Bắt tay để cùng phát triển

Hoàng Mai 01/09/2016 00:05

Ngày 30/8, tại diễn đàn Singapore Lecture, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài phát biểu quan trọng trước các nhà lãnh đạo, chính trị gia, thành viên Nội các, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả nhân chuyến thăm 3 ngày tới Đảo quốc Sư tử.

Thông điệp được Chủ tịch nước đưa ra trong bài phát biểu này chính là thông điệp đề cao sự đoàn kết, sống trong hòa bình và cùng nhau phát triển bền vững. Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển ngày càng trở thành nhu cầu tất yếu của các quốc gia và là xu thế lớn trên thế giới.

Bắt tay để cùng phát triển

Thế hệ trẻ Việt Nam và tấm lòng hướng về biển đảo.

Đây chính là cơ hội, nền tảng rất cơ bản để chúng ta cùng chung sức xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, cùng hợp tác và phát triển bền vững vì lợi ích và thịnh vượng của toàn nhân loại.”

Ngày nay, thế giới đã phát triển rất nhanh, rất mạnh đến một tầm cao mới; thế nhưng, thách thức của thời kỳ phát triển hóa ra lại không hề nhỏ so với giai đoạn phát triển trước đó.

Thậm chí, còn là những thách thức khó lường và khó đối phó; bởi, khi khoa học-công nghệ phát triển ở trình độ cao, con người thêm nhiều phát minh sáng chế thì thành tựu của những phát minh ấy có thể phục vụ con người nhưng cũng có thể để đối phó lại với chính con người.

Sự ra đời của những vũ khí hủy diệt hàng loạt, thế hệ sau tân tiến hơn thế hệ trước với sức công phá gấp cả trăm lần hay ngàn lần là một ví dụ. Cũng vì thế, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, khủng bố quốc tế có chiều hướng gia tăng với quy mô, tần suất, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn là điều khó tránh khỏi. Và, cũng vì thế mà “Tính nghiêm trọng của các thách thức này rất đáng lo ngại khi tư duy đề cao sức mạnh, coi sử dụng vũ lực như một giải pháp, vẫn còn tồn tại” - Chủ tịch nước nói trước các giới tại Singapore.

Nguy hiểm hơn cả, đó là, trong một thế giới đầy biến động, bất an và quyền lực của các nước lớn vẫn đang thống trị tại nhiều khu vực và thế giới, thì những nước nhỏ sẽ ngày càng trở nên yếu thế, bị chèn ép hoặc tiếng nói không có trọng lượng trên trường quốc tế.

Chính điều này đã tạo một hố sâu ngăn cách giữa các nước lớn và nước nhỏ, đẩy họ ra xa và đồng thời tạo ra mâu thuẫn ngày càng lớn hơn. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do tạo ra nguồn cơn của xung đột sắc tộc, tôn giáo…

Và, cũng là một trong những lý do đòi hỏi xu thế liên kết khu vực ngày càng phát triển hơn. Liên kết để vững mạnh về kinh tế. Liên kết để thêm sức mạnh đấu tranh với những bất trắc tác động từ bên ngoài vào khu vực- có lẽ đó cũng là một trong số những mục tiêu tham vọng của các nhà lãnh đạo các quốc gia nhỏ bé.

Phát biểu tại Singapore Lecture, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nói đến vấn đề của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á- một trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa - chiến lược, kinh tế, chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới.

Bày tỏ sự quan ngại về vấn đề Biển Đông nằm trong lòng khu vực Đông Nam Á không chỉ đem lại nhiều lợi ích quan trọng mà còn có những tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, nhất là tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, có nguy cơ làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác khu vực, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua. Điều đó có ý nghĩa rất rõ ràng vì, mất ổn định có nghĩa là những con rồng đang lên ở Đông Nam Á sẽ phải tạm gác các dự định phát triển để đấu tranh giành lại nền hòa bình nếu bị mất.

Điều này, nhân dân Việt Nam là những người rõ hơn ai hết. Bởi, chúng ta đã trải qua 2/3 thế kỷ 20, với nhiều hy sinh, mất mát, đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề để vươn lên từ “tro tàn đổ nát” mà chiến tranh mang lại- những cuộc chiến mà không một người Việt Nam nào mong muốn. Những cuộc chiến mà nhân dân Việt Nam luôn ở thế bị động vì phải chống lại chiến tranh do các nước lớn phát động.

Chính vì lẽ đó mà hơn ai hết người Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình. “Lịch sử cho thấy, đoàn kết, trong đó có đoàn kết quốc tế là “truyền thống quý báu và bài học lớn” của dân tộc Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm đó ảnh hưởng sâu sắc đến đường lối, chính sách đối ngoại và hành động của Việt Nam”- Chủ tịch nước nói với các nhà lãnh đạo, chính giới Singapore. Và, ông cũng bày tỏ quan điểm về một Đông Nam Á năng động khi biết đoàn kết, chung tay hành động, tăng cường hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi như một con đường duy nhất để biến ước vọng thành hiện thực.

Thực tế, với tầm nhìn vượt qua những lợi ích riêng của mình, ASEAN đã và đang thể hiện tiếng nói ngày càng mạnh mẽ, có trách nhiệm đối với những mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và khu vực, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh…

Nhưng, rõ ràng để đạt đến tầm cao mới của vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình, ASEAN cần kiên định mục tiêu, kiên định chiến lược và kiên định về đường lối đối nội, đối ngoại của khối.

Trong bối ảnh ấy, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đề nghị ASEAN cần tăng cường gắn kết về chính trị, tập trung thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và các chuẩn mực ứng xử chung; đẩy mạnh liên kết về kinh tế, văn hóa - xã hội, khai thác thế mạnh kinh tế, kết hợp hài hòa bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, tạo nên sức mạnh của Cộng đồng; đề cao trách nhiệm, ý thức cùng chung vận mệnh, trong đó coi trọng thực hiện các nguyên tắc nền tảng của ASEAN, lấy đoàn kết và đồng thuận là giá trị đặc trưng mà các quốc gia thành viên cần tôn trọng, giữ gìn; cùng hướng tới người dân, hình thành các cơ chế để người dân các nước ASEAN tham gia vào quá trình hoạch định, giám sát và thực thi chính sách, lấy phục vụ người dân là mục tiêu tối thượng trong việc xây dựng và phát triển Cộng đồng.

Những đề xuất ấy có thể nói cũng chính là những gì mà Việt Nam đang hướng tới trong một Cộng đồng mở của các nước ASEAN- vì sự thịnh vượng chung. Nó cũng tái khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực trong đó có vấn đề hòa bình, ổn định cho phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bắt tay để cùng phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO