Cán bộ đi bằng gì?

Cẩm Thúy 17/08/2019 08:00

Câu chuyện quan chức trong bộ máy công quyền di chuyển bằng gì nhiều năm qua đã trở thành vấn đề rất trăn trở với minh chứng là có đến vài đề án cho vấn đề này. Trong khi đề án khoán xe công không biết đã thành công đến mức độ nào thì mới đây tại diễn đàn Quốc hội có đại biểu lại nêu ý kiến rằng chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở ngành đi xe đạp còn bộ trưởng thì đi xe bus.

Ý kiến của một đại biểu Quốc hội nhưng gợi ra nhiều suy ngẫm xung quanh nó. Trọng lượng của lời nói vốn là điều mà xã hội truyền thống phương Đông rất coi trọng. Nhất là đối với Nho giáo vốn đề cao tính chính danh, coi trọng chữ tín, đề cao phẩm chất quân tử. Một lời nói ra không phải là một lời vu vơ. Cho dù chúng ta không còn câu nệ thì vẫn phải nói thật rằng thời gian qua chúng ta đã chứng kiến không ít những phát biểu chất lượng chưa cao tại một nơi cực kỳ quan trọng là nghị trường. Việc phân cấp xe máy, xe đạp, xe bus trong phát biểu này là một kiểu phân cấp đầy tính hình thức. Tổng thống hay Thủ tướng của bất cứ quốc gia nào cũng có thể đi xe bus hay đạp xe thong dong trên đường phố. Xe máy thì không có nghĩa cao quý hơn xe đạp để dành cho cấp cao hơn…

Hơn nữa, từ câu chuyện cán bộ lãnh đạo thì đi xe gì với rất nhiều trăn trở thời gian qua, cho thấy một tư duy rất nệ vào hình thức. Chức vụ nào được sử dụng xe công ra sao đã có những quy định cụ thể. Chỉ cần chiểu theo đúng những quy định đó, thực hiện cho nghiêm ngặt là đủ rồi. Trăn trở mãi với đề án nọ đề án kia chỉ với một việc là cán bộ lãnh đạo thì đi xe gì e rằng chỉ bàn đến cái vỏ bên ngoài trong khi cốt lõi là năng lực cán bộ ra sao, phẩm chất trình độ ra sao, có thật sự vì việc chung, vì lo cho dân cho nước hay không?

Y phục xứng kỳ đức, nếu xứng đáng để đảm nhận tốt cương vị cán bộ lãnh đạo nào đó, nhất là ở cấp cao, thì việc có cả hệ tiêu chuẩn để phục vụ xứng tầm với cương vị ấy là hoàn toàn xứng đáng. Chỉ phải băn khoăn nếu tiêu chuẩn thì cao mà năng lực thì kém, nghĩa là y phục không xứng với kỳ đức.

Chủ tịch tỉnh đi xe máy hàng ngày để đi làm chắc gì đã là hình ảnh hay. Gần dân sát dân không phải là ở việc đi xe máy, xe đạp hay xe bus. Lắng nghe nhân dân, thấu hiểu lòng dân, làm việc gì cũng đặt quyền lợi của đất nước, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết thảy mới chính là vì dân, sâu sát với nhân dân. Bất cứ một việc gì, nhất là trong việc hoạch định chính sách, cũng nghĩ tới quyền lợi của nhân dân trước hết mới là đòi hỏi từ cán bộ lãnh đạo. Thước đo đối với một cán bộ không phải ở chỗ hôm nay họ đi bằng gì tới nơi làm việc.

Nếu để so sánh, chúng ta chắc chắn không thích thú gì hình ảnh một chủ tịch tỉnh loay hoay đi xe máy trong những dòng xe đông đúc, tắc nghẽn mà chúng ta mong muốn nhìn thấy hình ảnh một chủ tịch tỉnh giải quyết được bài toán quy hoạch thành phố, biết nghĩ đến nỗi khổ của người dân khi tắc đường, biết nghĩ đến tương lai đô thị để không đặt bút ký vào những dự án nhà cao tầng không theo một quy hoạch nào cả đang phá nát không gian sống… Ý kiến cá nhân của người viết bài này là đối với lãnh đạo, càng cấp cao càng đòi hỏi lớn hơn, là phải dành hết tâm sức trí lực cho việc dân việc nước. Chứ lãnh đạo, cấp chủ tịch tỉnh hay bộ trưởng sáng sáng còn lo đạp xe, lái xe máy hay chờ xe bus để đến công sở thì đó không phải là việc nên ưu tiên. Dành thời gian và tâm sức ấy để lo việc khác, cho xứng tầm với cương vị ấy. Làm thế nào để xứng đáng với trông đợi của nhân dân, để xứng đáng với những tiêu chuẩn xe cộ, nhà cửa, lương bổng… mới là việc phải làm chứ cương vị ấy không phải để loay hoay tiết kiệm tiền xe công bằng các phương tiện khác.

Từ câu chuyện này suy ra nhiều việc khác chúng ta đôi khi bị sa đà vào đánh giá cán bộ bằng những thứ rất hình thức trong khi xã hội đã phát triển quá xa rồi. Làm thế nào để các đô thị ở Việt Nam nhất là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có một hệ thống giao thông công cộng phát triển (chúng ta đang đi chậm so với thế giới rất nhiều), để hạn chế xe cá nhân, thậm chí là không còn phải sử dụng xe máy. Đó mới là điều cần trăn trở chứ không phải là cùng nhau đi chậm lại bằng cách chủ tịch tỉnh hay bộ trưởng cũng xuống đường đi xe máy hay đạp xe đạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cán bộ đi bằng gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO