Cấm dạy thêm

Ngọc Anh 26/08/2016 00:34

Những giọt nước mắt của một thầy hiệu trưởng khi nói về nỗi lòng nhà giáo bị cấm dạy thêm gợi nhiều suy nghĩ về biện pháp quản lý làm sao để thấu tình đạt lý hơn câu chuyện này. Trong thực tế, lệnh cấm dạy thêm trong nhà trường khiến việc dạy thêm được biến tướng dưới các hình thức khác. Trong khi đó, bản thân nhà giáo thì cảm thấy bị tổn thương.

Cấm dạy thêm

Ảnh minh họa.

Không dạy thêm trong nhà trường, nhiều thầy cô đành đi dạy cho các trung tâm mở ra như nấm ở bên ngoài. Và học sinh cũng được giới thiệu tới học tại các trung tâm đó. Nghĩa là cô vẫn phải đi dạy thêm, trò vẫn học thêm nhưng qua thêm một khâu trung gian khác.

Người đã rơi nước mắt khi nói về việc giáo viên bị cấm dạy thêm là thầy Nguyễn Văn Lợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng trong buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP HCM). Ông Lợi nêu một thực tế về việc “giữ trẻ” cuối giờ chiều, khi nhiều phụ huynh vì công việc không thể đón con lúc tan trường, họ có nguyện vọng để giáo viên giữ trẻ sau giờ này. Đó cũng là một thực tế đối với học sinh tiểu học.

Tại các cuộc họp HĐND TP Hồ Chí Minh gần đây, nhiều đại biểu đều nói đến “một nhu cầu có thật”. Đó là phụ huynh muốn cho con học thêm. Và như vậy, trong trường cấm thì họ cho học tại các trung tâm bên ngoài. Về phía giáo viên, dạy thêm cũng là “một nhu cầu có thật”. Vì lương giáo viên thấp, vì nhu cầu kiếm tiền từ nghề nghiệp là hoàn toàn chính đáng. Và họ cũng đi dạy thuê cho các trung tâm bên ngoài.

Ở Hà Nội, thực tế này cũng đang diễn ra. Hầu hết học sinh các trường cấp 2, cấp 3 hiện nay cũng đang học thêm ở các trung tâm bên ngoài, thầy cô cũng đến đó dạy thêm.

Nói gọn lại, thì cuối cùng thầy cô lại gặp các em trong những lớp học núp dưới tên gọi là “trung tâm ôn tập văn hóa” hoặc “trung tâm bồi dưỡng văn hóa” được cấp phép đang mọc lên ở bên ngoài nhà trường. Rất nhiều trung tâm kiểu này chỉ có 1 vài phòng học là đủ tiêu chuẩn (để dành cho các cơ quan chức năng tới kiểm tra) còn lại, họ thuê phòng ở đủ các địa điểm, chật chội, nóng bức.

Thế là thay vì học thêm trong những phòng học đàng hoàng do nhà trường tổ chức, quản lý, tình trạng học thêm vẫn diễn ra (có phần còn tốn kém cho phụ huynh hơn vì phải qua khâu trung gian là trung tâm). Chỉ khác là không phải do nhà trường tổ chức, quản lý mà do các trung tâm bên ngoài tổ chức mời thầy cô và thu tiền.

Trong một tương quan đưa ra để so sánh như vậy, có thể thấy lệnh cấm dạy thêm trong nhà trường vừa không đạt mục đích và không hiệu quả. Học sinh vẫn phải đi học, phụ huynh vẫn tốn tiền, thầy cô vẫn đi dạy… nhưng chất lượng học tập và quản lý có khi còn kém hơn.

Đầu tháng 8, trong cuộc họp chuẩn bị cho năm học mới của ngành giáo dục TP HCM, nhiều cán bộ quản lý và giáo viên cho rằng dạy thêm vẫn mang lại những lợi ích nhất định nên kiến nghị thành phố xem xét lại quyết định ngưng hoạt động này. Còn tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP HCM khóa IX, nhiều đại biểu cho rằng nhu cầu dạy và học thêm là có thật, việc cấm hoạt động này diễn ra ở nhà trường nhưng cho dạy thêm, học thêm ở các trung tâm văn hóa “thì thực chất chỉ là thay đổi hình thức”…

Dẫn ra những tâm tư này để thấy một lệnh cấm có vẻ như hơi quá vội vàng và khá duy ý chí. Đúng là có chuyện thầy cô bớt kiến thức trên lớp để dạy vào buổi dạy thêm, đúng là nhà trường mà học sinh nào cũng phải đi học thêm mới có đủ kiến thức thì rõ ràng có vấn đề trong dạy chính khóa. Nhưng không phải tất cả giáo viên đều vậy, cũng không phải tất cả các nhà trường đều thế.

Có rất nhiều giáo viên dạy hết mình vẫn chưa đủ nếu chỉ trong giờ chính khóa, bởi vì để vượt qua các kỳ thi chuyển cấp, học sinh phải học thêm “quần quật” mới có thể làm bài được. Vậy thì để giải quyết được những vấn đề đó, mấu chốt không phải ở việc cấm dạy thêm trong nhà trường mà đã giải quyết được.

Có một đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã nêu ra hai vấn đề cốt lõi cần được giải quyết từ “gốc” là: chương trình học nặng nề và thu nhập giáo viên còn thấp.

Có lẽ đại biểu đó nói chưa đủ. Thực tế là các kỳ thi của chúng ta quá khó, thi vào lớp 10, thi quốc gia hay thi trường chuyên, lớp chọn đòi hỏi học sinh đều phải ôn luyện rất nhiều mới mong đỗ được.

Như vậy, trong lộ trình đổi mới giáo dục, cần làm rõ hơn nhiều vấn đề về chương trình học, về đổi mới thi cử. Hoặc thậm chí, nếu thấy đúng là cần phải học với một cường độ lớn gồm bằng cả chính khóa và học thêm hiện nay cộng lại mới mong đào tạo được những con người của thời kỳ mới thì cũng cần làm rõ. Để có một chương trình giáo dục thích hợp nhất. Để thầy cô được đàng hoàng đứng trên bục giảng với thu nhập xứng đáng chứ không phải nhận những lệnh cấm rồi phải “dạy chui” một cách đầy tổn thương như hiện nay.

Có lẽ cần có một điều tra, nghiên cứu cơ bản hơn cả từ phía giáo viên và phụ huynh về vấn đề dạy thêm học thêm. Cộng với lộ trình đổi mới giáo dục một cách toàn diện mới mong chất lượng giáo dục được nâng cao. Không đơn giản chỉ bằng một lệnh cấm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cấm dạy thêm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO