Gỡ nút thắt nhà ở xã hội

Thanh Giang 07/10/2015 23:23

Lợi nhuận thấp, cơ chế rườm rà, thủ tục nhiêu khê… khiến doanh nghiệp nản lòng với nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến tình trạng nhu cầu nhà ở xã hội nhiều nhưng cung lại ít. 

Thiếu nguồn cung về nhà ở xã hội do chủ đầu tư không mặn mà.

Doanh nghiệp rút khỏi chương trình nhà ở xã hội

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (Horea) cho biết: Khi thị trường BĐS khủng hoảng vì bí đầu ra các chủ đầu tư thi nhau chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để xử lý hàng tồn kho, nợ xấu và để giảm lỗ, cắt lỗ. Kết quả DN kinh doanh BĐS xếp hàng nộp đơn chờ phê duyệt để chuyển đổi đối tượng sử dụng.

Tuy nhiên do thủ tục hành chính chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội quá rườm rà, nhiêu khê nên vô tình làm mất cơ hội cho phân khúc nhà ở xã hội phát triển. Nay “gió đổi chiều”, thị trường bất động sản đang phục hồi nên khó tiếp tục thu hút doanh nghiệp chuyển dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội.

Thậm chí, tại thời điểm này một số DN BĐS còn tự xin rút ra khỏi dự án nhà ở xã hội. Điển hình, Công ty Cổ phần 584 chủ động xin rút dự án Trịnh Đình Trọng (quận Tân Phú) ra khỏi chương trình nhà ở xã hội.

Thực tế cho thấy lợi nhuận định mức cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được tính khoảng 10%, do vậy lợi nhuận thực nhận của doanh nghiệp thực tế thấp hơn, cho nên có trường hợp bị lỗ.

Chính vì lợi nhuận kinh doanh nhà ở xã hội khá thấp nên phân khúc này không hấp dẫn các nhà đầu tư, một số nhà đầu tư chủ động thoái lui khi được chính quyền địa phương đề xuất thực hiện chương trình nhà ở này.

Trả lời thắc mắc của người dân về sự yếu kém trong phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay: Trước sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương những năm qua cả nước phát triển được 40.000 nhà ở xã hội cho 200.000 người dân.

Song theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, mặc dù các địa phương quyết liệt vào cuộc nhưng việc triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu được lý giải là do đòi hỏi chất lượng tốt nhưng giá phải rẻ nên không thu hút các nhà đầu tư. Hơn nữa ngân sách hạn chế, vì vậy khó thu hút DN đầu tư cho phân khúc này.

Khó tiếp cận gói hỗ trợ

Nhằm hỗ trợ thêm cho thị trường BĐS phát triển mà đặc biệt là nhà ở xã hội, Chính phủ đã hỗ trợ thị trường gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Thế nhưng tính đến thời điểm hiện nay gói tín dụng này vẫn chưa phát huy hết hiệu quả vì cả DN và người dân đều khó tiếp cận. Ông Lê Hoàng Quân cho hay, tính đến hết ngày 15/9, TP Hồ Chí Minh mới giải ngân được 2.562,85 tỷ đồng cho khách hàng vay từ gói 30.000 tỷ đồng. Mức giải ngân này chiếm tỷ trọng 8,54% trong gói tín dụng ưu đãi.

Từ con số thực tế về việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng hầu hết ý kiến cho rằng, mức độ giải ngân như thời gian qua là quá chậm. Rất nhiều người thu nhập thấp muốn tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng này nhưng không thể vì quy định điều kiện tiếp cận vốn vay quá chặt.

Nói về sự khó khăn trong vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Huế (ngụ quận Bình Thạnh) cho hay: “Tôi đã từng tìm hiểu gói tín dụng trên với mong muốn mua một căn nhà ở xã hội. Sau 6 tháng theo đuổi (có sự hỗ trợ của ngân hàng) cuối cùng đành chào thua do quy định quá khắt khe. Quá trình duyệt hồ sơ ngân hàng cho hay, mức lương của tôi đủ điều kiện để mua nhưng không đủ điều kiện trả nợ”.

Bà Nguyễn Thị Huế cho rằng, chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội hiện nay, đặc biệt là gói 30.000 tỷ đồng chỉ mang tính động viên người thu nhập thấp chứ không có giá trị hiện thực cao.

Trước tình hình giải ngân chậm của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, Horea mong muốn, Chính phủ và các bộ ngành liên quan nên gia hạn thời gian giản ngân gói hỗ trợ này đến ngày 31/5/2018 để nhiều người có thể tiếp cận vốn vay mua và xây nhà với lãi suất thấp, thay vì kết thúc vào ngày 31/5/2016 theo kế hoạch ban đầu. Horea còn kiến nghị giảm lãi suất cho vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng xuống mức 4% - 4,5% áp dụng cho năm 2016 đối với nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng; giảm 3 - 3,5% đối với nhà ở xã hội để phù hợp với thu nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ nút thắt nhà ở xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO