Gỡ khó cho nhà hát công lập

Hoàng Minh 31/05/2021 08:08

Trước những khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, Bộ trưởng Bộ VHTTDL vừa có buổi làm việc với đại diện 12 nhà hát trực thuộc Bộ nhằm tháo gỡ tình hình.

Chế độ đãi ngộ cho các nghệ sĩ đang có nhiều bất cập. (Ảnh minh họa).

Nhiều lãnh đạo các nhà hát chia sẻ: Ngoài việc phải huỷ các show diễn dài hạn thì nhiều đơn vị đang rơi vào cảnh “chảy máu” nguồn nhân lực. Nhiều diễn viên dù đã đủ các điều kiện để xét danh hiệu NSƯT cũng đã phải “dứt áo” ra đi vì cuộc sống mưu sinh. Cá biệt hơn, nhiều nhà hát còn rơi vào tình trạng phải đi vay mượn khắp nơi để có nguồn kinh phí duy trì hoạt động.

Theo đa số lãnh đạo các nhà hát đều cho rằng “nút thắt” lớn nhất hiện nay là cơ chế đại ngộ cho các nghệ sĩ. Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Xuân Bắc bày tỏ: Quyết định 14/2015/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã quá lỗi thời. Mức 200.000đồng/buổi diễn áp dụng đối với diễn viên chính, nhạc công chính, chỉ đạo nghệ thuật là quá thấp, biến họ thành “phu” nghệ thuật.

Một số ý kiến đề xuất khác được đưa ra bàn thảo tại buổi làm việc như cần có sự kết nối giữa nghệ thuật biểu diễn với ngành du lịch; đầu tư xây dựng nhà hát cho các đơn vị chưa có nhà hát để diễn; đầu tư có trọng điểm các vở diễn, chương trình nghệ thuật đặc sắc; đưa ra đề án quảng bá nghệ thuật với khán giả, chú trọng tới lớp khán giả trẻ và chương trình biểu diễn phục vụ các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa…

NSND Tạ Duy Ánh- Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: Hiện nay Liên đoàn có 190 cán bộ, nghệ sĩ thì trong số đó có 70 người thuộc diện hợp đồng, phần lớn là nghệ sĩ trẻ. Liên đoàn rất muốn giữ chân các em và mong được ký hợp đồng dài hạn, đưa vào biên chế để đóng bảo hiểm, nhưng kiểm toán lại không đồng ý và chỉ cho ký hợp đồng thời vụ. Không biểu diễn, không có doanh thu, trong khi hợp đồng trẻ lại chiếm đông đảo, Liên đoàn càng khó khăn trong việc trả lương cho lực lượng này.

Bàn về cách tháo gỡ những khó khăn cho các nhà hát, tại buổi làm việc Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, ngay trong kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021-2022, lãnh đạo Bộ sẽ nghiên cứu kế hoạch đặt hàng cho các đơn vị một cách cụ thể và sát với tình hình thực tiễn hơn. Để giải quyết những khó khăn bởi tác động trực tiếp từ dịch Covid-19, Bộ cũng sẽ xem xét nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các nhà hát trong 6 tháng cuối năm để góp phần ổn định đời sống cho cán bộ, nghệ sĩ. Hiện Cục Nghệ thuật biểu diễn đang gấp rút hoàn thiện Đề án sắp xếp nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương. Đề án này sẽ xác định vai trò, vị trí và nhiệm vụ cũng như tạo điều kiện cho từng đơn vị phát triển một cách hiệu quả.

Trước những chia sẻ và góp ý, phát biểu tại buổi làm việc Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu thành lập Tổ nghiên cứu, rà soát mô hình phát triển của từng nhà hát theo hướng tinh gọn, tăng thẩm quyền cho ban giám đốc và hội đồng nghệ thuật. Tổ công việc thứ hai sẽ cùng với các nhà hát rà soát lại các chỉ tiêu biên chế, tuyển dụng để làm sao cân đối nhu cầu theo từng đơn vị, không thể phân chia chỉ tiêu theo cách “cào bằng”. Bộ trưởng yêu cầu Cục, vụ chức năng liên quan cùng các đơn vị khẩn trương rà soát văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách đối với nghệ thuật biểu diễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung, qua đó sớm khắc phục những bất cập này.

Trước những trăn trở chế độ phụ cấp cho nghệ sĩ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng, điều gì không còn phù hợp nữa thì cần tham mưu sửa đổi, bổ sung và việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đó phải có tầm nhìn dài hạn. Hiện chưa thể ban hành được Nghị định về chế độ, lương và phụ cấp cho nghệ sĩ mà vẫn đang áp dụng bậc thang chung, vì vậy cần tiến hành xem xét, đề xuất với cấp có thẩm quyền. Cần tiếp tục xem xét, đề xuất để việc xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó cho nhà hát công lập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO