Cẩn trọng lời nói

Lê Anh Đức 27/09/2017 10:00

Việc ông Đoàn Ngọc Hải- Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP HCM) nói với tài xế rằng nếu không hiểu luật thì về rừng U Minh, khiến cộng đồng xã hội trong những ngày qua “dậy sóng”.

Người ta không tiếc lời chỉ trích ông Phó Chủ tịch UBND quận là đã “quá đà” khi “coi thường” người dân rừng U Minh không thông hiểu pháp luật.

Luồng ý kiến khác thì lại cho rằng ông Hải không hề có ý coi thường người dân U Minh, chẳng qua đó chỉ là cách nói ví von, hình tượng để ám chỉ việc sống không tuân thủ pháp luật.

Phó Chủ tịch Q.1 TP HCM Đoàn Ngọc Hải trong một lần đi dẹp vỉa hè (Ảnh: VnExpress).

Đương nhiên, hầu hết ai cũng hiểu, ý của ông Hải là sống ở một nền văn minh đô thị thì phải tuân thủ pháp luật, hoặc những quy ước xã hội, chỉ có “người rừng ăn lông ở lỗ thời tiền sử” mới sống tự do, hành động theo cảm tính.

Song, trong bối cảnh “thế giới phẳng” hiện nay, nhất là hàng ngày với việc ra quân dẹp vỉa hè, lòng đường, giải tỏa những nơi kinh doanh trái phép, chặt chém người dân... thì ông Hải đang “gây thù chuốc oán” với không ít người, dẫn đến phát ngôn trên đã khiến không ít người suy diễn, rằng ông coi thường người dân U Minh.

Người xưa có câu “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, ý rằng trước khi nói, con người phải thận trọng, suy nghĩ trong đầu ý nghĩ đủ chín mới phát ngôn.

Hay nói một cách dễ hiểu thì trong trường hợp của ông phó chủ tịch UBND quận 1 cần cân nhắc, cẩn trọng với từng lời nói, cử chỉ, hành vi, bởi “hàng trăm con mắt” đang soi vào ông mỗi ngày.

Chỉ cần là người bình thường đã phải vô cùng cẩn trọng lời nói, huống chi ông không những là “sếp”, lại là tâm điểm chú ý của dư luận suốt trong thời gian vừa qua vì hành động cương quyết đối với các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè...

Vẫn biết, việc “làm dâu trăm họ” là vô cùng khó, không ai có thể vừa lòng được tất cả mọi người. Song, càng ở những vị trí nhạy cảm càng phải cẩn trọng trong phát ngôn, cũng như hành vi ứng xử để giảm thiểu tối đa những dị nghị không cần thiết, gây bất lợi cho công việc chung.

Ai có thể nói những việc làm của ông Hải không phải là dũng cảm, không phải là vì phục vụ lợi ích chung của quận 1, hay TPHCM nói riêng và toàn xã hội nói chung?

Ai có thể phủ nhận những chuyển biến tích cực khi ông phó chủ tịch quận 1 cùng tổ công tác cương quyết dẹp vấn nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè?

Thậm chí nếu TP HCM nói riêng và cả nước nói chung có nhiều ông Đoàn Ngọc Hải thì có lẽ vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã được dẹp từ lâu rồi.

Những đóng góp của ông Hải trong công tác lập lại kỷ cương trật tự đô thị đương nhiên không thể phủ nhận. Song, cũng không thể vì thế mà ông có thể tùy ý, tự do phát ngôn.

Chẳng cần có thể một số người “hận” vì bị ông Hải và tổ công tác “dẹp tiệm” phao tin đồn nhảm, chỉ cần người dân U Minh nghe câu nói của ông phó chủ tịch UBND quận 1, cũng không thể vui.

Đương nhiên ý của ông Hải không phải là người dân vùng rừng núi không am hiểu pháp luật, hay sống thiếu ý thức, ông chỉ đơn giản là tùy hứng nhưng lại thật không đúng lúc, đúng chỗ...

Trong cuộc sống hàng ngày, với mỗi người bình thường đã rất cần sự cẩn trọng trong lời nói, thì với cương vị, vị trí của ông Hải càng cần phải cân nhắc mỗi phát ngôn trong khi thi hành công vụ.

Trong thực tế, không hiếm gặp những trường hợp chỉ một lời nói phũ phàng đã “đổ sông, đổ bể” biết bao công lao giúp người khác.

Nói một cách dễ hiểu thì anh có “ra ơn” cho người ta bao nhiêu, nhưng chỉ cần một lời nói thiếu thận trọng, hay có thái độ miệt thị thì lập tức mọi công lao của anh sẽ trở thành con số 0 tròn trĩnh.

Lúc ấy, người ta không những không biết ơn những việc anh đã làm, thậm chí họ còn có thái độ thù ghét bởi những lời nói của anh khiến họ bị tổn thương. “Soi” vào trường hợp của ông Đoàn Ngọc Hải thì có thể thấy, thật tiếc thay...

Nói đi, nói lại thì cũng vẫn chỉ có một thông điệp mà người dân nói chung, người dân TP HCM và người dân U Minh nói riêng muốn chuyển tải tới không chỉ cá nhân ông phó chủ tịch UBND quận 1 (TP HCM) mà với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức nhà nước rằng, đương nhiên việc làm thiết thực, chỉn chu, tâm huyết, nhiệt tình... trong thực thi công vụ là cần thiết, song cũng cần phải rèn luyện kỹ năng phát ngôn, tránh gây tổn thương tới một bộ phận, hay thậm chí là đông đảo người dân.

Cũng với một sự vật, hiện tượng, thay vì sổ toẹt phũ phàng, những người thực thi công vụ có cách nói mềm dẻo, linh hoạt thì sẽ tạo được hiệu ứng, hiệu quả cao hơn rất nhiều.

Chẳng phải người xưa đôi khi chỉ cần uốn 3 tấc lưỡi đã tránh được bao cuộc can qua đó sao? Vậy nên rất cần cẩn trọng lời nói.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn trọng lời nói

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO