Bài học trách nhiệm

Kiên Long 03/12/2016 08:56

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công khai thông báo thi hành kỷ luật và đề nghị kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh. Hàng loạt cán bộ từ Vụ trưởng, Thứ trưởng cho đến Bí thư Tỉnh ủy, cựu phó Ban Tổ chức Trung ương, từ người đương chức cho đến về hưu đều phải chịu trách nhiệm.

Bài học trách nhiệm

Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 8.

Đây là một bài học lớn cho mọi tổ chức, cá nhân của Đảng, chính quyền các cấp, đồng thời thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, quyết tâm cho sự đổi mới, làm trong sạch đội ngũ, nâng cao sự lãnh đạo, tính chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.

Công tác cán bộ là vấn đề cực kỳ quan trọng. Từ những ngày đầu Cách mạng cho đến quá trình xây dựng CNXH, xây dựng đất nước, từ trong truyền thống cho đến ngày nay, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cán bộ lãnh đạo luôn luôn được đặt ra.

Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt quan tâm đến chất lượng cán bộ, công tác cán bộ. Ngay từ khi thành lập nước, ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết đăng trên trang nhất Báo Cứu Quốc (tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết ngày nay) thông báo “Tìm người tài, đức” trong đó Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài.

Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức”. Ngày nay với hơn 90 triệu người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, với đội ngũ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân đông đảo chắc hẳn càng không thiếu người tài, đức. Phải chọn được người tài đức để giao việc cũng như việc thanh lọc, loại ra khỏi đội ngũ lãnh đạo những đối tượng thiếu đức, bất tài là việc luôn phải làm.

Vậy nhưng, thời gian qua, chất lượng cán bộ luôn luôn là vấn đề nóng. Kỳ họp Quốc hội nào, cơ quan quyền lực cao nhất của dân cũng bàn thảo. Vấn đề khoảng 30% cán bộ làm việc không hiệu quả, trong số đó có không ít người không làm được việc luôn được đặt ra.

Tranh cãi, bàn luận là một chuyện, nhưng trên cơ sở thực tế, những hệ luỵ, hậu quả từ công tác cán bộ sờ sờ ra đó, đã minh chứng.

Từ Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng, cho đến Trịnh Xuân Thanh- những con sâu lớn đã đục khoét, tạo ra những lỗ thủng hàng ngàn tỉ đồng tiền của nước, của dân chưa kể những con sâu lớn, nhỏ, những kiểu “non yếu nghiệp vụ, thiếu trách nhiệm” đã và đang gây ra những hậu quả hiện tại và cho tương lai khó có thể đo lường.

Vấn đề luôn luôn đặt ra, luôn luôn nói, những tưởng cũ mà lại vẫn cứ mới. Chung quy lại, cũng lại vẫn là ý thức trách nhiệm của người cán bộ.

Tai hại thay khi trao quyền, bổ nhiệm, cất nhắc nhầm người để cho kẻ cơ hội, tha hóa biến chất có được vị trí quan trọng trong mắt xích xã hội. Có một cái bóng Trịnh Xuân Thanh cơ hội, sai phạm thì đằng sau những hoạt động của y, dưới cái bóng ấy sẽ lại sản sinh ra những cái bóng khác.

Những hậu quả, hệ luỵ đó muốn khắc phục thật không đơn giản. Ở đâu cũng vậy, ngành nào cũng vậy, dù ở cương vị cao, hay chỉ là một cán bộ thường đều là những tế bào, những mắt xích liên quan. Chỉ cần sự thiếu trách nhiệm, làm không hết trách nhiệm là xảy ra hậu quả, mắt xích quan trọng thì hậu quả càng lớn.

Những bài học, tấm gương tày liếp xưa nay, hiện tại, nhưng oái oăm thay người ta vẫn vấp, vẫn vi phạm. Chưa nói việc tiêu cực, tham nhũng, nhiều khi chỉ là do nể nang, xuê xoa, lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát.

Câu ngạn ngữ của người xưa “mất bò mới lo làm chuồng”, được nhiều lãnh đạo ngày nay nhắc lại. Thế nhưng, ngày nay, cái sự “mất bò” cứ liên tục diễn ra, nên cái sự “làm chuồng” rõ ràng cần phải bàn, xem xét lại. Bởi điệp khúc vi phạm, sai phạm, thất thoát, thua lỗ và rà soát, rút kinh nghiệm, xử lý vẫn lặp đi, lặp lại qua tháng này, năm này, năm khác quá nhiều.

Đến như Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn từng nêu phải siết lại công tác đánh giá cán bộ; việc đánh giá phải làm đúng nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới, ai giao việc thì người đó có thẩm quyền đánh giá và tự chịu trách nhiệm sự đánh giá đó; nếu sự đánh giá “vì tình hơn lý” sẽ phải xử lý chính người đánh giá không chính xác.

Và rồi chính ông cũng đã bị UBKTTƯ chỉ ra khuyết điểm trong việc thẩm định, cho ý kiến về việc tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm ngạch và xếp lương công chức cho Trịnh Xuân Thanh; thiếu kiên quyết, không đề xuất, kiến nghị với Bộ Công thương để thu hồi, huỷ bỏ các quyết định sai trái trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh.

Cùng với Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, các Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, Trần Thị Hà cũng đã phải chịu xử lý về trách nhiệm của mình.

Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc phải chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo. Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang Trần Công Chánh bị khiển trách. Bởi dù cho bất cứ lý do gì, những vi phạm, khuyết điểm của các cán bộ đã ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, tạo dư luận xấu trong xã hộị, như UBKTTU đã chỉ ra. Những bài học, nỗi đau cho chính những người nhiều khi không có động cơ tiêu cực.

Lâu nay dư luận xã hội than nhiều về công tác cán bộ, về chất lượng cán bộ. Những lời đồn thổi chạy chức, chạy quyền, sai phạm hạ bệ chỗ này lại chuyển lên chức chỗ kia…Dù chỉ là những sự đồn thổi, nhưng từ việc xảy ra không ít những hậu quả, đã làm ảnh hưởng nhiều đến uy tín của Đảng, Nhà nước, niềm tin của người dân.

Và rồi với việc mạnh tay của Đảng trong việc xử lý đã làm người dân có thêm niềm tin. Người dân cũng mong có sự rà soát, xử lý vi phạm, sai phạm ngay công tác cán bộ ở địa phương, cơ sở. Đây cũng là bài học răn đe cho không ít kẻ cơ hội. Bài học lớn cho các tổ chức, cá nhân soi rọi, tu chỉnh chính mình.

Vấn đề trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân càng phải đặt ra cao hơn, quyết liệt hơn đối với mọi tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, không chỉ đối với công tác cán bộ mà còn mọi hoạt động công vụ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài học trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO