Ai chịu trách nhiệm?

Nam Việt 09/06/2017 10:35

Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản giúp ngư dân thực hiện giấc mơ đóng tàu lớn vươn khơi bám biển dài ngày được xã hội hoan nghênh. Và cũng chính vì thế, khi những chiếc tàu vỏ thép mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng, nằm bờ đã khiến dư luận bức xúc. Phải chăng những cơ sở đóng tàu “qua cầu rút ván” đẩy ngư dân vào chỗ nợ nần. Và trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm đến đâu trong cái họa ấy.

Những con tàu vỏ thép nằm bờ ở Bình Định.

Trước bức xúc của những ngư dân vay vốn đóng tàu lớn, chưa khai thác được bao lâu đã hỏng, trong khi từng ngày họ phải lo mối nợ ngân hàng; ngày 23/5, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc kiểm tra, làm rõ các vấn đề liên quan đến chất lượng tàu vỏ thép đóng theo NĐ 67 kém chất lượng tại một số địa phương.

Một động thái khác từ Bộ NNPTNT là việc Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan rà soát, xác định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị trong sự việc này; trong đó đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm thuộc Tổng cục Thủy sản. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu 27 tỉnh, thành ven biển cả nước tổng rà soát tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 để xử lý bất cập.

Không đau lòng sao được, không lo lắng sao được khi những con tàu lớn lênh đênh trên sóng nước đại dương lại không bảo đảm chất lượng, từ thân tàu cho đến máy móc. Người dân đi biển đối mặt với sóng to gió lớn, lại canh cánh nỗi lo tàu hỏng. Khó khăn chồng chất khó khăn. Đã thế, cho dù Nhà nước đã rất ưu đãi về lãi suất vay, về thời gian trả nợ ngân hàng..., nhưng nói gì thì nói đã vay thì phải trả, nhưng tàu nằm bờ, không ra khơi đánh bắt được. Không có thu hoạch thì lấy đâu ra tiền để sống chứ nói gì đến trả lãi ngân hàng. Ai từng phải đi vay tiền đều luôn mang nặng cảm giác nặng nề, bồn chồn mất ăn mất ngủ khi sắp đến ngày “nợ đòi”. Các cụ xưa từng nói “Thứ nhất vợ dại trong nhà/ Thứ nhì nhà dột, thứ ba nợ đòi”. Nợ nần dẫn đến lãi mẹ đẻ lại con, mối lo khôn xiết.

Chưa kịp mừng với những hộ ngư dân được vay vốn ưu đãi đóng tàu vỏ thép, đã lại buồn thay cho họ vì tàu hư hỏng. Công cụ kiếm sống tệ như vậy thì họ xoay sở cách nào. Rất may là nỗi đau ấy của ngư dân đã thấu đến Thủ tướng và ông đã lập tức chỉ đạo làm rõ vụ việc. Từ đó, các bộ ngành, địa phương liên quan chuyển động, gánh nặng đè lên vai ngư dân phần nào vơi bớt.

Bây giờ là phải xem những đơn vị đóng tàu làm ăn gian dối giải trình thế nào; cơ quan đăng kiểm giải trình thế nào và họ sẽ bị xử lý ra sao. Cùng đó, những chủ tàu cá vỏ sắt bỗng dưng gặp họa sẽ được đền bù ra sao, giãn nợ thế nào.

Cùng với việc chia sẻ khó khăn với ngư dân, dư luận rất trông chờ vào phán quyết của cơ quan chức năng trước những việc làm sai trái (nếu có) của những đơn vị được giao đóng tàu. Còn nhớ, tại buổi làm việc ngày 10/5 do UBND tỉnh Bình Định tổ chức, lãnh đạo Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thừa nhận đã sử dụng tôn (thép) Trung Quốc đóng tàu thay vì phải đóng bằng thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản như hợp đồng. Cho dù đại diện Công ty này cho rằng loại thép thay thế tốt tương đương thép Hàn Quốc, nhưng vì sao mới 1 năm sử dụng tàu đã bị rỉ sét?

Thêm nữa, người ta đã phát hiện một số tàu vỏ thép bị đơn vị đóng tàu tráo đổi bóng đèn 2.000 W (thay cho bóng 3.000 W) theo hợp đồng ký kết. Tại tỉnh này, có tới 18 tàu vỏ thép bị hư hỏng, trong đó có 13 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng, còn lại do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng. Được biết, đến nay, các ngân hàng ở Bình Định đã ký 57 hợp đồng tín dụng với tổng số tiền cho vay hơn 874 tỉ đồng; giải ngân 55 hợp đồng, số tiền 805 tỉ đồng, 37 tàu vỏ thép đã đi vào hoạt động. Nhưng hiện đã có 11 khách hàng đã không trả nợ đúng kỳ hạn.

Trả sao nổi khi mà số tiền vay lên tới chục tỷ đồng, trong khi tàu lại nằm bờ, không thể ra khơi đánh bắt cá.

Trách nhiệm của đơn vị “giành” được hợp đồng đóng tàu là trước tiên và lớn nhất. Nhưng cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm- là nơi được giao nghiệm thu, cho phép tàu đi vào sử dụng hay không sử dụng. Chẳng lẽ cơ quan này không biết nhiều chi tiết trong hợp đồng ban đầu đã bị thay đổi? Chẳng lẽ họ không biết vật liệu, máy móc giá rẻ thì không thể tốt bằng giá đắt? Và, cùng với đơn vị đóng tàu, chẳng lẽ họ không biết rằng với những con tàu chất lượng kém sẽ mang lại mối nguy hiểm cỡ nào cho người cô đơn trên biển khơi giữa mênh mông sóng dồi bão dập?

Nếu như có cái “bắt tay” giữa đơn vị đóng tàu và cơ quan đăng kiểm thì thật là tai họa.

Vì thế, cùng với việc có chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn lớn đóng tàu vỏ thép không ngờ gặp họa, thì trước hết phải làm rõ trách nhiệm của nơi đóng tàu và nơi kiểm định đến đâu. Bởi không thể để một chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước bị trục lợi, bị phá hỏng. Và cũng không thể để những ngư dân bám biển phải gánh trên vai gánh nợ ngân hàng chỉ vì họ đi đầu tham gia chủ trương tốt đẹp ấy.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác nhằm phát triển thủy sản. Trong đó đáng chú ý: Nếu đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm. Nếu đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Thời hạn cho vay: 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, ngân sách nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai chịu trách nhiệm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO