước mắt. Theo đó, khó khăn thứ nhất là vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở y tế trên cả nước. Về vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành có liên quan rà soát lại tất cả các văn bản để trước mắt hoàn thiện thể chế về nội dung này.

“Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý dược rà soát và ban hành các danh mục thuốc đảm bảo theo đúng quy định của Nghị quyết 80 của Quốc hội. Trước mắt, Cục Quản lý dược đã ban hành đợt 1 gần 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc” – ông Tuyên cho hay.

Còn về vấn đề trang thiết bị y tế, ông Tuyên thông tin, hiện Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 98 của Chính phủ và đang trình Chính phủ xem xét ban hành. Khi Nghị định sửa đổi Nghị định 98 được ban hành sẽ giải quyết được căn cơ nội dung liên quan đến việc cung ứng trang thiết bị vật tư y tế.

“Bộ Y tế đã ban hành gần 50 thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến mua thuốc, trang thiết bị và nội dung khác có liên quan để đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị trong giai đoạn hiện nay”- ông Tuyên nói.

Theo GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Quốc hội đã thông qua Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/1/2024. Trong đó có rất nhiều điểm thay đổi để có thể hướng tới hoạt động của các cơ sở y tế được tốt hơn, phục vụ tốt việc chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên, ông Giang cho rằng, để thực hiện luật cần có những văn bản dưới luật như nghị định, thông tư cụ thể hóa để luật đi vào cuộc sống. Do đó ông Giang mong có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền, để từ 1/1/2024 luật thật sự đi vào cuộc sống. Từ đó, giúp các thầy thuốc, nhân viên y tế và cơ sở y tế có hành lang pháp lý chuẩn mực để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Trong khi đó, GS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ mong muốn, trong quá trình xây dựng thông tư, nghị định, tất cả cơ quan chức năng, các bộ, ngành liên quan cần vào cuộc nhanh chóng để có các văn bản pháp quy hướng dẫn luật được thực hiện chuẩn mực. Bởi hiện tại, việc khám bệnh theo yêu cầu đang mỗi nơi thực hiện một giá.

Ngăn “chảy máu chất xám”

Đối với tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư nhân, GS.TS. Trần Bình Giang lo ngại: Nếu tiếp tục để các nhân viên y tế đi khỏi những bệnh viện lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc khám chữa bệnh, cũng như ảnh hưởng lâu dài cho những thế hệ sau này khi các sinh viên, bác sĩ về bệnh viện không có cơ hội được học tập thầy giỏi.

Nêu giải pháp để ngăn chặn tình trạng trên, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, chế độ đãi ngộ hiện nay chưa tương xứng với đặc thù của ngành y. Trong khi đó, áp lực với công việc của nhân viên y tế rất lớn. Do đó, hiện Bộ Y tế đang tập trung tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Trung ương hoàn thiện thể chế chính sách để nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Trong đó, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại các đơn vị y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ, làm sao bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

“Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56 về nâng phụ cấp của y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40% và 70% lên 100%” - ông Tuyên thông tin và cho biết, Bộ Y tế cũng đang dự thảo để trình Chính phủ ban hành Nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Nêu quan điểm, TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Uỷ ban Xã hội) cho rằng, ngành y tế đang đứng trước 2 thách thức cơ bản: nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực. Thứ hai là tiền lương, hiện thu nhập và đời sống của thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành y tế rất khó khăn.

Do đó phải giải quyết sớm và nhanh các bất cập này. “Tôi cho rằng cần phải điều chỉnh phụ cấp, tiền lương cho ngành y tế càng sớm càng tốt” - ông Lợi nói và kiến nghị về lâu dài phải cải cách chính sách tiền lương của ngành y tế, đồng thời cải cách chính sách tiền lương của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó cho ngành y

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO