Càng giải càng tắc

Hữu Nguyên 29/12/2016 10:35

Vấn nạn ùn tắc giao thông đang ngày càng trầm trọng tại TP HCM và Hà Nội là hệ lụy của quá trình phát triển đô thị thiếu bền vững kéo dài. “Trong các bức xúc của nhân dân thì nạn ùn tắc giao thông là số một” - Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng mới đây nhấn mạnh trong một hội nghị bàn về các giải pháp cấp bách cho vấn đề “càng giải càng tắc”, nên càng ngày càng gây bức xúc này.

Tình trạng kẹt xe qua năm tháng vẫn không hề giảm bớt.

Kẹt xe, ùn tắc giao thông luôn là căn bệnh thường thấy ở các đô thị phát triển nóng hầu hết trên thế giới. Không ít kinh nghiệm, thực tiễn giải quyết bài toán này đã và đang được triển khai ở các nước xung quanh khu vực ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương mang lại nhiều hiệu quả đáng kể. Một số kinh nghiệm và giải pháp cũng từng được đưa ra bàn thảo để áp dụng tại các đô thị lớn của Việt Nam. Song, tình trạng kẹt xe qua năm tháng vẫn không hề giảm bớt, ngược lại đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn, càng khiến người dân thêm bức xúc.

TP HCM là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội lớn nhất cả nước, hiện có 8,6 triệu dân sinh sống nhưng tổng số xe quản lý lên đến hơn 7,6 triệu chiếc (hơn 7,1 triệu xe máy), chưa kể lượng xe từ các tỉnh hoạt động trên địa bàn thành phố, tăng 53% so với năm 2010. Phòng CSGT TP HCM cho biết, mỗi ngày thành phố có hơn 1.000 xe máy và 180 ôtô đăng ký mới khiến áp lực ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn ngày càng cao.

Cũng cần ghi nhận rằng thời gian qua TP HCM đã nỗ lực thực hiện rất nhiều biện pháp để kéo giảm tình trạng kẹt xe nhưng kết quả thì còn chưa được như mong đợi. Dường như các giải pháp đã thực hiện như xây cầu vượt, cải tạo nút giao thông chỉ phát huy tác dụng trong một thời gian ngắn. Phương tiện giao thông tăng cao, quy hoạch thiếu đồng bộ là những nguyên nhân được cho là chủ yếu gây ùn tắc giao thông.

Một loạt các giải pháp mới vừa được ngành giao thông TP HCM đưa ra như cấm xe máy, hạn chế ôtô theo biển số chẳn lẻ, chuyển đường hai chiều thành đường một chiều. Thế nhưng, những giải pháp này được cho là khó mang lại hiệu quả vì người dân không có nhiều lựa chọn về phương tiện giao thông công cộng.

Một giải pháp khác cũng đang được TPHCM tái khởi động là thu phí ô tô vào trung tâm. Đây được cho là một trong những giải pháp cấp bách để kéo giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố năm 2017. Giải pháp này trước đây đã từng bị phản đối và phải tạm dừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh xe ô tô đang phải chịu nhiều loại thuế, phí như hiện nay, giải pháp này cũng đang tiếp tục vấp phải sự phản đối của dư luận và xem ra cũng rất khó triển khai vì hiệu quả mang lại chưa kiểm chứng được.

Theo các chuyên gia đô thị, để giải bài toán kẹt xe của TP HCM cần phải thực hiện tổng thể đồng loạt các giải pháp từ ngắn hạn đến dài hạn. Các giải pháp mà ngành giao thông của thành phố này đưa ra thời gian qua chỉ giải quyết tạm thời theo kiểu tắc chỗ nào thì gỡ ở chỗ đó. Vì thế, hiệu quả mang lại cũng chỉ trong thời gian ngắn.

TS Võ Kim Cương – nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng bài toán giao thông không phải là bài toán riêng lẻ mà là bài toán chung về đô thị, phải bắt đúng “căn bệnh” mới chữa được. “Căn bệnh” lớn nhất của TP HCM là kiến trúc đô thị không phù hợp với xe ô tô, giao thông công cộng bởi vì phần lớn diện tích thành phố phát triển tự phát, không theo quy hoạch.

Theo TS Cương, trước mắt phải tạo điều kiện cho xe gắn máy lưu thông. Về lâu dài, phải cải tạo cấu trúc đô thị như đô thị lớn trên thế giới thì mới hạn chế xe cá nhân. Phải tốn rất nhiều tiền để làm metro, các hệ thống đường bộ đủ mật độ đường (trên km2) theo quy chuẩn. Khi mạng lưới hệ thống giao thông công cộng bao phủ, thuận tiện thì mới hạn chế lưu thông xe máy. Cần thấy rằng một trong những nguyên nhân gây kẹt xe của thành phố là chưa có hạ tầng giao thông mà đã cho phép xây dựng ồ ạt các cao ốc, khu chung cư. Đó là sai lầm.

Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP HCM - thừa nhận việc phát triển các khu đô thị, các trung tâm thương mại, cao ốc chưa gắn liền với phát triển giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông. Người đứng đầu ngành GTVT TP HCM than phiền không được tham gia góp ý về quy hoạch dự án nhà ở, cao ốc vì trong thủ tục hành chính không có yêu cầu lấy ý kiến của Sở GTVT vì sợ kéo dài thời gian và gây ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của nhà đầu tư.

Chuyên gia về quy hoạch KTS Ngô Viết Nam Sơn, cho rằng sự “bó tay” của Sở GTVT là hệ quả của một thời gian dài thực hiện quy trình “ngược” trong cấp giấy phép xây dựng dự án nhà cao tầng, trung tâm thương mại... Ở nước ngoài, người ta chỉ cấp phép xây dựng theo hạ tầng hiện hữu. Ví dụ như đường đó tương lai sẽ mở rộng 40m, nhưng hiện tại mới chỉ có 20m thì sẽ chỉ cấp phép theo năng lực đường 20 m, cho đến khi đường mở rộng thêm mới cho tăng năng lực xây dựng.

Ngoài các vấn đề quy hoạch, cấp phép và phối hợp đồng bộ, các chuyên gia cũng cảnh báo giới chức có thẩm quyền cần lưu ý tập trung vốn, đất đai cho phát triển hạ tầng giao thông thì mới hy vọng giải quyết được vấn đề kẹt xe. Đối với đô thị đặc biệt và đông dân như TP HCM thì cấp thẩm quyền càng phải đặc biệt ưu tiên tập trung nguồn vốn phát triển giao thông. Điều đó không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn tạo động lực, năng lực mới cho thành phố, cho đất nước.

Hiện nay có xu hướng đầu tư dàn trải trên cả nước, dẫn đến thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội tắc nghẽn giao thông vì không đủ kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng theo kịp tốc độ phát triển. Cái giá phải trả cho xu hướng đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm này là không nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Càng giải càng tắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO