Bao giờ hết bức xúc?

Kiên Long 25/02/2016 01:35

“Thủ tục hành chính với dân giờ cay nghiệt, độc ác lắm” là câu nói của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được hầu hết các báo dẫn lại trong phiên họp mà nội dung của nó tưởng chừng như không liên quan gì đến thủ tục hành chính. Phiên họp của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Dược (sửa đổi) diễn ra ngày 23-2.

Bao giờ hết bức xúc?

Ảnh minh họa.

Thủ tục hành chính “rườm rà”, “không minh bạch”, “mảnh đất mầu mỡ ươm mầm cho tệ quan liêu, tham nhũng”, “gây phiền nhiễu” cho nhân dân, “cản trở quá trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế đất nước”…là những cụm từ đã trở nên quen thuộc được nhắc đi nhắc lại trong gần như mọi báo cáo đánh giá, chỉ rõ về hạn chế của nền hành chính, thủ tục hành chính công trong thời gian qua nhưng phải dùng tới từ “cay nghiệt, độc ác lắm” thì có lẽ là lần đầu. Điều đó cho thấy sự bức xúc không chỉ đến từ doanh nghiệp hay người dân- những chủ thể phải gánh chịu những tồn tại hạn chế của những thủ tục hành chính rườm rà, không minh bạch.

Và chỉ từ chuyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn việc cấp chứng chỉ hành nghề dược, “nên cấp một lần hay 5 năm cấp lại?” đã khiến Chủ tịch Quốc hội lo ngại: “Có tiền mới cấp, không có tiền thì không được cấp”và yêu cầu: “Chỉ cần cấp một lần thôi, về sau kiểm tra thấy đủ điều kiện thì hoạt động tiếp, không đủ thì thôi, chứ sao lại một vài năm cấp lại?”. Vấn đề này, nguy cơ này, lẽ nào các cơ quan chức năng lại không biết?

Thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Nếu như năm 2008, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam đứng thứ 58/134 nước thì đến năm 2013 tụt xuống vị trí 116/144. Cũng năm 2013, Nhà nước ban hành đến 905 văn bản từ luật cho đến nghị định, thông tư, gấp đôi năm 2008. Không ít văn bản mới ban hành được đánh giá không nhất quán, chồng chéo, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng chính sách. Tính ra 10 năm từ 2003-2013, rà soát cho thấy có đến hơn 60.000 văn bản có dấu hiệu vi phạm về các điều kiện về tính hợp pháp của văn bản, hàng ngàn văn bản trái luật. Có một thời nở rộ các “giấy phép con”, làm nản lòng doanh nghiệp, còn người dân thì lúng túng, khổ sở trước rừng thủ tục mà cán bộ thực thi công vụ viện dẫn, yêu cầu thế nào cũng đúng.

Thấy rõ nguy cơ của thực trạng này, những năm qua, cải cách thủ tục hành chính được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành. Yêu cầu cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thông suốt, phục vụ nhân dân được đặt ra bức thiết hơn lúc nào hết. Năm cải cách thủ tục hành chính - không chỉ còn là khẩu hiệu mà thực sự trở thành một mệnh lệnh, một cam kết với các chỉ tiêu rất cụ thể “tối thiểu phải cắt giảm được 25% các thủ tục hành chính”. Chính phủ vào cuộc quyết liệt từ xây dựng thể chế đến chỉ đạo thực hiện trên thực tiễn. Từ việc ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 19/NQ-CP, Quyết định 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...với yêu cầu 53 nhóm thủ tục phải được đơn giản hóa.

Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; ưu tiên các thủ tục hành chính phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực trọng tâm: Đầu tư, đất đai; xây dựng; sở hữu nhà ở; thuế; hải quan; xuất khẩu; nhập khẩu; y tế; tiếp cận điện năng; quản lý thị trường; bảo đảm điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế trong môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, góp phần giải phóng nguồn lực xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mục tiêu định lượng mà Chính phủ đặt ra là đến năm 2020, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80%.

Để đạt được mục tiêu ấy, để những cụm từ “rườm ra, không minh bạch, gây khó cho doanh nghiệp” hay “cay nghiệt, độc ác với người dân” không còn lập lại trong báo cáo về thủ tục hành chính công cần không chỉ những cam kết chính trị mà phải là sự vào cuộc quyết liệt và trách nhiệm của các cơ quan chức năng; sự giám sát mạnh mẽ của cộng đồng. Và cần cả sự trăn trở bức xúc của không chỉ những nhà lập pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bao giờ hết bức xúc?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO