Gỡ khó từ cơ chế chính sách

Hoài Vũ (thực hiện) 06/05/2019 08:30

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Trung ương đã tạo động lực cho tư nhân đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp, nông thôn. Thế nhưng nông nghiệp nước ta quy mô sản xuất còn nhỏ, năng suất, chất lượng thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, phát triển còn thiếu bền vững, thâm dụng nhiều tài nguyên. Vậy làm sao để liên kết “4 nhà” thực sự đem lại hiệu quả. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính đã trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.

Gỡ khó từ cơ chế chính sách

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

PV: Thưa ông, vấn đề hiến kế cho nông nghiệp tiếp tục được đặt ra tại diễn đàn kinh tế tư nhân và xác định doanh nghiệp tư nhân là “hạt nhân” để thúc đẩy phát triển bền vững các chuỗi giá trị. Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Nông nghiệp là vấn đề rất then chốt đối với nền kinh tế Việt Nam. Dù đóng góp của nông nghiệp so với dịch vụ và công nghiệp không phải là cao nhưng rõ ràng vị thế của nó cực kỳ lớn, tạo nền móng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, “cú đệm” để giảm các “va đập” khi nền kinh tế gặp phải khủng hoảng. Nông nghiệp vẫn là thế mạnh và cần phát triển để tạo ra sự phát triển bền vững cho nền kinh tế nước ta trong tương lai và trước mắt.

Dù đây là lĩnh vực còn tiềm năng rất lớn song việc khai thác nó vẫn chưa thật sự được chú trọng. Nếu chúng ta chỉ trông chờ vào tăng trưởng của kinh tế tư nhân thì chưa đủ. Vì khi nói đến mối liên kết giữa “4 nhà” thì cơ chế hợp tác giữa “4 nhà” vẫn còn lỏng lẻo. Đặc biệt là cơ chế phân chia lợi ích giữa các nhà. Vì thế tác động của sự liên kết hợp tác chưa mang lại hiệu quả lớn trong sự thay đổi của sản xuất nông nghiệp.

Ông vừa đề cập đến cơ chế “4 nhà”chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, vậy nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Đầu tiên là Nhà nước với vai trò thiết kế chính sách. Chúng ta đã ban hành nhiều chính sách cho sản xuất nông nghiệp song chính sách cứ nằm ở đâu đó, thậm chí có chính sách chỉ là suy nghĩ của viên chức “ngồi bàn giấy” chứ không thể mang áp dụng trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Đó là do cơ chế chính sách chưa gắn với thực tiễn hoạt động sản xuất.

Thứ hai là nhà doanh nghiệp và nhà khoa học trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới khi nhà khoa học đã tiếp cận nhiều với giống cây con mới, hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai trong thực tiễn. Tuy nhiên mức độ triển khai vẫn còn nhỏ giọt. Giá trị của khoa học công nghệ phải gắn liền với hiệu quả của sản xuất của người nông dân, như vậy họ mới sẵn sàng kết hợp với các nhà khoa học để ứng dụng các công nghệ mới và đáp ứng yêu cầu. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào một vùng nào đó thì vẫn cứ diễn ra tình trạng “được mùa mất giá”.

Rõ ràng là khoa học công nghệ chưa nằm trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị để gia tăng giá trị sản phẩm. Vì thế bản thân các nhà khoa học cũng chưa được hưởng thụ đúng với thành quả nghiên cứu của mình. Còn doanh nghiệp là người đứng ra bỏ vốn, cùng với nông dân đầu tư sản xuất nhưng doanh nghiệp lại phó mặc sản xuất kinh doanh cho người nông dân.

Vậy theo ông làm sao để liên kết “4 nhà” có thể phát huy được hiệu quả?

- Đó chính là vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách và đó là trách nhiệm của Nhà nước. Phải quy hoạch cụ thể sản xuất nông nghiệp ở đâu? Làm gì? Xen canh, xen vụ ra sao? Chuỗi sản xuất thế nào để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp từ thu hoạch, bảo quản, chế biến, xuất khẩu. Đó là điều Nhà nước phải làm. Bên cạnh đó, các hiệp hội cũng phải tham gia cùng. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là bản thân các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải thay đổi, phải coi mình “người phục vụ” cho nông dân, doanh nghiệp để từ đó tạo ra sự gắn kết giữa người nông dân với nhau, với doanh nghiệp và các nhà khoa học.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải tạo ra liên kết giữa các nhà nông dân với nhau để có khu quy hoạch về nguyên nhiên, vật liệu. Anh phải là người cung cấp công nghệ khoa học, dịch vụ cần thiết đáp ứng các yêu cầu của người nông dân, cũng như công nghệ bảo quản chế biến.

Từ đó làm sao cho hiệu quả sản xuất phải cao hơn, thậm chí gấp 3-4 lần hiện nay. Bên cạnh đó doanh nghiệp phải là hạt nhân kết nối giữa người nông dân với nhà khoa học. Đồng thời doanh nghiệp cũng phải cùng nông dân đưa ra những kiến nghị để Nhà nước hoàn thiện cơ chế chính sách giúp cho hoạt động trong nông nghiệp trở nên có hiệu quả hơn chứ không phải bị động chạy theo.

Hiểu và nắm sát tình hình nhất chính là chính quyền địa phương. Vậy chúng ta cần phát huy vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giúp doanh nghiệp với vai trò “hạt nhân”, thưa ông?

-Mỗi nhà đều phải có sự nỗ lực, vượt lên chính mình. Nhưng rõ ràng vai trò của Nhà nước từ trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng trong việc dẫn dắt. Nông dân thường theo tư tưởng cố hữu nhìn lợi trước mắt, còn doanh nghiệp cứ có lãi là họ làm. Người nông dân cũng phải thay đổi cách suy nghĩ, phương thức làm ăn, cần nghĩ rằng mình phải trở thành bộ phận trong dây chuyền sản xuất, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị thì lúc đó mới có thu nhập lớn hơn. Chúng ta có thể tận dụng cơ hội để kêu gọi đầu tư nước ngoài vào hợp tác cùng phát triển để có thị trường ổn định. Từ đó nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó từ cơ chế chính sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO