Bạo lực học đường, nỗi đau người lớn

Hàn Minh 08/10/2016 13:05

Vụ một học sinh tự tử nghi do bị đánh trước mặt bạn bè, cùng thông tin về một clip những trẻ em gái lớp 9 đánh nhau dã man trong những ngày qua một lần nữa cho thấy tính chất nghiêm trọng nếu tiếp tục để tiếp diễn tình trạng bạo lực học đường. Thử đặt mình vào địa vị người thân các em sẽ thấy sự đau xót lớn tới mức nào. Không chỉ gây tổn thương về mặt tâm lý, ám ảnh suốt đời nạn nhân mà đau xót hơn, nguy cơ các em tìm đến cái chết có thể trở thành sự thật nếu không được can thiệp kịp thời, trước

Các em học sinh là lứa tuổi dễ bị kích động nên nhiều khi chỉ vì một câu nói đùa mà sẵn sàng xông vào đánh bạn dù bình thường vẫn được khen là đứa trẻ ngoan. Trong thời buổi công nghệ thông tin hiện nay, nhất cử nhất động của con người đều có thể bị chụp ảnh, quay phim lại, sau đó phát tán với tốc độ chóng mặt trên internet.

Trong đó, những lượt ấn nút chia sẻ vô tâm trên mạng xã hội cùng với những bình luận kiểu mỗi người góp một cục đá góp phần đẩy câu chuyện đi mỗi lúc một xa. Nạn nhân của những vụ bạo lực học đường này sau đó sẽ rơi vào hai trạng thái, hoặc là sợ hãi, xấu hổ, có xu hướng nhốt mình trong vỏ ốc không muốn tiếp xúc với ai, hoặc là bực tức, quyết tâm tìm cơ hội trả thù đối phương với hành vi tàn bạo hơn. Một vòng luẩn quẩn của bạo lực học đường dù xuất phát ban đầu có thể chỉ là những mâu thuẫn dễ dàng giải quyết nếu các em chịu lắng nghe, tìm hiểu và trao đổi cùng nhau.

Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực học đường, trước hết là trách nhiệm của gia đình, cụ thể là các bậc phụ huynh cần thường xuyên quan tâm, trò chuyện với con về những vấn đề xảy ra trong ngày. Thay vì hỏi con hôm nay đi học được mấy điểm, cha mẹ có thể hỏi con xem ở lớp có chuyện gì thú vị hay cần cha mẹ tư vấn thêm không.

Tất nhiên, không phải trẻ nào cũng dễ dàng chia sẻ với cha mẹ nhưng chỉ cần cha mẹ thực sự dành thời gian cho con thì đều có thể phát hiện những điểm bất thường (nếu có) trong lời nói, hành động của trẻ để từ đó kịp thời uốn nắn, nhắc nhở. Tin tưởng vào lời nói con trẻ nhưng cũng không có nghĩa là con đã bị bạn đánh đến lần thứ 4 gia đình mới biết, chỉ vì trước đó con nói là bị ngã xe như trong câu chuyện xảy ra với nữ sinh ở Nghệ An mấy ngày qua.

Ngay cả khi được trẻ tin tưởng kể chuyện hoặc cha mẹ phát hiện ra điều bất thường nơi con trẻ thì cũng cần cân nhắc cách xử lý phù hợp nhất. Con trẻ sẽ thấy bố mẹ rất coi trọng vấn đề của mình chứ không chỉ là chuyện trẻ con, nhưng cũng không quá áp lực vì bị ép buộc phải làm thế này, thế kia. Trong trường hợp trẻ tự giải quyết được thì để trẻ tự giải quyết, không làm thay. Nếu nhất thiết cần bố mẹ ra mặt nói chuyện giúp thì cũng cần khéo léo, tế nhị vì trẻ con rất dễ xấu hổ với bạn bè.

Cụ thể, như trong câu chuyện em B.Q.H ở Yên Bái bị một nhóm thanh niên đón đường đánh, gia đình sau đó đã đưa em vào bệnh viện để kiểm tra, điều trị 1 tuần. Cha mẹ nghĩ rằng con ở tuổi mới lớn bị khủng hoảng tâm lý nhưng cũng chưa tìm được cách nào giải toả tâm lý cho con, cũng chủ quan không theo sát con trong những ngày sau đó khiến con trong một phút không kiềm chế sự tổn thương đã ra đi vĩnh viễn.

Cẩn thận không bao giờ là thừa. Giá như cha mẹ dành thêm thời gian ở bên con, biết chuyện từ khi con phát sinh mâu thuẫn với bạn thì có thể đã ngăn chặn được việc con bị đánh bằng cách nhắc nhở con cẩn thận hơn, thậm chí là đưa đón con những ngày này. Khi con đã bị bạn đánh, tâm lý khủng hoảng thì bên cạnh việc báo cho các cơ quan chức năng, việc quan trọng nhất là dành thời gian bên con để ngăn chặn kịp thời những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Ngay cả khi trẻ đã tưởng như hồi phục cha mẹ cũng vẫn cần kín đáo quan sát thêm vì rất có thể, đó chỉ là biểu hiện bên ngoài, thực tế vết thương tâm hồn vẫn còn âm ỉ như ngọn lửa có thể bùng cháy bất cứ lúc nào.

Đó là về phía gia đình, còn nhà trường và xã hội thì sao? Thầy cô có biết gì về những mâu thuẫn giữa các nhóm học sinh không? Cụ thể trong trường hợp của em B.Q.H ở Yên Bái, việc em bị phụ huynh của em khác đánh trước cổng trường thì sau đó nhà trường và các cơ quan chức năng đã giải quyết thế nào rồi. Nếu có thái độ kịp thời để giải quyết câu chuyện này, chắc chắn em H. sẽ được giải tỏa khỏi tâm lý sợ hãi để không phải tìm đến cái chết.

Điều đáng sợ nhất hiện nay là sự vô cảm của người lớn và tất yếu lây lan sang cả những đứa trẻ. Vì sao những đứa trẻ thay vì can ngăn lại đứng dửng dưng quay clip như trong trường hợp các nữ sinh ở Nghệ An bị bạn đánh đập dã man. Vì sao những đứa trẻ mới tí tuổi đầu lại có thể tay không thương tiếc với bạn bè mình như vậy.

Những câu hỏi ấy vẫn tồn tại từ vụ bạo lực này đến vụ khác, cực kỳ đau xót. Mà chưa có cách nào thay đổi.

Giáo dục đạo đức cho lứa tuổi đang hình thành nhân cách ấy là một quá trình, một sự đồng bộ của tất cả các bên. Nhưng trong những vụ việc cụ thể vừa qua, đều cho thấy giá mà gia đình quan tâm chi chút hơn, giá mà thầy cô hết lòng vì các em hơn, giá mà xã hội đừng vô cảm, đừng thờ ơ thì sẽ hạn chế được những kết cục đau lòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạo lực học đường, nỗi đau người lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO