Ám ảnh đuối nước

Vi Cầm 23/03/2019 09:00

Từ đầu năm đến nay, có không ít những vụ việc trẻ em, học sinh đuối nước rất thương tâm. Mới đây nhất vụ việc 8 em học sinh từ tiểu học đến THCS tại tỉnh Hòa Bình bị đuối nước, thêm một lần nữa hồi chuông báo động về việc “hổng” kỹ năng bơi lội ở trẻ nhỏ, nhất là ở vùng nông thôn, hoặc nơi gần sông nước - lại được gióng lên.

Và bài học từ cuộc sống đối với nạn đuối nước chính là hãy tự trang bị kỹ năng để cứu mình và cứu người, không bao giờ được chủ quan trước khi quá muộn.

Ám ảnh đuối nước

Dạy bơi cho trẻ là điều cần thiết.

Tôi - một trẻ em sinh ra ở nông thôn, biết bơi từ khi còn là học sinh tiểu học. Học bơi với những đứa trẻ nhà quê khi ấy không có gì là quá khó, nó gắn liền với công việc đồng áng, chăn trâu, cắt cỏ, tham gia cùng người lớn lao động hàng ngày. Biết bơi khi ấy thực sự chỉ là một kỹ năng sống rất giản đơn.

Nhưng sau này lập nghiệp ở chốn thị thành, mới thấy việc học bơi với trẻ em đô thị thực sự là một mơ ước. Chúng phải đến các Trung tâm thể dục của quận hoặc của thành phố. Mà đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện kẽo kẹt đưa đón con đi bơi lội hàng ngày. Nhiều năm trở lại đây, các Trung tâm thể dục thể thao cũng được xây dựng nhiều hơn ở các khu đô thị mới, nhưng rõ ràng giá vé bơi tháng từ 2 triệu đồng trở lên/người, hoặc giá vé vào cửa 100.000 đồng/lượt/người - không dành cho những gia đình có mức thu nhập bình dân.

Những thống kê từ các địa phương, từ Bộ LĐTBXH cho thấy, tỉ lệ đuối nước ở trẻ em Việt Nam hàng năm đang cao gấp nhiều lần các nước đang phát triển. Trong khi Việt Nam là một đất nước có hệ thống sông suối nhiều, có đường bờ biển dài, thì tỉ lệ thống kê ấy nghe thật là nghịch lý.

Chương trình phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em cũng đã được triển khai trong môi trường học đường. Nhưng giờ đây có vô vàn những cái khó được chỉ ra như có nơi thiếu quỹ đất xây bể bơi; trường học có quỹ đất để xây bể bơi thì lại không có kinh phí vận hành, không có giáo viên dạy bơi chuyên nghiệp… Thành thử việc dạy và học bơi trong nhà trường phổ thông lâu nay mới chỉ là một phong trào mạnh đâu nấy làm, chưa - thậm chí rất khó để trở thành một môn học bắt buộc. Trong vô vàn cái khó ấy, đã có những đề xuất xã hội hóa việc dạy bơi cho trẻ em, huy động sự tham gia từ cộng đồng.

Lâu nay, nguyên nhân của tai nạn đuối nước được chỉ ra cũng do sự bất cẩn của người lớn. Do đó, việc dạy bơi cho trẻ em cũng cần gắn liền với trách nhiệm của cộng đồng. Ngẫm cho cùng đó cũng là điều có lý, bởi cũng không thể khăng khăng đổ lỗi “con tôi không biết bơi” cho nhà trường được. Làm một cuộc khảo sát nhỏ ở nhiều làng quê hôm nay, những đứa trẻ sinh quãng năm 2000 về sau này cho biết chúng không còn dám bơi ở ao hồ, sông suối quê nhà, bởi đa phần mặt nước đều ô nhiễm từ thuốc trừ sâu, từ rác thải chăn nuôi, nước thải công nghiệp của những nhà máy gần đó…Vậy thì trẻ em không biết bơi là lỗi tại ai? Câu hỏi này không dễ tìm lời đáp.

Minh chứng từ những vụ đuối nước của cả người lớn vè trẻ em cho thấy, không hẳn khi biết bơi thì không bị chết đuối. Nguyên nhân khách quan do nước lớn, sông sâu, sóng cả…Còn nguyên nhân chủ quan có lẽ một phần do con người ta khi ấy rơi vào trạng thái hoảng loạn tinh thần. Nếu có một đám đông, người nọ bấu víu lấy người kia khiến cho sự hoảng loạn tập thể gia tăng gấp bội. Vì thế, ngay cả với những người biết bơi cũng không nên có tâm lý chủ quan, bởi trước miệng “Hà bá”, mỗi người bỗng trở nên thật nhỏ bé… Điều cốt yếu vẫn là trang bị kỹ năng sống và kỹ năng ứng phó trong những tình huống nguy cấp - yêu cầu này cần thiết và bắt buộc với cả người lớn và trẻ em.

Việc đẩy mạnh giáo dục thể chất- nhìn ở góc độ học đường hôm nay có lẽ không chỉ có thể dục giữa giờ mà còn là việc tăng cường sức khỏe cho học sinh trong môi trường học đường. Trước vô vàn những cái khó, cần có sự linh hoạt để tận dụng tối đa các điều kiện của nhà trường, địa phương để tổ chức dạy và học giáo dục thể chất. Chẳng hạn như trường nào có điều kiện về dạy bơi thì học sinh sẽ có nhiều thời lượng hơn trong việc học bơi…Và rõ ràng chỉ khi nào công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học trở thành nhu cầu tự thân thì khi đó mới tạo ra động lực thiết thực cho người dạy - người học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ám ảnh đuối nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO