Bài học lòng dân

Hoàng Mai 05/09/2016 09:05

Trong bài viết nhân dịp 71 năm Quốc khánh, sau khi nhắc lại lịch sử của dân tộc trong những năm dựng nước và giữ nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, trọng nhân nghĩa, khoan dung, đùm bọc yêu thương nhau đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi người con đất Việt, trở thành lẽ sống, chất kết dính gắn bó các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Cha ông ta từ xa xưa đã có những đúc kết chí lí: Có dân là có tất cả; An dân bền vững thì cơ đồ sự nghiệp muôn thuở thái bình; Việc cương thường muôn thuở là ở lòng dân. Có dân, có niềm tin của dân là có sức mạnh dời non lấp bể. Ấy cũng là bởi, tiền nhân nhận thức sâu sắc rằng “trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân” và “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.

Trở lại với mùa Xuân năm 1941, khi Hồ Chủ tịch trở về đất nước sau nhiều năm bôn ba, làm cách mạng nơi đất khách quê người, trong rừng sâu của huyện Hà Quảng (Cao Bằng), khi trả lời người học trò xuất sắc của mình: Chúng ta bắt đầu từ đâu? Người đã trả lời: Bắt đầu từ dân, có dân sẽ có tất cả. Để rồi, luồn sâu vào trong lòng địch, các phong trào vận động quần chúng nhân dân diễn ra khắp nơi; sau này đã trở thành cội nguồn sức mạnh làm nên những cuộc cách mạng long trời lở đất khắp Bắc – Trung - Nam; những cuộc cách mạng đã làm nên lịch sử của một nước Việt Nam mới- Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Nói về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chính lòng dân đã tạo nên sức dân để làm nên kỳ tích có một không hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dưới ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh. Không có lòng dân, không có sức dân làm sao chưa đầy 5.000 đảng viên cộng sản, hạt nhân lãnh đạo của cuộc cách mạng ấy có thể làm nên chiến thắng vang dội khắp năm châu bốn bể. Và nó còn là tinh thần, sự cổ vũ của cách mạng Việt Nam trong những bước đường về sau.

Có lẽ bài học về lòng dân và sức dân sẽ là bài học quý báu nhất mà Đảng ta có và sẽ được ghi lại mãi trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam như một bài học cho các thế hệ mai sau. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác dân vận hồi cuối tháng 5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: Chúng ta đều biết, tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử. “Ngay từ thế kỷ XV, bằng vào thực tế của nhiều triều đại phong kiến, Nguyễn Trãi đã đi đến những nhận định rất quan trọng: vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn đều sẽ bị thất bại. Theo ông, sở dĩ triều Hậu Trần suy vong là do các vua quan Hậu Trần không thực hiện đúng chính sách “thân dân”, “làm kế sâu rễ bền gốc”; họ chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ “mặc dân khốn khổ”, “muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh”. Còn Hồ Quý Ly bị thất bại nhanh chóng, cơ đồ tan vỡ, nước mất vào tay giặc cũng chỉ vì chính quyền nhà Hồ quá xa rời nhân dân, vì “chính sự phiền hà, để đến nỗi lòng dân oán giận”. Nguyễn Trãi rút ra kết luận thật sâu sắc: Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước; nước có thể “chở thuyền”, nhưng nước cũng có thể “lật thuyền”- trích lại lịch sử dân tộc, Tổng Bí thư đã chỉ ra những bài học quý giá của sức mạnh “chở thuyền” và “lật thuyền” của lòng dân.

Cũng dẫn lại những bài học lịch sử quý giá ấy, trong bài viết mới đây của mình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh về truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta bất luận trong hoàn cảnh nào, đã kết thành sức mạnh vô địch, đưa dân tộc ta vượt lên mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang. Và, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh đến những thách thức có thể làm xói mòn “thế trận lòng dân” khi vẫn còn bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là giữa đảng viên và nhân dân; rồi sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… như một thách thức của sự gắn kết, đoàn kết dân tộc.

Thực tế ấy là có, thách thức ấy là hiện hữu và chỉ khi Đảng ta và các đảng viên của Đảng thật sự thấm nhuần tư tưởng “gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”, gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, thực sự là công bộc của nhân dân thì mới góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. “Sức mạnh của Đảng chính là mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Do vậy, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải hợp với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân, phải làm cho nhân dân hiểu, thấm nhuần, biến thành ý chí và hành động của toàn dân và đi vào cuộc sống”- Chủ tịch nước đã nhấn mạnh trong bài viết.

Từ những dẫn chiếu của lịch sử cho đến ngày hôm nay, có thể thấy rõ, bài học lòng dân luôn là bài học quan trọng nhất, đáng ghi nhớ nhất của bất cứ một Nhà nước nào. Bài học ấy cũng sẽ là bài học quý đối với mỗi đảng viên, mỗi cán bộ trong hệ thống chính trị; và đó như là một phương cách của người lãnh đạo trong bất cứ hoàn cảnh nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài học lòng dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO