Gỡ rào cản cho kinh tế tư nhân

Hoàng Mai 04/05/2017 10:05

Theo thông tin được cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, trong tháng 4/2017, số doanh nghiệp (DN) được thành lập mới là 13.102; số vốn đăng ký là 98.397 tỷ đồng, tăng 8,9% về số DN và giảm 17,1% về số vốn đăng ký so với tháng 3. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong tháng 4 đạt 7,5 tỷ đồng, giảm 23,9% so với tháng trước. Đáng chú ý, số DN tạm ngừng kinh doanh hoặc chờ giải thể là hơn 7.000, bằng một nửa số DN thành lập mới trong tháng 4. Nh

Trả lời Đại Đoàn Kết, ông Đào Huy Giám- Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) cho rằng, 15 năm qua, với kinh tế tư nhân mà nói: Cái được cũng có và cái mất cũng có. Và, lẽ ra ta có thể đạt được một sự tăng trưởng hay sự đóng góp của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế có thể cao hơn nhiều so với cái ta đang có.

Nhưng, cũng vẫn theo quan điểm của ông Giám thì, điểm mới được nhấn mạnh là kinh tế tư nhân đang trở thành lực lượng quyết định chất lượng và quy mô phát triển của cả một nền kinh tế trong thời gian tới.

Quả thực như vậy. Nếu là cách đây 20 năm, DNNN chiếm 70% các hoạt động kinh tế của đất nước, đến nay theo con số thống kê thì kinh tế tư nhân đang sử dụng trên 50% lực lượng lao động và tạo ra khoảng hơn 40% GDP.

Lại quay trở lại những con số thống kê khô khan. Trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động của cả nước là 51.125, trong đó 39.580 DN thành lập mới; với số vốn đăng ký là 369.635 tỷ đồng, tăng 14,0% về số DN và tăng 48,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái (So sánh 2016/2015: DN tăng 22,9%; vốn tăng 52,8%) và 11.545 DN quay trở lại hoạt động.

Trong đó, cũng cần nói thêm rằng, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng qua là 825.332 tỷ đồng, bao gồm: Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 369.635 tỷ đồng và tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn là 455.697 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 4 tháng đầu năm 2017 đạt 9,3 tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong 4 tháng qua là 423.952 lao động, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những con số này đã cho thấy sự thay đổi lớn vì trước kia có kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể, trong đó kinh tế nhà nước chiếm hơn 70% như ông Giám nói ở trên. Còn kinh tế cá thể lạc hậu chiếm 18% cho nên cách đây 20 năm nền kinh tế mới tạo ở mức trên 10% thu nhập cho đất nước, nhưng đến nay đã tạo ra việc làm cho hơn 50% lực lượng lao động, trên 40% GDP.

Và nó cũng cho thấy một điều, dường như mọi thứ đã cởi mở hơn với doanh nghiệp tư nhân (DNTN), cả các quy định về thể chế liên quan chủ yếu đến các quy định của pháp luật; và cũng đã có sự thay đổi trong cách nghĩ, cach ứng xử với DNTN của chính người dân và cả hệ thống công lập. Chẳng thế mà, giờ đây, việc một công chức, viên chức bỏ Nhà nước ra làm ngoài không còn là điều gì khó hiểu hay lạ lẫm nữa.

Minh chứng cho điều này, khi tham gia VPSF lần thứ nhất hồi giữa năm ngoái, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến việc “chúng ta khẳng định doanh nghiệp, doanh nhân là đội ngũ xung kích đi đầu, đóng góp rất lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước suốt 30 năm qua”.

Và, cũng tại Diễn đàn ấy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ, Đảng và Nhà nước mong muốn tạo điều kiện để DNTN hoạt động, tạo điều kiện cho khởi nghiệp và lập nghiệp và khẳng định, Đảng, Nhà nước tôn trọng mọi quyền tự do kinh doanh của công dân và kiên quyết loại bỏ những quy định gây cản trở hoạt động của DN. Tức là, Đảng, Nhà nước đã rất sẵn lòng “cởi trói” các quy định để DNTN phát triển. Tuy nhiên, vẫn theo như ý kiến từ VPSF thì, mọi cơ chế chính sách và hoàn cảnh xã hội đều có những hạn chế và tích cực của nó.

Và, đại diện của Diễn đàn này đề xuất việc: “Chúng ta đang khuyến khích và cần làm tích cực hơn nữa trong việc đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công, thủ tục hành chính công”- khâu mà DN nói chung và DNTN đang rất lo ngại chứ chưa dám nói là lo sợ mỗi khi phải đối mặt để hoàn tất các thủ tục. Bởi, theo vị đại diện này thì “nếu chúng ta phối hợp tốt thì trong thời gian tới DNTN sẽ khai thác được và tác động vào chính bộ máy nhà nước để bộ máy nhà nước có cơ chế tốt hơn, góp phần để hai bên kiểm tra phối hợp lẫn nhau mà làm cho hai bên tiến bộ đạt được chất lượng tốt hơn”.

Cũng cần nói thêm rằng, chính những người trong cuộc khi mổ xẻ về DNTN đã thẳng thắn chỉ ra, đó là: Trình độ quản lý của khối này xem ra vẫn còn khá “xôi đỗ”. “Cái yếu của chúng ta chính là yếu trong năng lực quản lý ở cấp dưới. Càng thấp thì năng lực càng yếu, do vậy đội ngũ ở cấp thấp yếu, phương pháp quản lý mới thay cho phương thức thủ công và hành chính cũ được rất ít.

Bản thân nếu không thay đổi được phương thức quản lý thì sẽ không có được quản lý tốt vì quản lý của các nước có trình độ phát triển trung bình trở lên là họ đã điện tử hóa, nghĩa là sử dụng công nghệ thông tin chiếm đến gần 100%”- ông Đào Huy Giám chia sẻ.

Nói tóm lại, còn khá nhiều những bất cập cần tháo gỡ cả từ phía Nhà nước và từ phía DN để kinh tế tư nhân nói chung DNTN nói riêng có thể thực sự cất cánh. Và vì thế, cần sự nỗ lực từ tất cả các bên. Những vấn đề ấy, có lẽ cần được bàn sâu hơn, tìm cách gỡ những nút thắt để kinh tế tư nhân thực sự là động lực cho phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ rào cản cho kinh tế tư nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO