Gỡ rào cản để doanh nghiệp phát triển

Minh Phương 23/12/2019 05:50

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn trăn trở, tâm tư khi chia sẻ rằng, mặc dù môi trường kinh doanh có sáng hơn, song họ vẫn phải lo những mối lo về chi phí ngoài luồng, lo tiếp các đoàn kiểm tra giám sát, điều này đã kéo giảm năng lực cạnh tranh của nhóm doanh nghiệp này.

Gỡ rào cản để doanh nghiệp phát triển

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn cần những chính sách cởi mở để phát triển.

Số doanh nghiệp rời thương trường vẫn lớn

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cho biết, trong tháng 11/2019, cả nước có 12.265 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 139,9 nghìn tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong tháng đạt 11,4 tỉ đồng, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, cả nước còn có 3.326 DN quay trở lại hoạt động, giảm 54,1% so với tháng trước và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước…

Tính chung 11 tháng năm 2019, cả nước có 126,7 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,5 triệu tỉ đồng, tăng 4,5% về số DN, tăng 27,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Số DN thành lập mới tăng kèm theo đó số vốn đăng ký cũng tăng khá so với năm trước cho thấy, môi trường kinh doanh có những cải thiện rõ nét. Việc giảm thiểu các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh tại nhiều ngành, nhiều lĩnh vực giúp cho DN hoạt động một cách dễ dàng hơn, giảm bớt những gánh nặng đè nặng trên vai DN.

Mặc dù số DN thành lập mới trong 11 tháng đầu năm tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước, song nhìn vào số DN tuyên bố ngừng hoạt động, rời thương trường cũng không phải là con số nhỏ. Theo số liệu thống kê, trong 11 tháng năm nay, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 27,8 nghìn DN, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là lên tới trên 38 ngàn DN, tăng đến gần 40%.

Như vậy, số DN tuyên bố rời thương trường vẫn là con số không hề nhỏ, thậm chí có dấu hiệu tăng mạnh. Điều này cho thấy, vẫn còn những rào cản trong môi trường kinh doanh khiến cho các DN nhỏ và vừa khó có thể phát triển ổn định. Không ít DN vẫn phàn nàn về việc phải tiếp nhiều đoàn thanh kiểm tra mỗi năm, bên cạnh đó là các loại chi phí không chính thức vẫn làm khó DN. Đó còn chưa kể, để xin một giấy phép nhập khẩu một lô hàng, DN phải đi qua nhiều cửa và mất rất nhiều thời gian. Có khi xin được xong giấy phép thì mất cơ hội làm ăn với đối tác…

Chia sẻ về điều này tại một hội thảo liên quan đến môi trường kinh doanh, ông Trần Ngọc Liêm- Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM cho biết, cuộc điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), do VCCI và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thực hiện là câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao DN nhỏ và vừa thời gian qua chưa có sự phát triển mạnh mẽ? Theo ông Liêm, cuộc điều tra cho thấy DN nhỏ và vừa còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong tiếp cận nguồn lực cho quá trình hoạt động (như nắm bắt thông tin chính sách, pháp luật, tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai), gánh nặng về chi phí không chính thức, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thấp và chưa đúng đối tượng, gánh nặng về thủ tục hành chính cũng như thanh, kiểm tra của các cơ quan nhà nước địa phương đối với các DN lại càng lớn.

Cần cắt giảm điều kiện kinh doanh một cách thực chất

Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc cắt bỏ điều kiện kinh doanh của một số bộ, ngành chưa thực chất, nhiều nơi mới chỉ là “đơn giản hóa”. Thậm chí có một số điều kiện kinh doanh sau sửa đổi còn gây thêm khó khăn cho DN. Bà Nguyễn Minh Thảo- Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) cho biết, điều kiện kinh doanh vẫn là trở ngại đối với DN nhỏ và vừa. Ví dụ có những quy định như nhà xưởng bao nhiêu mét vuông, kê hàng cách bao nhiêu… đó là những quy định làm khó thêm cho DN. Theo vị chuyên gia, mặc dù các bộ, ngành đã cắt giảm bớt những điều kiện kinh doanh không cần thiết nhưng thực chất, nhiều điều kiện không phải là cắt giảm mà chuyển qua kiểm tra sau thông quan.

“Những vấn đề vẫn còn tồn tại trong môi trường kinh doanh hiện nay cần phải được tiếp tục gỡ bỏ”- đại diện VCCI nhấn mạnh. Hiện nay, mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nhưng vẫn có tới 18% DN cho biết, họ vẫn phải chờ mất hơn một tháng mới được giải quyết các thủ tục liên quan đến sản xuất, kinh doanh và tình trạng này đang có xu hướng tăng những năm gần đây. Đó còn chưa kể, những chi phí không chính thức vẫn còn tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực.

Để cộng đồng DN có thể yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh,một phần rất quan trọng nằm ở vai trò của nhà quản lý. Nói như Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, ông Hồ Sỹ Hùng, mức độ năng động của khu vực DN phụ thuộc vào chất lượng môi trường pháp quy. Nếu có các quy định thực sự có chất lượng, hiệu quả, giúp DN tiết kiệm chi phí và tham gia thị trường một cách công bằng, góp phần cắt giảm chi phí giao dịch, bảo vệ nhà đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh công bằng thì những quy định đó chắc chắn sẽ thúc đẩy DN phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ rào cản để doanh nghiệp phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO