Gỡ vướng cho dự án BT

Lê Anh 17/08/2020 06:03

Thời gian qua, nhiều nơi sử dụng tài sản công, quỹ đất, trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT (hợp đồng - xây dựng - chuyển giao) bị “tuýt còi”, “đóng băng”.

Dự án không được triển khai gây thiệt hại cho nhiều bên.

Để tháo gỡ rất cần có chính sách để vừa đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, vừa không làm thất thoát quỹ đất công.

Theo tổng hợp báo cáo của Kiểm toán Nhà nước tại 28 dự án BT ở các địa phương, riêng năm 2019 đã phát hiện hơn 5.058 tỷ đồng bị sử dụng sai so với các quy định của pháp luật.

Lỗ hổng gây thất thoát ngân sách

Hầu hết các sai phạm từ các hợp đồng BT do phát sinh ở cơ chế chỉ định thầu, thậm chí là chỉ định nhà đầu tư. Ở không ít dự án, nhà đầu tự đề xuất đưa vào danh mục chuyển đổi từ hình thức đầu tư sử dụng vốn ngân sách sang hình thức hợp tác công - tư (PPP). Do đó, quy trình lấy ý kiến các bộ ngành và quá trình thẩm định sau đó không được thực hiện nghiêm túc, bỏ lọt nhiều khâu, dẫn tới lách luật và sai phạm quy định pháp luật.

Các sai phạm đối với dự án theo hình thức đầu tư BT diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương. Riêng tại TP HCM, giai đoạn 2015-2017, thống kê các dự án BT đã huy động được gần 20.340 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để đầu tư các công trình hạ tầng, cầu, đường, môi trường nước, nhà ở tái định cư, trụ sở làm việc,…Tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, nhiều dự án BT, thậm chí lên tới hàng trăm dự án đang còn triển khai dang dở hoặc đã hoàn thành phần xây dựng nhưng vẫn chưa thanh toán phần đối ứng.

Trước tình trạng trên, từ đầu tháng 8 năm nay UBND TP HCM đã tiến hành rà soát các dự án PPP, trong đó bao gồm cả các dự án BT đang được triển khai trên địa bàn để có sự đánh giá chính xác về thực trạng bất cập đang diễn ra.

Theo kết quả bước đầu tại 22 dự án đầu tư theo phương thức PPP, với tổng vốn đầu tư 64.244 tỷ đồng. Ngoài ra, đang thực hiện các thủ tục đầu tư 166 dự án PPP với tổng vốn đầu tư 324.770 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư tại 293 dự án PPP, với tổng vốn đầu tư 910.426 tỷ đồng.

Dự án BT bị tạm dừng gây thiệt hại lớn.

Tái khởi động khi đủ điều kiện

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, trên địa bàn TP HCM có hàng trăm các dự án đầu tư theo hình thức BT. Các chủ đầu tư đã được ký kết trước thời điểm 1/1/2018 dù đã hoàn thành xây dựng, được nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán, với lý do chờ hướng dẫn thực hiện.

Thời gian qua, nhiều DN gặp nhiều khó khăn rất lớn, đã “kêu cứu” do bị thiệt hại vì bị chôn vốn vào dự án, phát sinh lãi ngân hàng và các chi phí quản lý. Vì vậy, trong văn bản số 79 ngày 8/8 gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND TP HCM, HoREA đề xuất một số cơ chế chính sách để tái khởi động lại các dự án theo hình thức BT, trên cơ sở vừa đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, vừa không làm thất thoát quỹ đất công.

Theo HoREA, Chính phủ và các địa phương cần sớm thực hiện rà soát để hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, bịt kín các lỗ hổng, để đủ điều kiện khởi động lại phương thức đầu tư dự án theo hình thức BT. Trước hết là giải quyết thanh toán quỹ đất hoàn vốn cho các dự án thực hiện theo Hợp đồng BT được ký trước ngày 1/1/2018.

Trong văn bản gửi Chính phủ và UBND TP HCM, HoREA cũng đề xuất giải pháp không sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc để thanh toán cho dự án BT do nhận thấy tiềm ẩn nguy cơ làm thất thoát ngân sách nhà nước và khó đảm bảo nguyên tắc ngang giá.

Để không bị trục lợi từ các dự án BT, giải pháp được đề xuất là cần nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất công đã giải phóng mặt bằng.

Theo đó, nên sử dụng quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng để thanh toán dự án BT, cùng với điều kiện nhà đầu tư thực hiện ứng trước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, số tiền này cũng phải được tính vào giá trị của hợp đồng BT mà không tính chi phí lãi vay huy động vốn vào dự án BT.

Đối với đấu giá dự án BT để đảm bảo công khai, trung thực và loại trừ được tình trạng “đấu giá quân xanh quân đỏ”, HoREA kiến nghị thực hiện phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Từ đó, vừa tạo được nguồn thu tối đa cho ngân sách nhà nước, vừa ngăn chặn được tình trạng thất thoát tài sản công là quỹ đất, trụ sở làm việc của các dự án BT.

Thời gian qua do ách tắc của nhiều dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, đã khiến thị trường bất động sản “đóng băng”, kéo theo hàng trăm ngành nghề liên quan bị ảnh hưởng, cùng hàng ngàn lao động bị thất nghiệp và mất việc làm. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư nước ngoài khi nhận công trình xã hội hóa đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bằng hình thức hợp đồng BT, được thanh toán đối ứng bằng các quỹ đất, nhưng sau đó không thực hiện dự án mà chuyển nhượng lại các khu đất để kiếm lời, dẫn đến thiệt hại cho khách hàng.

Ngoài ra, nhiều dự án chỉnh trang, tái thiết đô thị, Nhà nước thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho nhà đầu tư theo hình thức chỉ định. Tuy nhiên, sau đó đã chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác để trục lợi, gây thiệt hại cho chính ngân sách nhà nước đã chi trả.

Từ thực trạng trên, việc tháo gỡ cho phép thí điểm giao thẩm quyền cho các địa phương được tái khởi động các dự án BT là hết sức quan trọng, trong đó các bộ ngành Trung ương đóng vai trò tham gia vào công tác hậu kiểm để đảm bảo tính minh bạch, công khai, ngăn chặn “lỗ hổng” dẫn đến việc trục lợi từ các dự án BT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ vướng cho dự án BT

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO