Cải cách thực sự

Hoài Vũ 10/01/2019 08:00

Tại Báo cáo môi trường kinh doanh 2019 (Doing Business 2019), do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho thấy, mặc dù chỉ số nộp thuế (Paying Taxes) của Việt Nam là 62,87 điểm, tăng 1,25 điểm so với báo cáo Doing Business 2018, nhưng thực tế chỉ số nộp thuế của Việt Nam tụt xuống vị trí 131/190 nền kinh tế, tụt 45 bậc. Điều đó đang đặt ra thực tế cải cách chính sách thuế của Việt Nam cần thực chất hơn nữa.

Cải cách thực sự

Doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế. Nguồn: Quangninh Online.

Một câu hỏi sẽ được đặt ra, tại sao mặc dù đã tăng 1,25 điểm cho những cố gắng cải cách trong thời gian qua cho những nỗ lực cắt giảm những điều kiện kinh doanh được đang đẩy mạnh mà trong đó, thuế và hải quan luôn là những lĩnh vực được quan tâm tháo gỡ hàng đầu nhưng vẫn tụt đến 45 bậc? Tụt hạng nằm ở “2 con số” một cách cụ thể chứ không phải là ước chừng hay tính toán.

Đặc biệt, công bố của WB được đưa ra chỉ vỏn vẹn sau 1 tháng khi cuối năm 2018, tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính về thuế, hải quan năm 2018 nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) do Bộ Tài chính và Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức cuối năm 2018, nhiều DN đã phản ánh việc thực hiện các chính sách về thuế vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Đơn cử như đại diện Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi phản ánh: Hiện nay mỗi năm doanh nghiệp vẫn phải đón nhiều đoàn thanh, kiểm tra khác nhau, nội dung kiểm tra trùng lắp và chồng chéo nhau. Điều này gây khó khăn và làm mất thời gian của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Hay riêng trong lĩnh vực hải quan, nhiều DN đã bày tỏ những vướng mắc về thuế giá trị gia tăng khi bán phế liệu, phế phẩm trong quá trình sản xuất thủy sản, việc truy thu thuế nguyên phụ liệu nhập khẩu, sản xuất, xuất khẩu.

Bất cập trong thực thi chính sách thuế hiện hành nằm ở việc có nhiều trường hợp doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư với mức ưu đãi cụ thể, nhưng khi cơ quan thuế vào kiểm tra lại từ chối áp dụng những ưu đãi này, thậm chí còn yêu cầu doanh nghiệp nộp số thuế bổ sung, lãi chậm nộp và phạt do kê khai sai thuế.

Trên thực tế đã có nhiều DN than phiền khi có nhiều trường hợp cơ quan thuế không thực sự xem xét về đạo lý mà căn cứ vào hình thức hoặc vì áp lực về số thu mà có những áp đặt và diễn giải theo cách có lợi cho người thu thuế hơn là nhìn vào bản chất của giao dịch. Có lẽ, chính vì vậy một vấn đề “không mới” nhưng vẫn được các DN kiến nghị nằm ở việc cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng tính công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính.

Và thay mặt cho cộng đồng DN, một thông điệp được ông Võ Tân Thành- Phó Chủ tịch VCCI gửi đến chính là việc, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn ngành thuế tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính về thuế đối với các DN có lịch sử chấp hành tốt nghĩa vụ thuế. Đồng thời, tăng cường công tác đối thoại, giải đáp thắc mắc về thủ tục và các vướng mắc đối với người nộp thuế.

“Việc kê khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử thực sự là giải pháp cải cách hành chính hiệu quả, đem lại nhiều tiện ích cho cán bộ thuế và cả những người nộp thuế. Hiện Nghị định 119/2018/NĐ- CP ngày 12-9-2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ có hiệu lực từ ngày 1/11/2018, nhưng hiện tại chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, các văn bản hướng dẫn về hóa đơn và hóa đơn điện tử còn mâu thuẫn trong quá trình thực hiện, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp chưa biết thực hiện như thế nào?”- là lời nói thẳng băng từ góc độ địa phương được chính ông Nguyễn Duy Thể- Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn đưa ra cùng một kiến nghị sớm có văn bản hướng dẫn để bộ phận ấn chỉ ngành thuế hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy định.

Xét trên thực tế, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2016-2020, đặc biệt trong năm 2018, Chính phủ luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các DN trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với ngân sách nhà nước. Thế nhưng tại sao cộng đồng DN vẫn chưa hài lòng với sự cải cách? Nó nằm ở một sự cải cách thực sự, bằng cảm nhận thực tế của cộng đồng DN chứ không nằm ở những con số điều kiện cắt giảm. Mà thực tế nằm ở sự lắng nghe sự than phiền, thông qua đối thoại để tháo gỡ chứ không chỉ những cắt giảm cơ học “trên giấy” theo một quy luật dồn ép cộng dồn khi người dân, DN ngày ngày vẫn bị hành, nhũng nhiễu bởi những khoản chi phí không chính thức và dần mất sức vì nạn “tham nhũng vặt” nằm ở “bộ máy hành chính” đang làm DN không phát huy hết nội lực, còn xã hội bị triệt tiêu một phần nguồn lực.

Pháp luật hiện hành đã có quy định về việc Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho DN bị thiệt hại do hành vi thực thi chính sách thuế trái pháp luật của cơ quan nhà nước gây ra. Nhưng khi cơ quan thuế làm sai, cán bộ thuế thiếu trách nhiệm gây ra tổn thất cho DN thì có bao nhiêu trường hợp bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp?

Điều đó nằm ở việc cần phải có chế tài rõ ràng đối với các cán bộ thuế khi cán bộ thuế thực thi sai, đưa ra các văn bản trả lời trái luật để cán bộ có trách nhiệm hơn với chính quyết định mà mình đưa ra. Muốn vậy, để gỡ những điểm nghẽn không nằm ở việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, bãi bỏ những thủ tục kiểm tra chuyên ngành nặng hành chính mà ít hiệu quả, mà còn nằm ở việc là tinh gọn bộ máy thông qua xây dựng và đẩy mạnh Chính phủ điện tử.

Có điều sự bứt phá không nằm ở những khẩu hiệu mà là trong hành động, trong phong cách chỉ đạo, lãnh đạo của người đứng đầu các bộ ngành, địa phương. Khi điểm nghẽn về con người được “bứt phá” có như vậy mới khơi thông điểm nghẽn thay vì sự tăng điểm nhưng lại tụt bậc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải cách thực sự

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO