Bài học nhãn tiền

Minh Phương 24/05/2016 14:05

Cách đây khoảng hai tuần, khi phía Trung Quốc đóng cửa không cho nhập khẩu lợn thương phẩm vào thị trường nước họ, ngay lập tức từng đoàn xe chở lợn quay đầu và người chăn nuôi, chủ các trang trại tái mặt nháo nhác. Lúc đó, cơ quan chức năng và nhà quản lý ở ta cũng còn đang ngỡ ngàng để nghiên cứu và đưa ra định hướng, giải pháp thì may là sau đó ít ngày, họ lại cho nhập khẩu trở lại. Tuy nhiên, đã có quá nhiều bài học về sự thiếu chủ động và chạy theo phong trào trong làm ăn.

Ảnh minh họa.

Theo phản ảnh của một chủ trang trại lợn ở xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, giá lợn xuất sang Trung Quốc từ đầu năm đến nay tăng đáng kể, từ 60.000- 66.000 đồng/kg, trong khi trước đó, giá chỉ ở mức 45.000-50.000 đồng/kg. Với việc giá thịt lợn tăng cao, nhiều trang trại bắt đầu đổ xô nuôi lợn.

Ở nhiều địa phương trên cả nước, người ta chứng kiến cảnh bà con nông dân đua nhau mở rộng trang trại, quy mô nhỏ thành vừa, quy mô vừa thành lớn. Không chỉ nông dân, mà nhiều DN cũng đầu tư vào lợn. Thậm chí, ngay cả những doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm giờ đây cũng chuyển sang để chăn nuôi lợn.

Cũng dễ hiểu, lâu nay, bà con nông dân vẫn thường bị ảnh hưởng bởi “tâm lý phong trào”. Thấy mặt hàng gì tăng giá là y như rằng quay sang đầu tư sản xuất mặt hàng đó. Thế nên mới có tình trạng “chặt trồng, trồng chặt” để rồi khi bên ngoài ngừng thu mua, người ta lại chứng kiến cảnh hàng tấn nông sản bị ùn tắc tại cửa khẩu, cho cũng không đắt.

Quay trở lại với thực tế hiện nay, ngay tại thời điểm này đây, giá lợn xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc vẫn luôn trên mức 15-20% so với thịt lợn tiêu thụ ở thị trường trong nước. Và điều này buộc dư luận xã hội phải đặt câu hỏi: Liệu tình trạng thu mua lợn ồ ạt của Trung Quốc như vừa rồi có đẩy bà con nông dân Việt Nam vào thảm cảnh ùn tắc nông sản như đã từng xảy ra đối với dưa hấu, xoài, thanh long, hành tím… hay không?

Những bài học liên quan đến tình trạng “được mùa rớt giá” nông sản vẫn còn đang rất nóng. Trong khi đó, Bộ Công thương mới đây cũng đã phát đi cảnh báo rằng: Theo danh sách các quốc gia, khu vực đáp ứng yêu cầu và được cấp phép xuất khẩu sản phẩm thịt (bao gồm thịt lợn) sang Trung Quốc do Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc công bố ngày 29/4/2016, Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách này.

Chính điều này buộc chúng ta phải đặt câu hỏi: Tại sao Trung Quốc vẫn thu mua thịt lợn của Việt Nam với giá cao đến vậy? Và chắc chắn, những hoạt động xuất khẩu lợn hơi từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, đường mòn lối mở biên giới đất liền sẽ ẩn chứa rất nhiều rủi ro khó lường.

Trước việc tăng đàn lợn ồ ạt hiện nay tại các địa phương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)- ông Nguyễn Văn Trọng đã phải đưa ra khuyến cáo rằng, việc phát triển đàn lợn trong nước ồ ạt khi giá lợn tăng cao là tất yếu và sẽ dẫn đến thời điểm cung vượt cầu trong thời gian 5 - 6 tháng sau.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, một chuyên gia ngành nông nghiệp đã đặt nghi vấn rằng: Động thái thu mua thịt lợn với số lượng lớn của Trung Quốc, có thể nguyên nhân do Trung Quốc vừa ban hành Luật về môi trường, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị dẹp bỏ dẫn tới tình trạng khan hiếm cung, ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt trong mùa đông vừa qua ở Trung Quốc cũng khiến cho nguồn cung thịt lợn giảm trầm trọng…

Song, đây cũng chỉ là suy đoán vì thực tế, Trung Quốc đã thu mua rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam và khi ngừng thu mua thì bà con nông dân điêu đứng. Bởi vậy, vị chuyên gia này cũng cảnh báo rằng, hãy lấy những bài học về thực trạng ùn ứ, dư thừa nông sản mà chúng ta đã từng “nếm trải” để chủ động hơn trong việc sản xuất, chăn nuôi. Việc tiếp tục chạy theo giá để cung ứng ồ ạt một sản phẩm nào đó ra thị trường tất yếu sẽ có những kết cục không như ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài học nhãn tiền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO