Gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp

Lục Bình 24/04/2019 09:00

Không yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 1 lần- đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại Chỉ thị về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc do Thủ tướng ban hành mới đây.

Quy định này đưa ra thông điệp của một chính quyền không đẩy cái khó cho người dân và đây sẽ là một giải pháp quan trọng thanh toán căn bệnh gây nhũng nhiễu, phiền hà đẻ ra tình trạng tham nhũng vặt.

Theo Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trình tự thực hiện thủ tục hành chính hiện còn phức tạp; thủ tục thiếu các bước thực hiện và thiếu các mốc thời gian trong giải quyết, đi cùng với thời hạn giải quyết kéo dài và tiêu chí xem xét giải quyết còn mơ hồ. Đó là nguyên nhân trực tiếp của những sự nhũng nhiễu và tham nhũng vặt đã và vẫn xảy ra.

Tại Chỉ thị về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý; nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát; khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp; rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết; sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 1 lần.

Không thể để tình trạng cán bộ lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về chính sách pháp luật của một bộ phận nhân dân để tư lợi. Tuy nhiên, để xử lý những sai phạm không dễ, bởi chưa có chế tài xử lý cụ thể. Chính vì vậy, việc đưa ra quy định không bắt người dân bổ sung giấy tờ quá 1 lần sẽ đòi hỏi cán bộ phải có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho người dân bổ sung những giấy tờ cần thiết và chỉ bổ sung 1 lần chứ không để xảy ra tình trạng bề ngoài là thiếu giấy tờ nhưng đó lại là cái cớ để tham nhũng vặt. Để nói không với nhũng nhiễu, gây khó dễ, Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ: Chấn chỉnh công tác quản lý; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Việc thêm những quy định rõ ràng để chặn những hành vi nhũng nhiễu tiêu cực sẽ được đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và người dân đón nhận, nhưng hiệu quả của nó thế nào thì câu trả lời còn ở phía trước. Còn nhớ, giữa năm 2017, cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước khấp khởi vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Chủ trương nêu trên một lần nữa được người đứng đầu Chính phủ đề cập tại Chỉ thị 07/CT-TTg năm 2018 cũng nêu rõ: Việc kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện trong trường hợp thật sự cần thiết và phải có quyết định của Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền. Rõ ràng việc Thủ tướng quy định chỉ được thanh, kiểm tra doanh nghiệp mỗi năm 1 lần giúp các doanh nghiệp “dễ thở”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Bởi theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trước đó không ít doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra 6 - 7 lần/năm; có trường hợp quận đã kiểm tra, thành phố cũng kiểm tra, chưa kể các cơ quan quản lý chuyên ngành khác… Thế nhưng, đã qua gần 2 năm thực hiện Chỉ thị số 20 và mới đây là Chỉ thị 07 yêu cầu không kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần trong năm vẫn chưa được thực hiện nghiêm. Doanh nghiệp vẫn phàn nàn bị kiểm tra nhiều hơn 1 lần trong năm.

Chính vì vậy, muốn biết cán bộ có thực hiện nghiêm các quy định hay không, có thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao hay không, rất cần có cơ chế kiểm soát quyền lực theo hướng đa chiều, đa diện với nhiều kênh khác nhau. Như kiểm soát bằng thể chế kết hợp với kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm, kiểm soát của cấp trên đối với cấp dưới và ngược lại, kiểm soát chéo giữa các cơ quan, tổ chức; kiểm soát của cơ quan chuyên trách với cơ quan không chuyên trách; kiểm soát của cơ quan quyền lực kết hợp với kiểm soát của báo chí và dư luận xã hội,... Phải kiểm tra công vụ đột xuất, giám sát thường xuyên chứ 1 năm 1 đến 2 lần thanh tra công vụ theo định kỳ khó mà tìm ra đâu là người cố tình “câu giờ”, đang là rào cản đẩy lùi bánh xe cải cách hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO