Bí kíp để thành công

Nhật Minh 10/11/2018 09:00

Nhiều chuyên gia đã đưa ra quan điểm: Một quốc gia thịnh vượng phải hội tụ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là phải có một hệ thống doanh nghiệp hùng hậu với đội ngũ doanh nhân hùng hậu - hùng hậu về tiềm lực tài chính, hùng hậu về tài năng kinh doanh và đặc biệt là hùng hậu về văn hóa, đạo đức kinh doanh.

Ai cũng hiểu, bước chân vào thương trường, mỗi doanh nhân đều đặt mục tiêu hàng đầu của mình là lợi nhuận. Thế nhưng, lợi nhuận không phải là yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp (DN) đó có thể đứng vững trên thương trường, mà ở đây, vai trò quan trọng là văn hóa, đạo đức kinh doanh.

Dư luận hẳn chưa quên cái cách mà Khaisilk - một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Việt Nam - “tự sát”. Đó là Khaisilk đã cướp đi niềm tin của khách hàng bằng việc lợi dụng chính tên tuổi của mình để trà trộn sản phẩm chất lượng kém bán cho người tiêu dùng. Với việc làm thiếu nhân đạo ấy, Khaisilk đã tự lật đổ chính thương hiệu nổi tiếng của mình sau rất nhiều năm trời gây dựng.

Chia sẻ về câu chuyện xây dựng thương hiệu và yếu tố văn hóa kinh doanh, giám đốc một DN may mặc cho hay, để gây dựng được một thương hiệu được người tiêu dùng trong nước và cả nước ngoài biết đến như ngày hôm nay, vị này đã phải đánh đổi bằng 20 năm “chinh chiến” trên thương trường. 20 năm đó là bao tiền bạc, mồ hôi, công sức và cả nước mắt. Mất mát, tổn thất, niềm vui lợi ích đều đã được nếm đủ… để xây dựng được một thương hiệu như ngày hôm nay. Chính bởi vậy, chẳng có một thứ của cải vật chất nào có thể đánh đổi được.

“20 năm qua, chúng tôi đã nhận được sự tin yêu của người tiêu dùng và thành quả của chúng tôi là người tiêu dùng trong nước và cả người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu của chúng tôi nhiều hơn”- vị giám đốc chia sẻ và cho biết thêm: “Có ai đó hỏi chúng tôi “bí kíp” để có được thành công như ngày hôm nay, tôi không có gì để giấu giếm, chỉ đơn giản là kinh doanh thật sự phải có tâm!”

Câu chuyện của Khaisilk và chuyện của vị giám đốc DN may mặc nói trên là một minh chứng rõ rệt cho vấn đề đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân đang có vấn đề.

Với DN, lợi nhuận là mục đích quan trọng. Song, theo đuổi lợi nhuận trong kinh doanh không đồng nghĩa với việc DN bỏ qua tất cả các chuẩn mực, giá trị, nguyên tắc liêm chính và chất lượng sống của cộng đồng. Ngược lại, chỉ khi DN tôn trọng những giá trị đạo đức của cộng đồng, tuân theo những chuẩn mực của xã hội, từ đó hình thành nên thương hiệu - danh tiếng của mình, thì khi đó, việc kinh doanh của DN mới thực sự hiệu quả và có giá trị bền vững. Khaisilk vì lợi nhuận đã bỏ qua tất cả những giá trị văn hóa, đạo đức, bỏ qua chữ “tâm” để kinh doanh, nhưng cuối cùng, chính tư duy “ăn xổi” đó đã khiến DN này phải gục ngã trên thương trường.

PGS.TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL) đã đưa ra quan điểm rằng: Văn hóa DN chính là “chất keo” kết nối các thành viên trong công ty, thúc đẩy họ nỗ lực sáng tạo, cống hiến, đóng góp vào sự phát triển chung. Văn hóa DN chính là bầu không khí làm việc do các thành viên trong DN, trước hết là ban lãnh đạo tạo ra, ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, thái độ lao động của mỗi thành viên và lòng trung thành của họ đối với DN. Văn hóa DN tốt sẽ tạo ra môi trường làm việc tốt, khơi gợi cảm hứng khiesn cho các cá nhân cố gắng phấn đấu vì mục tiêu chung. Do vậy, văn hóa DN trở thành động lực tinh thần giúp cho DN phát triển bền vững. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, nếu thiếu đi văn hóa DN, thiếu đạo đức kinh doanh, DN sẽ không thể tồn tại.

Và trong quá trình xây dựng văn hóa DN, thì doanh nhân đóng vai trò chủ chốt. Ai đó nói, văn hóa doanh nhân chính là linh hồn của văn hóa DN. Điều đó hoàn toàn chính xác. Chúng ta cứ ngẫm và lắng nghe câu chuyện của hai DN nói trên, sẽ thấy, người lãnh đạo có vai trò quan trọng thế nào trong việc điều hành cả một tập thể công ty đi đúng hướng. Cứ thử đặt lại vấn đề, nếu như người đứng đầu Khaisilk có đạo đức kinh doanh, không chấp nhận cách làm ăn dối trá đánh lừa người tiêu dùng, thì sẽ không có chuyện cả một thương hiệu sụp đổ, kéo theo đó là nhiều người lao động, nhiều nhân viên mất việc làm.

Chính bởi vậy mới nói, vai trò của người lãnh đạo là vô cùng quan trọng đối với sự thành bại của một DN. Mỗi doanh nhân chính là một tấm gương của cả một tập thể DN, có khả năng thay đổi tư duy, truyền niềm tin, cảm hứng cho các thành viên trong tập thể đó.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong nền kinh tế hội nhập hiện nay, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân trở thành yếu tố tạo ra sự khác biệt của mỗi DN. Một DN sẽ được khách hàng nhớ đến nhiều và sẽ quay trở lại nếu DN đó thân thiện, thái độ phục vụ hòa nhã. Ngược lại, DN không coi trọng khách hàng, đối tác, đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của khách hàng, chắc chắn DN đó sẽ bị khách hàng quay lưng, chắc chắn DN đó sẽ không thể kéo dài được “tuổi thọ” trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bí kíp để thành công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO