Gỡ vướng cho ngư dân

Văn Nhất 10/09/2016 07:10

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa các ngân hàng sẽ kết thúc giải ngân vốn vay cho các chủ tàu đăng ký tham gia theo Nghị định 67/NĐ-CP (Nghị định 67). Nhưng tại nhiều địa phương, danh sách được phê duyệt cũng như số tàu được đóng mới ít, trong đó có tỉnh Khánh Hòa. Làm gì để tháo gỡ vướng mắc đó?

Gỡ vướng cho ngư dân

Ông Nguyễn Tơn: Các điều kiện để đóng mới một chiếc tàu tôi đều đáp ứng đầy đủ,
nhưng đến làm việc tại các cơ quan chức năng cũng như ngân hàng họ lại nói tôi già và không cho vay.

Chưa như kỳ vọng

Nghị định 67 của Chính phủ về “Một số chính sách phát triển thủy sản” có hiệu lực từ ngày 25/8/2014 với mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thay đổi phương thức tổ chức sản xuất trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thế nhưng, sau hơn 2 năm triển khai, Nghị định chưa được triển khai đầy đủ, tại các địa phương còn áp dụng theo kiểu “làng”, khiến ngư dân nản lòng.

Là một trong những tỉnh có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu so với nhiều địa phương khác trong cả nước, theo kế hoạch, đến 31/12/2016 tỉnh Khánh Hòa sẽ đóng mới 175 tàu, trong đó, có 15 tàu dịch vụ hậu cần từ nguồn vốn theo Nghị định 67.

Nhưng đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ có 5 tàu cá đóng mới và 2 tàu cá nâng cấp đã đi vào hoạt động, đang triển khai đóng mới 5 tàu vỏ vật liệu mới, đã ký hợp đồng tín dụng 4 tàu, đơn vị thẩm định giá do ngân hàng chỉ định đang thẩm định giá 4 tàu, đang lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật 4 tàu, số còn lại chủ tàu đang cân nhắc để triển khai.

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của tỉnh Khánh Hòa, tính đến thời điểm ngày 31-8-2016, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt danh sách 45 chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán với tổng nhu cầu vốn vay là 408 tỷ đồng trong đó: đóng mới là 33 tàu (6 tàu vỏ sắt, 23 tàu vỏ vật liệu mới, 4 tàu vỏ gỗ) và nâng cấp 12 tàu.

Số chủ tàu tiếp cận ngân hàng để vay vốn đóng mới, nâng cấp không được các ngân hàng thương mại cho vay và đã trả hồ sơ là 57 tàu. Tổng số tiền ngân hàng đã giải ngân là 37,47 tỷ đồng, trong đó 33,94 tỷ đồng/5 tàu đóng mới; 1,83 tỷ đồng/2 tàu nâng cấp; 1,7 tỷ đồng/2 tàu vay vốn lưu động.

Bên cạnh đó, cũng tính đến thời điểm 31-8-2016, toàn tỉnh cũng chỉ có 347 tàu tham gia mua bảo hiểm thân tàu với số tiền 4,2 tỷ đồng và 2.196 thuyền viên được mua bảo hiểm với số tiền 658 triệu đồng theo chính sách bảo hiểm của Nghị định 67.

“Lệ làng” khiến ngư dân bức xúc

Trong quá trình triển khai Nghị định 67 tỉnh Khánh Hòa, một số cơ quan, ngân hàng đã có những quy định riêng làm phát sinh khó khăn, gây cản trở cho ngư dân.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Tơn (xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang) cho biết: Khi nghe Nghị định 67 ra đời, ngư dân rất vui mừng. Tuy đã 73 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, nên tôi đã làm hồ sơ để vay vốn đóng tàu.

Các điều kiện để đóng mới một chiếc tàu tôi đều đáp ứng đầy đủ, nhưng đến làm việc tại các cơ quan chức năng cũng như ngân hàng họ lại nói tôi già và không cho vay.

Trong quy định của Nghị định 67 làm gì có quy định nào nói người già không được vay vốn. Tôi vay vốn đóng mới tàu để con cháu tôi đi làm, tôi cam đoan sẽ trả đúng theo quy định nhưng họ không cho.

Theo ông Lê Tấn Bản- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa thì ông Tơn năm nay đã 73 tuổi nếu vay vốn đóng tàu đến 11 năm thì lúc đó ông đã 83 tuổi nên các đơn vị sợ ông …(ý nói sợ ông chết) sẽ trục trặc trong công tác thu hồi nợ.

Còn vợ của ngư dân Phạm Minh Thái (trú tại Cam Ranh) cũng bức xúc chia sẻ: “Hồ sơ vay vốn của gia đình tôi đã được phê duyệt từ năm 2015 nhưng khi đến làm việc tại Ngân hàng BIDV thì họ không chịu, họ bảo tôi phải thế chấp con tàu cũ đang sử dụng nhưng tôi nói là gia đình đủ vốn đối ứng để vay vốn.

Trong khi đó, nếu đóng thêm tàu mới chúng tôi sẽ không khó khăn trong việc tìm thêm bạn (thuyền viên đi cùng) đi tàu cũ, cũng như khó quản lý cả hai tàu nên tôi muốn bán con tàu cũ đi để dồn toàn lực cho con tàu mới sẽ hiệu quả hơn nhưng ngân hàng họ trả hồ sơ, không chịu cho vay.

Tôi đủ tiền đối ứng mà, tiền gửi trong Ngân hàng tôi vẫn còn và nếu bán thêm con tàu cũ tôi thừa tiền làm vốn đối ứng thế nhưng họ ràng buộc vậy đó”- vợ ngư dân Thái bức xúc cho biết thêm.

Trong khi đó, ngày 3/6/2016 khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn số 4084/NHNN-TD trong đó có chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục thẩm định, ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân cho vay đốivới các chủ tàu đóng mới, nâng cấp theo quy định tại Nghị định 67.

Tuy nhiên, thực tế một số trường hợp đã được UBND tỉnh phê duyệt (ví dụ: Trần Văn Mây, Trần Văn Em) khi đăng ký vay vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Khánh Hòa bị từ chối cho vay với lý do tình đến ngày 31/12/2016 thì không đủ thời gian để triển khai đóng tàu.

Còn một số hồ sơ, hợp đồng tín dụng ngân hàng buộc ngư dân phải có thế chấp tài sản nhà đất gây khó khăn cho chủ tàu (ví dụ như chủ tàu Nguyễn Tèo), ảnh hưởng đến nhiều chủ tàu khác khi tiếp cận chính sách.

Cũng tại buổi đối thoại, khi đại diện Công ty bảo hiểm Bảo Minh Khánh Hòa cho rằng ngư dân rất ít mua bảo hiểm cho tàu cá và các thuyền viên, thậm chí mua để đối phó, trong khi đó bảo hiểm đã được hỗ trợ từ 70-90% nhưng chỉ có 1-3 đến 1-2 các chủ tàu mua.

Đáp trả lại ý kiến của đại diện Công ty Bảo Minh, nhiều ngư dân bức xúc nói: khi mua thì phía Công ty bảo hiểm chỉ biết thu tiền còn khi ngư dân, tàu thuyền có vấn đề gì thì thường các công ty hay trốn tránh trách nhiệm, thậm chí đôi lúc áp cho người dân 1 số tiền ít ỏi gọi là bảo hiểm còn lấy hay không là tùy ngư dân, nhiều ngư dân khi bị sự cố thì dài cổ ra chờ ngày nhận tiền bảo hiểm.

Tích cực giải ngân vốn vay

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Đào Công Thiên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; Trưởng Ban chỉ đạo Nghị định 67 tỉnh này đã chỉ đạo cho Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh phải rà soát lại khó khăn, vướng mắc khi triển khai Nghị định 67 ở khâu nào; đồng thời từ nay đến cuối năm không được dừng lại, các hồ sơ đủ điều kiện thì tiếp tục triển khai cho vay, giải ngân vốn ngay, những trường hợp đã đủ điều kiện thì cho vay ngay.

Riêng với trường hợp của ông Tơn, không có tuổi tác gì hết, họ có vốn đối ứng, đủ thủ tục, có phương án trả nợ là cho vay không có quy định nào quy định tuổi tác thì cho vay ngay.

Cán bộ ngân hàng nào, cơ quan tín dụng nào kêu thế chấp là không được, nếu chủ đầu tư nào tự nguyện thế chấp thì được ưu tiên số 1, còn không thì không được ép ngư dân thế chấp khi ngư dân đã đủ điều kiện về vốn đối ứng.

Về vấn đề cải hoán tàu cá và ngư lưới cụ thì tùy theo trường hợp để áp dụng, khi cảm thấy ngư dân vay vốn cải hoán thấy khả thi thì cho vay, vì cải hoán để nâng cấp máy, tàu nhằm hoạt động tốt hơn, nhưng những trường hợp lưới cụ phải tùy trường hợp cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ vướng cho ngư dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO